Chùa Mui - dấu tích hưng thịnh của Đạo giáo

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 09:10, 04/06/2021

Hiện nay, các dấu tích về Đạo giáo ở nước ta còn lại rất ít, một trong số đó là chùa Mui ở thôn An Duyên (tên nôm là làng Mui), thuộc xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín). Đây từng là đạo quán lớn với tên chữ là “Hưng Thánh quán”.
Chùa Mui - dấu tích hưng thịnh của Đạo giáo
Cổng ngũ quan chùa Mui nằm sát với tiền đường.

Nơi tu tiên của các đạo sĩ

Đạo giáo rất thịnh hành ở nước ta trong giai đoạn Bắc thuộc tới khi Ngô Quyền xưng vương (năm 939) lập ra nhà Ngô. Đến thời Lý - Trần, Đạo giáo vẫn giữ được chỗ đứng dù Phật giáo và Nho giáo phát triển mạnh. Thời kỳ này được gọi là “Tam giáo đồng nguyên”.

Giống như chùa trong Phật giáo, các đạo sĩ thường lập các đạo quán để làm nơi tu tiên. Vào thời đó, các đạo sĩ không chỉ tu tiên mà còn làm phép chữa bệnh, bói toán âm dương, luyện linh đan.

Chùa Mui, chưa rõ năm xây dựng, chỉ biết được tu sửa sớm nhất vào năm 1137 và lấy tên là Đại Hùng Quán Tôn, năm 1618 đổi là Đại Hùng Thánh Quán. Căn cứ vào đôi câu đối ở cửa chùa, có thể khẳng định, chùa Mui - Hưng Thánh quán được xây dựng thời vua Lý Thần Tông - vị vua thứ 5 của triều Lý.

Trong chùa Mui hiện còn đầy đủ các bộ tượng của Đạo giáo. Lớp đầu có tượng Thượng đế, hai bên là một vị đồng tử tay trấn quy xà bằng kiếm và một vị tiên ông râu tóc bạc phơ. Vị tiên ông chính là Thái thượng Lão quân, còn vị đồng tử là Huyền thiên Đại thánh (thần Trấn Vũ).

Nơi thờ 3 vị Tam Thanh cũng được gọi là Tam bảo giống như trong Phật giáo, phía trên còn bức đại tự chữ Hán: “Đại Hùng Quán Tôn”. Ba vị Tam Thanh là: Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, cũng chính là Thái Thượng Lão Quân. Tượng Ngọc Thanh màu đỏ được đặt ngồi ở giữa, bên phải là tượng Thượng Thanh màu xanh lục tay cầm gậy như ý, bên trái là tượng Thái Thanh màu trắng cầm cây phất trần.

Sau thời Lý - Trần, chiến tranh liên miên, vai trò của các đạo sĩ trong xã hội ngày càng mờ nhạt khiến Đạo giáo có dấu hiệu suy tàn. Bước sang thời Lê sơ (1428 - 1527), để củng cố vương quyền, Nho giáo trở nên thịnh hành, nhiều đạo quán dần chuyển thành chùa thờ cả Phật lẫn Tam Thanh. Hiện nay, ngoài chùa Mui - Hưng Thánh quán, còn có chùa Sổ - Hội Linh quán (huyện Thanh Oai), chùa Linh Tiên - Linh Tiên quán (huyện Hoài Đức) là những minh chứng rõ nét nhất cho sự chuyển giao giữa Phật giáo và Đạo giáo ở nước ta.

Chùa Mui - dấu tích hưng thịnh của Đạo giáo
Tượng thờ 3 vị Tam Thanh trong chùa Mui.

Quần thể kiến trúc độc đáo

Chùa Mui quay về hướng nam, có kiến trúc tổng thể kiểu nội công ngoại quốc. Lớp kiến trúc đầu tiên là cổng ngũ quan được xây áp với tiền đường, giữa là thượng điện, phía sau là hậu cung và điện thờ Mẫu. Bức đại tự ở giữa tiền đường đề ba chữ Hán: “Hưng Thánh quán”. Mái hậu cung lợp 5 loại ngói in nổi hoa văn sen kép và vân trám lồng; đầu mũi được thay bằng ngói đệm có 3 hình cánh sen kép, hoa thị đơn, hoa thị kép. Chính giữa bờ nóc là một viên gạch khắc rồng thuộc thế kỷ XVII.

Trước tam bảo là bệ hoa sen bằng gạch đất nung, dài 2,8m, rộng 1,79m, cao 1,1m. Mỗi góc bệ có 3 hình người đầu thú, tay nâng bệ, trên lưng mang cánh chim thần Garuda. Phía dưới bệ được tạo bởi 16 phiến đá, 13 phiến đất nung úp xuôi có hoa văn hình tròn cách điệu hoa cúc dây và hình tròn có mây chạy xuôi. Phiến đất nung ở giữa có hình hoa sen 13 cánh, các khoang được khắc 2 con rồng cuốn nước, đuôi xoắn vào nhau. Dưới gầm bệ là lò luyện đan sâu 1,3m, rộng 0,73m để trên thông thiên địa, mang triết lý “Vũ trụ quan” của Đạo giáo. Tương truyền, trước đây gọi là huyệt đan sa, tức nơi luyện kim đan của các đạo sĩ.

Trong chùa còn có quả chuông Hoằng Định được đúc năm 1618 đặt ở tiền đường, trên quả chuông có bài minh, bài ký phác họa lịch sử địa lý vùng dân cư, hiện thực xã hội đương thời và ghi tên những người hưng công xây dựng chùa. Đây là quả chuông có niên đại cổ nhất ở huyện Thường Tín.

Trong khuôn viên chùa Mui còn có đình Mui, đền thờ bà cụ Hậu (người đã đóng góp của cải để trùng tu, mở rộng chùa vào thế kỷ XVII), đền Trấn Vũ, nhà bia liệt sĩ… Những công trình này tạo nên một quần thể di tích tôn giáo - tín ngưỡng đặc sắc của làng Mui. Đặc biệt, tại đây còn có một cây bồ đề cổ thụ với bộ rễ lớn bao trùm lên đền thờ bà cụ Hậu, tạo nên cảnh quan độc đáo.

Với các giá trị di sản, cụm di tích đình - đền - chùa Mui đã được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1999. Hội làng được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm trong khuôn viên di tích. Ngoài ra, dân làng cũng không quên tổ chức ngày giỗ cụ Hậu (11 tháng Giêng) tại đây.

HNMCT