Đủ các điều kiện để vận hành mô hình chính quyền đô thị

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 20:51, 06/06/2021

Ngày 1-7-2021, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, thành phố chuẩn bị đủ các điều kiện để vận hành mô hình chính quyền đô thị.
Đủ các điều kiện để vận hành mô hình chính quyền đô thị
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà.

Bảo đảm quyền dân chủ và giám sát của nhân dân

- Thưa đồng chí, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là công việc hệ trọng. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về mô hình này và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố để triển khai thực hiện?

- Ngày 27-11-2019, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Theo đó, việc thí điểm được tổ chức như sau: Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; ở các phường thuộc quận, thị xã là UBND phường, không tổ chức HĐND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 97/2019/QH14, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31-12-2019 về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” nhằm tập trung chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành của thành phố, chuẩn bị tốt cho việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Trên cơ sở chỉ đạo thống nhất của Thành ủy, các cấp chính quyền đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị như: Phối hợp với các cơ quan trung ương xây dựng nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy các phường; rà soát, hoàn thiện quy định phân cấp của thành phố với các quận, thị xã, phường; tổ chức tuyên truyền mô hình chính quyền đô thị… Đến nay, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các điều kiện để vận hành mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1-7-2021.  

- Theo Nghị quyết số 97/2019/ QH14 của Quốc hội sẽ không còn HĐND phường, vậy việc thực hành quyền dân chủ và giám sát của nhân dân được thực hiện thông qua các hình thức nào, thưa đồng chí?

- Khi không tổ chức HĐND phường thì quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được bảo đảm, tăng cường hơn bằng hình thức trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp qua các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương. Cụ thể, tổ chức Đảng ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và trực tiếp người dân sẽ thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật tại địa phương. HĐND quận sẽ giám sát UBND phường trong việc thực hiện các nhiệm vụ mà HĐND, UBND quận giao cho UBND phường thông qua hoạt động giám sát của các tổ đại biểu HĐND quận.

Việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phường tập hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đặc biệt, hằng năm ít nhất 2 lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của công dân ở phường mình.

Các phường hoạt động ổn định từ ngày 1-7

- Đồng chí có thể cho biết, đến nay kết quả triển khai việc chuẩn bị thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thế nào?

- Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019/ QH14, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phân công, triển khai các công việc cụ thể để chuẩn bị cho việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị. 

Trong đó, các sở, ban, ngành, quận, thị xã đã thực hiện việc rà soát, đánh giá hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức phường; đóng góp xây dựng các nội dung về tổ chức, cơ chế hoạt động, tài chính - ngân sách… cho phường khi thực hiện thí điểm theo mô hình chính quyền đô thị.

Ngày 29-3-2021, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12-4-2021 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, trong đó đã phân công các công việc cần triển khai tới các cơ quan, đơn vị của thành phố. 

Tiếp đó, ngày 22-4-2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 1184/UBND-NC về hướng dẫn nội dung chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu UBND phường đối với các giấy tờ, văn bản theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ.  

Hiện UBND thành phố đang hoàn thiện để ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND phường khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; ban hành hướng dẫn UBND quận, thị xã và UBND phường thực hiện các quy định về tài chính, ngân sách khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, bảo đảm các phường có đầy đủ các điều kiện đi vào hoạt động ổn định từ ngày 1-7-2021.

- Tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ tổ chức vào ngày 15-4-2021 vừa qua, nhiều ý kiến mong muốn sớm có hướng dẫn cụ thể, nhất là những quy định về cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường để cán bộ, công chức cấp phường tin tưởng, yên tâm công tác. Đến nay, nội dung này đã được giải quyết thế nào, thưa đồng chí?

- Đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách ở phường thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thành phố Hà Nội đã báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để có hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện.

- Một trong những nội dung quan trọng khi vận hành mô hình chính quyền đô thị là việc phân cấp để giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả, vậy thành phố Hà Nội sẽ tiến hành việc phân cấp ra sao?

- Thực hiện Kế hoạch số 100/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/ NĐ-CP, UBND thành phố đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các quận và thị xã Sơn Tây rà soát, đánh giá hiệu quả các quy định về phân cấp giữa thành phố với các quận, huyện, thị xã hiện hành, đánh giá mức độ phù hợp, xác định các khó khăn, vướng mắc nếu thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, UBND thành phố sẽ nghiên cứu để tiếp tục ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp của UBND thành phố đối với UBND các quận, thị xã; UBND các phường trong điều kiện thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội bảo đảm hiệu quả nhất.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HNM