Ngõ hoa
Tản văn - Ngày đăng : 07:39, 13/07/2022
Khi con trai bà Hảo tổ trưởng dân phố làm cán bộ nông nghiệp ở một tỉnh miền núi phía Bắc mang về mấy chục giò phong lan các loại, bà Hảo phát không cho các hộ, treo toòng teng trước hiên nhà. Đến kỳ, hoa phong lan nở rộ nhiều màu sắc làm cho con ngõ bừng lên tươi tắn. Một số gia đình còn trồng hoa giấy, hoa ngũ sắc trong chậu đặt trước cửa nhà. Hoa chậu, hoa treo đua nhau nở, nom thật vui mắt. Từ đó dân quanh vùng gọi tên ngõ là “ngõ hoa”...
Làn gió kinh tế thị trường ào đến khiến nhịp sống trong ngõ thay đổi rõ rệt. Giá nhà đất lên cao, vài gia đình trong ngõ liền bán nhà dọn đến ở chung cư. Có người bán ắt có người mua. Gia đình đầu tiên mua nhà dọn đến ngõ là ông Mài, bà Liên. Nhà này có vẻ “tiền đè chết người”, mở ngay quán trưng biển đèn màu nhấp nháy “Hải sản Mài Liên kính chào quý khách!”. Bàn ghế bày ra ngõ, choán hết đường đi lại. Vỏ cua ốc vứt bừa bãi, quăng cả sang cửa nhà bên. Những hôm nắng nóng, mùi tanh hôi nồng nặc. Nhiều lần xóm giềng góp ý, ông Mài chỉ “vâng dạ”, “xin rút kinh nghiệm!”, nhưng đâu lại vào đấy. Nhiều nhà trước đây ăn ở sạch sẽ, nay cũng bắt chước vứt rác ra cửa. Thói xấu thường lây lan rất nhanh. Người ta dường như ít quan tâm đến hoa, nhiều giỏ phong lan cũng dần bị tháo bỏ, các chậu hoa héo úa rồi biến mất. Không ít lần xảy ra cãi vã, đấu khẩu kịch liệt về chuyện rác rưởi. Dân quanh phố lại gọi tên là “ngõ rác”.
Họp tổ dân phố, bà Hảo phê bình nhà ông Mài, đề nghị tổ làm các biển “Vì thành phố xanh - sạch - đẹp, cấm vứt rác bừa bãi”. Mấy hôm sau, dọc hai bên ngõ nhất loạt hiện lên những tấm biển bằng sắt tây nền xanh chữ trắng, trông rất quy củ. Nhưng chỉ được một tuần đã xảy ra chuyện. Ông Lý, người được dân trong ngõ gọi là “triết gia”, cầm tờ báo xông vào nhà bà Hảo:
- Bà tổ trưởng xem này! Nhục nhã quá!
Ông chìa ra bài báo đăng bức ảnh chụp phía trên là tấm biển “Cấm đổ rác bừa bãi” nhưng bên dưới là đống rác ngồn ngộn. Liếc qua, mặt bà Hảo nhăn lại: “Chết thật! Vô ý thức quá!”. Ông Lý ra chiều hiểu biết:
- Tôi đã bảo mà! Ở đâu kiếm tiền gian dối là ở đó có rác! Không làm triệt để được đâu bà ơi!
- Sao lại kiếm tiền gian dối? Bà Hảo ngạc nhiên.
Ông Lý ghé tai bà Hảo nói nhỏ:
- Mực, ngao, tôm ươn bốc mùi, nó ngâm hóa chất rồi tẩm ướp, hấp xào cho khách ăn... Chẳng phải gian dối thì là gì?
***
Ánh nắng sớm mai nhuộm vàng con ngõ nhỏ. Các nhà lục tục mở cửa, người đi thể dục, người đi chợ, đi làm. Bà Sợi công nhân vệ sinh môi trường đã nghỉ hưu vừa khua chổi quèn quẹt trước quán hải sản vừa rền rĩ:
- Ăn cho phưỡn bụng ra rồi vứt rác đầy ngõ. Ăn ở bẩn thỉu thế ai mà chịu được. Trần đời không có nhà nào như cái nhà này...
Ông Tiến xách cặp dắt xe đạp ngang qua liền chêm vào:
- Thì bà cứ để đó, ai bắt quét dọn mà kêu than! Tối, xe rác qua ngõ sẽ giải quyết hết.
- Ông nói thế mà nghe được à? Đợi đến tối thì cả ngõ này hít mùi tanh thối suốt ngày, mang bệnh mang tật vào người ấy chứ!
Đúng lúc ấy ông Lý “triết gia” xuất hiện:
- Kiếm tiền gian dối, ắt có rác! Nhà này mà không có rác vứt ngoài cửa mới là sự lạ.
Chỉ khổ bà Sợi, ngoài nhiệm vụ công ty giao lại phải lụi cụi dọn rác của quán hải sản. Có hôm tức quá bà buông lời chửi kẻ vô ý thức. Nhưng bà chửi bà nghe, chứ nhà họ bán hàng đến khuya, còn lâu mới “chào buổi sáng”. Thấy chướng mắt bà tự dọn, chứ chẳng ai yêu cầu hay nhờ bà làm! Lâu dần người ta cũng cho đó là “chuyện bình thường ở ngõ”.
Bà Sợi hót rác vào mấy cái túi nilon to màu đen rồi khệ nệ xách qua bên đường, phía góc vườn hoa có mấy cái thùng rác to, bà thảy tất cả vào thùng rồi đóng nắp cẩn thận. Lúc bà đi ngang qua quán hải sản, bỗng bà Liên kéo cửa xếp, thò cổ ra:
- Nhà em có ăn đâu. Khách người ta ăn phưỡn bụng ra đấy chứ!... Hì hì... Dù sao cũng cảm ơn bác đã giúp. Nhà bác có ăn ngao, cua, ốc, ghẹ cứ ới em một tiếng! Hàng nhà em tôm giẫy đành đạch, đảm bảo tươi ngon...
Bà Sợi tức tối:
- Nhà chị đúng là vô văn hóa! Nói mãi như nước đổ đầu vịt. Cả ngõ khổ vì nhà chị. Chị định biến cái ngõ này thành thùng rác của riêng nhà chị có phải không!
Bà Liên cũng không phải dạng vừa:
- Này này! Mụ nói ai vô văn hóa? Vô văn hóa mới phải đi quét rác mà ăn!
Bà Sợi nóng mắt:
- Tôi quét rác đấy nhưng không vô ý thức như nhà chị! Chị mới là đồ rác rưởi!
Bà Liên độp lại:
- Đã không biết thân biết phận lại còn dạy khôn người khác!
May mà bà Hảo tổ trưởng ra can ngăn, chứ không thì cuộc khẩu chiến chẳng biết đến khi nào mới chấm dứt.
***
Dịch Covid-19 tràn về thành phố.
Tiếng còi xe cấp cứu “u ủ” suốt ngày đêm. Nhiều người mặc đồ phòng dịch màu xanh xuất hiện lố nhố trong ngõ. Họ căng dây quanh mấy nhà, trưng biển “Khu vực cách ly y tế”. Ông Mài và con trai lớn bị dương tính, phải đi cách ly tập trung tại bệnh viện.
Những ngày cách ly, ngõ bỗng vắng lặng đáng sợ nhưng dường như sạch sẽ hơn bởi mọi hoạt động kinh doanh phải ngừng. Ông Lý “triết gia” đứng ở cửa nhà lẩm bẩm: “Hết dịch là lại ngập rác cho mà xem! Tiền bẩn ở đâu, rác rưởi ở đó, quy luật rồi”.
Người trong ngõ phân công nhau đi mua thực phẩm thiết yếu, đồ dùng y tế phân phát đến từng nhà. Ông Tiến xin tạm nghỉ việc, sớm hôm đi phát tờ rơi, phiếu đi chợ. Bà Sợi cùng đám thanh niên trong ngõ chia nhau đi phun khử khuẩn. Dân trong ngõ gọi nhau cùng đi tiêm vắc xin phòng Covid-19, xem ra đoàn kết lắm, như chưa hề xảy ra chuyện cãi cọ, xích mích vì rác. Có điều lạ là trong suốt thời gian cách ly sáng nào cũng thấy một túi thực phẩm tiếp tế đặt trước cửa quán hải sản, không rõ ai làm việc này. Quãng 9h hằng ngày, bà Liên thập thò ở khuôn cửa, nhìn trước ngó sau như người ăn trộm rồi len lén xách túi đồ ăn vào nhà...
Rồi dịch bệnh cũng được kiểm soát, cả xã hội bước sang giai đoạn “bình thường mới”. Ông Mài giục vợ: “Bà tìm người mua thực phẩm giúp mình, trả tiền rồi cảm ơn người ta. Nhà mình làm ăn nên phải cẩn thận, nợ nần xui xẻo lắm”. Bà Liên gặp ai cũng gặng hỏi: “Bác có biết ai mua giúp nhà em thực phẩm khi cách ly không? Em muốn thanh toán sòng phẳng!”. Bà Hảo tổ trưởng bình thản: “Dịch giã không giúp nhau thì bao giờ mới giúp được! Nếu coi đó là nợ thì nhà ông bà nợ cả ngõ này đấy!”.
Cuộc họp tổ dân phố đầu tiên sau khi trở lại nhịp sống “bình thường mới” có khá đầy đủ đại diện các hộ gia đình. Nội dung họp có hai phần. Thứ nhất, lấy ý kiến người dân về vệ sinh, cảnh quan môi trường trong ngõ. Bà Hảo nêu quyết tâm khôi phục tên “ngõ hoa” vì đây là danh dự của toàn ngõ. Phần thứ hai là tổng kết, biểu dương cá nhân, gia đình tích cực trong công tác phòng, chống dịch.
Hầu hết ý kiến ủng hộ việc lập lại trật tự vệ sinh trong ngõ. Bà Sợi hăng hái phát biểu:
- Cứ người dọn, người vứt thì muôn đời vẫn là ngõ rác. Đề nghị tổ phân công mỗi hộ luân phiên trực vệ sinh ngõ một ngày... Tất cả mọi người đều phải có ý thức, cùng chung tay “phòng chống rác” thì mới sạch được!
Ông Tiến sôi nổi:
- Thằng con lớn nhà tôi học mỹ thuật. Tôi đề xuất ta nên vẽ mấy bức bích họa lên các mảng tường hiện đang chi chít quảng cáo lộn xộn, mất mỹ quan. Cháu nó vẽ ủng hộ, không công xá gì hết!
Có tiếng chêm vào:
- Hay quá! Nên thế! Chứ vào ngõ toàn thấy “Sửa chữa tivi, tủ lạnh” rồi “Thông tắc cống”, “Thuốc trĩ gia truyền”... Như cái nồi lẩu thập cẩm ấy, xấu mặt lắm!
Bà Hảo phấn khởi:
- Tôi sẽ nói cháu lại chuyển ít giò phong lan trên miền núi về, góp vào làm đẹp cho ngõ, miễn phí luôn.
Cuộc họp rôm rả hẳn lên. Mọi người thống nhất góp quỹ mua hai thùng rác nhựa cỡ to, đặt ở đầu và cuối ngõ. Các nhà không được tùy tiện vứt rác ra cửa. Ban ngày khi xe rác chưa đến dọn, ai vứt rác phải đổ vào thùng nhựa. Riêng bà Liên ngồi cúi mặt im lặng, vẻ sượng sùng...
Bà Hảo đọc danh sách những người được tuyên dương trong đợt chống dịch. Bà Sợi được tặng giấy khen của quận vì tích cực trong phòng, chống dịch và giữ vệ sinh môi trường.
Chừng một tháng sau, con ngõ bỗng như được khoác tấm áo mới. Những giỏ phong lan tươi xanh lại treo dọc ngõ, đung đưa trong gió. Mấy bức bích họa hai bên tường màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Vài chậu hoa giấy nở đỏ rực. Trước cửa mỗi nhà không còn thấy rác như ngày nào. Con ngõ bừng lên một diện mạo mới, sáng đẹp lạ thường.
Ông Tiến lững thững đi dọc ngõ, miệng lẩm bẩm: “Đúng là ngõ hoa, đâu phải là ngõ rác nữa!”. Bà Hảo đi chợ về qua, góp lời: “Đừng chủ quan. Không quét dọn thường xuyên lại thành ngõ rác đấy ông ạ!”. Ông Lý “triết gia” bước đến, vỗ vai ông Tiến: “Dọn dẹp hết rác là hoa nở thôi, quy luật mà!”.
Còn ông Mài bà Liên cho đến tận bây giờ vẫn chưa tìm ra ai là người hằng ngày tiếp tế túi thực phẩm cho nhà mình trong thời gian cách ly thời dịch bệnh.