Ứng dụng công nghệ số để quản lý và phát triển ngành du lịch
Du lịch - Ẩm thực - Ngày đăng : 09:26, 05/06/2021
Qua đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch triển khai ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19. Việc đẩy mạnh ứng dụng số là việc làm cần thiết để quản lý hoạt động du lịch, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cũng như bảo đảm hoạt động an toàn lâu dài cho ngành Du lịch.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” là rất thiết thực và hiệu quả. Ứng dụng cho phép các đơn vị kinh doanh du lịch đăng ký an toàn Covid-19, còn du khách dễ dàng tìm kiếm những điểm đến an toàn, như: Nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, bệnh viện, nhà thuốc gần nhất. Ngoài ra, du khách có thể phản hồi về các vấn đề gặp phải để cơ quan quản lý tiếp nhận và xử lý kịp thời. “Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tìm kiếm thông tin mang lại hiệu quả rất lớn cả về quản lý, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch lẫn trải nghiệm cho du khách trong bối cảnh chưa thể thực hiện các chuyến tham quan”, ông Hà Văn Siêu nói.
Ngoài việc yêu cầu các địa phương tuyên truyền và hướng dẫn du khách sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, từ đầu tháng 5-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi nhiều văn bản tới các địa phương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch, trong đó có yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch đẩy mạnh ứng dụng số, đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 qua website: https://safe.tourism.com.vn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy lưu ý thêm, các cơ sở lưu trú không hoạt động cũng phải đăng ký vào mục “Cơ sở kinh doanh tạm dừng hoạt động” để thuận tiện cho việc quản lý. “Đây là việc làm lâu dài, nhằm bảo đảm an toàn cho du khách cũng như đánh giá chất lượng dịch vụ của các cơ sở du lịch. Sau khi đăng ký đánh giá an toàn Covid-19, các đơn vị phải in mã QR Code và công bố, dán mã tại sảnh đón tiếp hoặc khu vực dễ quan sát để du khách có thể kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch của cơ sở, trước khi quyết định sử dụng dịch vụ”, bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Du lịch, hiện đã có 63/63 tỉnh, thành phố tham gia hệ thống đăng ký, tự đánh giá an toàn Covid-19 và ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Tuy nhiên, việc triển khai đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn ở mức thấp. Hiện cả nước mới có hơn 10.000/30.000 cơ sở lưu trú đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19, trong đó có 158 cơ sở lưu trú tạm ngừng hoạt động. Tại những thành phố thu hút lượng lớn du khách như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, các đơn vị đăng ký không cao. Cụ thể, ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ có gần 700 đơn vị, Khánh Hòa hơn 400 đơn vị, Đà Nẵng hơn 370 đơn vị, Hà Nội hơn 300 đơn vị đăng ký…
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, hiện nhiều cơ sở lưu trú đã nghỉ kinh doanh, chỉ có những khách sạn 4-5 sao đang hoạt động thực hiện đăng ký tự đánh giá an toàn Covid-19. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho rằng, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn, song nhiều đơn vị khi tiếp nhận còn lúng túng trong việc thực hiện.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, Sở tiếp tục gửi các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm việc đăng ký an toàn Covid-19 cũng như hướng dẫn du khách sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”.