Nhiều lợi ích khi cách ly F1 tại nhà
Tin tức - Ngày đăng : 08:51, 08/06/2021
Bắc Giang, Bắc Ninh lần đầu tiên triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo các chuyên gia y tế, với đối tượng F1 nên thực hiện cách ly tại nhà, vừa tránh lây nhiễm chéo, vừa tiết kiệm được ngân sách.
Chỉ thí điểm tại 2 tỉnh
Theo Bộ Y tế, các địa phương phải tính đến tình huống nếu có nhiều người bị nhiễm, có nhiều F1 mà các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ thì nghiên cứu, khảo sát để thí điểm quy mô nhỏ là cho F1 cách ly tại nhà, có kết hợp giám sát bằng công cụ công nghệ và sự giám sát của cộng đồng.
Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ thực hiện thí điểm tại Bắc Giang và Bắc Ninh, khi số lượng các trường hợp F1 vượt quá năng lực cách ly của địa phương. Bộ Y tế cũng yêu cầu địa phương phân loại rất kỹ, những người tiếp xúc rất gần và có nguy cơ cao vẫn phải cách ly tập trung. Còn người tiếp xúc ở khoảng cách xa trên 2m thì có thể cách ly tại nhà. Trước mắt chưa thực hiện trên quy mô cả nước.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người trở về từ vùng dịch tại quận Hoàn Kiếm tháng 5/2021. Ảnh: Phạm Hùng |
"Các F1 được cách ly tại nhà phải bảo đảm các yếu tố như có phòng riêng, thoáng và điều kiện vệ sinh tương đối riêng biệt. Những thành viên khác trong gia đình không tiếp xúc gần với F1. Mọi sinh hoạt của F1 thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Người cách ly tại nhà phải ký cam kết thực hiện các biện pháp như cách ly ở điểm tập trung. Chính quyền cơ sở hướng dẫn F1 theo dõi và khai báo y tế hằng ngày. Việc thu gom, xử lý rác thải của người cách ly tại nhà phải bảo đảm. Thời gian cách ly tại nhà cũng như tập trung. F1 nếu vi phạm khi cách ly tại nhà sẽ được xử lý nghiêm..." - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Còn việc thực hiện cách ly trẻ dưới 15 tuổi, vừa qua nhiều địa phương chưa thực hiện đúng quy định.
Trước hình ảnh đáng thương về những em nhỏ phải cách ly tập trung một mình khi cả nhà là F0 đang điều trị trong bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu Bắc Giang cần chấn chỉnh ngay việc này. Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn về việc cách ly y tế cho trẻ em dưới 15. Theo đó, thời gian cách ly là 21 ngày. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, với trường hợp trẻ từ 5 - 15 tuổi, thực hiện cách ly y tế tập trung trong 7 ngày. Sau khi có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-COV-2 (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 3 và lần 3 vào ngày thứ 7), cho phép thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Cần thay đổi phương thức cách ly
Dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt nhiều địa phương tiếp tục có số ca mắc đang tăng nhanh như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải sẵn sàng các kịch bản và tình huống ứng phó. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, chưa ai có thể nói trước được điều gì về tình hình Covid-19, đặc biệt khó dự đoán bao giờ dịch sẽ kết thúc; ngược lại, phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Khi số ca mắc tăng cao, đồng thời số lượng F1, F2 cũng sẽ tăng theo cấp số nhân, áp lực đối với các khu cách ly tập trung là vô cùng lớn. Vì vậy, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ Y tế nên thay đổi phương thức cách ly để phù hợp trong tình hình mới. Nhiều người cho rằng, việc thực hiện cách ly F1 tại nhà là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần thực hiện theo đúng quy trình, được kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm nếu sai phạm xảy ra.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, nếu cách ly tập trung quá tải sẽ có nhiều nguy cơ hơn là lợi ích, vì thế, việc cách ly F1 tại nhà giúp giảm tải, cắt đứt đường lây. Việc giám sát các trường hợp F1 tại nhà có thể thực hiện thông qua các ứng dụng thông tin như camera, người cách ly có thể đeo vòng tay có gắn chip... Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ về trách nhiệm giám sát F1 tại nhà, người chỉ định giám sát phải xem xét đánh giá đầy đủ những đối tượng nào mới có đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Thông thường y tế địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, chính quyền địa phương tại khu vực nào chịu trách nhiệm khu vực đó. Tuy nhiên, phải phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Người giám sát phải nắm rõ tình hình, có liên lạc với người cách ly để bất cứ lúc nào cũng có thể nắm bắt. Điều quan trọng nhất để công tác này thành công đó là tạo tâm lý cho người cách ly, giúp họ hiểu rằng giám sát là hỗ trợ chứ không phải theo dõi hay kiểm soát.
Còn theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội, việc thực hiện cách ly F1 tại nhà cần phải tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu. Hiểu để nắm được kiến thức phòng chống dịch bệnh, hiểu để chia sẻ gánh nặng với nhà nước, và hiểu để chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ những trường hợp, những gia đình là F1 phải cách ly tại nhà. Thực tế, vừa qua, ngay tại Hà Nội, ở một số khu dân cư, F1 là trẻ dưới 5 tuổi vẫn bị đưa đi cách ly tập trung, trong khi Bộ Y tế hướng dẫn cho phép cách ly tại nhà.
“Tôi phải trực tiếp can thiệp thì các cháu mới được cách ly tại nhà. Nhiều nơi họ vẫn sợ trách nhiệm, còn người dân, hàng xóm thì kỳ thị, sợ lây nhiễm nên không đồng ý để F1 cách ly tại nhà” - ông Tuấn nói. Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, việc này vừa phải tuyên truyền để mọi người hiểu, vừa phải yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định và đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: "Thay vì áp dụng máy móc, chúng ta cần phân loại F1 để cách ly phù hợp. Đối với F1 nguy cơ cao phải cách ly tập trung; F1 nguy cơ thấp cách ly nghiêm ngặt tại nhà như với F2. Nhưng việc cách ly này phải được thực hiện nghiêm khắc, có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Cá nhân hoặc địa phương nơi để xảy ra vi phạm, phải xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe.
Cũng theo ông Phu, việc hai điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà sẽ là cơ sở đánh giá để nhân rộng trên cả nước nếu dịch xảy ra theo kịch bản, tình huống xấu hơn.
Cách ly tập trung - nguy cơ lây chéo "Việc cách ly tập trung tất cả F1 vào một chỗ thì nguy cơ lây nhiễm từ người đã bị nhiễm virus sang người lành rất cao. Có khi người mới vào cách ly mang virus trong người lại lây cho người đã cách ly đủ thời gian quy định và khi người này cách ly xong về nhà mới phát hiện dương tính. Việc cách ly các F1 tại nhà có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, họ có thể tránh được lây nhiễm chéo. Thứ hai, họ có thể tự phục vụ hoặc có người khác phục vụ ăn uống, mua thực phẩm online, điều kiện vệ sinh được tốt hơn. Thứ ba, về mặt tâm lý, tinh thần họ thoải mái hơn. Thứ tư, họ vẫn tiếp tục làm việc và theo dõi sức khỏe của mình. Thứ năm, nhà nước không phải tiêu tốn các chi phí phục vụ ăn uống, điện nước, theo dõi sức khỏe, bố trí địa điểm, tổ chức giám sát, canh phòng... Việc cách ly tại nhà thì Bộ Y tế cũng đã có các hướng dẫn cụ thể để các F1 và người nhà thực hiện. Chỉ cần sự tổ chức quản lý phù hợp của chính quyền địa phương nơi F1 cư trú để hướng dẫn gia đình và đối tượng F1 thực hiện đúng, giám sát và định kỳ lấy mẫu xét nghiệm. Có thể yêu cầu các F1 và gia đình ký cam kết trách nhiệm và thông báo cho cộng đồng biết để cùng tham gia giám sát." - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), PGS.TS Nguyễn Huy Nga |