Thế còn địa lý thì sao?
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 07:48, 12/07/2022
Kho tàng văn học Việt Nam, từ cổ chí kim, từ truyền thống đến hiện đại, để lại cho muôn đời những áng văn thơ tuyệt đẹp, cái đẹp của sự hài hòa âm - dương nhất thể, của thế giới quan và nhân sinh quan hòa hợp với quan niệm Thiên - Địa - Nhân không thể tách rời, của triết luận “văn - sử - địa” bất phân. Sự trường tồn của các tác phẩm văn học không thể thiếu cái đẹp đó.
Xét rộng ra, nhà văn là người đóng góp không nhỏ, ở một phạm vi nhất định, vừa ghi chép vừa tham góp vào tiến trình vận động của nền văn hóa dân tộc. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… không chỉ là những văn hào mà còn là các nhà văn hóa lớn của dân tộc. Họ là những người giỏi văn thơ, am hiểu tường tận, thấu đáo nhân tình thế thái, hoàn cảnh, điều kiện thiên nhiên và thời đại mình đang sống một cách cụ thể, từ đó “phát biểu” chính kiến mang dấu ấn cá thể về nhân cách và phong cách. Cái “cá thể” ấy có nguồn gốc trực tiếp và gián tiếp từ nhân tố địa lý - là quê hương, là xứ sở, là Tổ quốc, là dân tộc - chung quy lại là thiên nhiên, môi trường sống, là làng xóm, bà con, là đồng bào, ngấm vào từng làn da thớ thịt, làm nên ký ức vững bền trong từng trái tim, khối óc.
Không phải là yếu tố quyết định, song nhân tố địa lý, với những mối quan hệ, liên hệ tác động lẫn nhau theo các quy luật đặc thù ở từng vùng lãnh thổ, là nguồn cội tạo nên nền tảng cho sự sử dụng và khai thác các nguồn lợi thiên nhiên, theo thời gian dần trở thành cảnh quan văn hóa, dung chứa các thiết chế (vật thể) và những hoạt động văn hóa dưới nhiều dạng thức khác nhau, lắng đọng thành bản sắc độc đáo, không lặp lại ở các vùng lãnh thổ khác nhau. Nói cách khác, tính độc đáo của văn hóa xuất phát từ tính khác biệt về hoàn cảnh và điều kiện thiên nhiên giữa các vùng lãnh thổ, làm nên sự đa dạng và phong phú của các cảnh quan văn hóa, mà ranh giới của các vùng, miền văn hóa không trùng khớp với ranh giới hành chính, với các khu vực kinh tế, mặc dù vẫn luôn tác động thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế và xã hội trong cùng tiến trình tồn tại và phát triển.
Một trong những công cụ quản lý đất nước hiệu quả mà cha ông ta ngày trước từng vun đắp, bồi bổ là sự am hiểu về lãnh thổ: “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Cho nên, người ra làm quan buộc là người có học thức. Họ là tác giả của các sách dư địa chí. Nguyễn Trãi được coi là tác giả đầu tiên của loại sách này khi ông soạn cuốn “Dư địa chí” vào năm 1435. Tác phẩm của Nguyễn Trãi lần đầu tiên khắc họa diện mạo của nước Đại Việt cũng như của từng địa phương một cách khoa học, thêm một lần khẳng định Đại Việt là một quốc gia độc lập, tự chủ trên con đường phát triển toàn diện. Từ đó, ở mỗi thời đại, công việc biên soạn sách dư địa chí được chú trọng, để lại cho hậu thế những hiểu biết về sự biến đổi không gian, địa danh qua thời gian, gắn liền với sự di dân, khai thác và sử dụng thiên nhiên vào các mục đích bảo vệ cương vực, mở rộng lãnh thổ, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngay từ những ngày ở nơi rừng núi heo hút, đón đợi thời cơ tổng khởi nghĩa đang đến gần, bên cạnh diễn ca “Lịch sử nước ta”, Hồ Chí Minh viết diễn ca “Địa dư nước ta” với hai câu mở đầu kêu gọi đồng bào: “Dân ta phải biết nước ta/ Một là yêu nước hai là trí tri”. Người nhấn mạnh lòng yêu nước phải gắn liền với sự hiểu biết về đất nước. Ngày nay, sau một thời gian gián đoạn, công việc biên soạn sách dư địa chí tiếp tục được triển khai ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Sự hiểu biết về đất nước của người dân cũng không ngừng khẳng định vai trò của nhân tố địa lý. Đó là niềm tự tôn về nền văn minh, văn hóa mang đậm sắc thái bản địa của nền kinh tế sản xuất lúa nước, được biểu hiện trong kho tàng ca dao, tục ngữ, đậm đặc mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như quan hệ xã hội ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Câu “đất nào cây ấy” không chỉ cho thấy các loại đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), cam Canh - bưởi Diễn (Hà Nội)…; mà còn là chèo Khuốc (Thái Bình), quan họ (Bắc Ninh)…; hay các làng khoa bảng (địa linh nhân kiệt) Mộ Trạch (Hải Dương), Hành Thiện (Nam Định)... Những chỉ dẫn mang tính bản sắc như vậy có mặt ở các miền quê khác nhau, từ Bắc chí Nam, từ rừng núi ra hải đảo, ở tất cả các tộc người cư trú trên lãnh thổ hình chữ S.
Khi đề cập về bất kỳ con người hay sự vật, hiện tượng nào đó, người ta không thể tách đối tượng ra khỏi mảnh đất cụ thể (nhân tố địa lý) cũng như quá khứ (yếu tố lịch sử). Nói “văn - sử - địa bất phân” là vậy. Trong thiên bút ký “Hoa trái quanh tôi”, Hoàng Phủ Ngọc Tường có lý khi viết về Huế, rằng: “Có lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò nào đó, thực quan trọng, trong sự tổng hợp nên cái mà người ta có thể gọi là “bản sắc Huế”. Bởi vì thiên nhiên bao giờ cũng biểu hiện một cách nhất quán giữa cái hằng cửu và cái biến dịch, giữa cái biến động và cái tĩnh tại”; và ông nhận xét: “Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong”. Có lẽ nên bổ sung rằng, không chỉ với Huế, mà từ xưa cha ông ta từng coi trọng tính hài hòa khi sử dụng và khai thác thiên nhiên ở bất cứ nơi nào trong phạm vi cương vực quốc gia. Đặc biệt trong việc chọn đất lập kinh đô, như Phong Châu thời Hùng Vương, Hoa Lư thời Đinh và Tiền Lê, Thăng Long thời Lý, Tây Đô thời Hồ và Huế thời Nguyễn. Tại mỗi địa điểm đó, các công trình kiến trúc - lịch sử - văn hóa tạo nên những quần thể di tích có tính logic và tính thực tiễn rất cao về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các quần thể di tích ấy hướng người đời sau vượt khỏi sự hoài niệm đơn thuần, đồng thời kích thích trí tưởng tượng bay bổng, bay xa; và, trong thời hiện đại chúng trở thành thành tố đích thực của du lịch - một ngành kinh tế mũi nhọn.
Giá trị của nhân tố địa lý thực sự quan thiết đối với việc hình thành và phát triển thế giới quan và nhân sinh quan, đồng thời là nền tảng cơ bản đầu tiên cho sự nhận thức lịch sử và văn chương nói riêng và hầu hết các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, vị thế của môn địa lý, trước hết ở môi trường giáo dục phổ thông, chưa được quan tâm đúng mức để có chỗ đứng xứng tầm. Dạy và học lịch sử cũng như văn học luôn luôn chiếm các diễn đàn thảo luận của xã hội, trong khi địa lý bị quên lãng… Môn địa lý nhà trường hầu như không được dư luận xã hội bênh vực!
Thực tế khó có thể chấp nhận một tác phẩm văn chương thiếu hơi thở của thiên nhiên, của môi trường sống, những yếu tố căn cốt làm nên bối cảnh, làm nên diện mạo, thân phận, tính cách của nhân vật. Nhưng, không phải là tất cả, đây đó thực sự còn vắng nhịp điệu vận động của các yếu tố căn cốt đó, khiến cho tác phẩm không đủ sức thuyết phục người đọc, cũng tức là chưa đạt đến cái đẹp hoàn mỹ. Hơn nữa, ở những tác phẩm ấy, tất yếu không thể tiếp cận các vấn đề mang tính thời đại mà nhu cầu thưởng thức văn học đòi hỏi, dù ở cấp vi mô. Bởi hơi thở cuộc sống là tích của cấp số nhân các mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và xã hội. Văn học không có nhiệm vụ phân tích, lý giải các mối quan hệ dằng dịt ấy; song, trực giác của người viết có trách nhiệm phát hiện những mâu thuẫn, những nghịch lý và cả những bi kịch phát sinh và tác động tới số phận của con người do hệ quả của các quan hệ đa dạng và phức tạp đem lại.
Đến đây nảy sinh một vấn đề khá nhạy cảm, đó là việc dạy và học môn địa lý (cùng môn lịch sử và môn văn học) ở các cấp phổ thông như hiện nay khó có thể cung cấp những kiến thức cơ bản để hiểu về đất nước, về địa phương mình sinh sống, hạn chế đến khả năng nhận thức các đặc điểm đặc trưng của vùng và cảnh quan văn hóa, đến sự tiếp nhận và thưởng thức đầy đủ cái hay, cái đẹp về lịch sử, văn học và nghệ thuật, và vì thế khó đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện, chưa kể đến việc kích thích năng lực độc lập tư duy và trí tưởng tượng của học sinh.
Thế còn địa lý thì sao? - là câu hỏi xuất phát từ thực tế của một sự thiếu hụt không nên để kéo dài. Cái điều mà không chỉ thế hệ học sinh phổ thông chịu thiệt thòi, mà liên quan tới rất nhiều lĩnh vực hoạt động, đòi hỏi ngay cả các nhà văn cũng phải có cách nhìn, góc nhìn vừa trầm tĩnh vừa rốt ráo trước những biến động ngày càng xấu đi của môi trường sống, của quá trình đô thị hóa với tốc độ và tập trung hóa ngày càng cao, của sức tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng không tỷ lệ thuận với sự phát triển, của xu thế hiện đại hóa nền nông nghiệp và phát triển nông thôn dưới tác động của các quy luật của nền kinh tế thị trường và tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin chuyển biến nhanh đến chóng mặt.
Một lý do nữa, đại dịch Covid-19 mà những hậu quả của nó buộc con người phải nhanh chóng thay đổi cách nhìn nhận về nhiều khía cạnh cho trước mắt và trong tương lai. Sự bất ổn trên phạm vi toàn cầu không loại trừ bất cứ một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay kém phát triển, đều ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến từng gia đình, từng cá nhân. Khắc phục hậu quả và tận dụng mọi cơ hội cho sự phát triển tiếp theo đều làm biến dạng diện mạo, thân phận của mỗi xã hội, từng lĩnh vực, theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Văn học cũng nằm trong vòng quay đó.
Chắc chắn trong tương lai, sớm hay muộn, văn học nước nhà sẽ có diện mạo mới, vị thế mới…