Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Chính sách & Quản lý - Ngày đăng : 09:05, 22/09/2022
Dự thảo Báo cáo Quy hoạch đang được lấy ý kiến rộng rãi. Để có cơ sở hoàn thiện trước khi trình Chính phủ và Quốc hội, ngày 26 tháng 7 năm 2022, tại Hà Nội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế và trong nước về dự thảo Báo cáo Quy hoạch này.
Tham dự Diễn đàn trao đổi có đại diện của Ngân hàng Thế giới (W.B), Tổ chức Liên Hợp Quốc (UN), Phái đoàn Liên minh châu Âu (Euro Cham), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ...; Các công ty tư vấn như Boston Consulting Group (BCG), McKinsey & Company Price Waterhouse Coopers, ARUP, Haskoning DHV, Roland Berger… Tham dự diễn đàn còn có nhiều đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành ở Trung ương, nhiều vùng và các Cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp…
Cảnh quan phân khu đô thị sông Hồng
Tại Hội thảo, đồng chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ kế Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk, TS Trần Hồng Quang - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển đã trình bày tóm tắt dự thảo quy hoạch; TS. Danny Leipziger đã bình luận về bản dự thảo này. Chuyên gia của W.B, TS Shahid Yusuf và TS, Phó Đức Tùng đã trao đổi, góp ý về những định hướng và binh luận về hệ thống đô thị trong quy hoạch. Dưới đây là những vấn đề chủ yếu rút ra từ Diễn đàn này
1. Về mặt quan điểm
Trao đổi tại Diễn đàn, số đông ý kiến cho rằng:
Tổ chức không gian phát triển quốc gia là vấn đề cần thống nhất và sớm khắc phục được tình trạng chia cắt theo địa giới hành chính, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mối liên kết giữa các vùng, địa phương để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu và của quốc gia.
Công tác quy hoạch cần phát triển có trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực để hình thành cho được một số vùng thực sự là động lực, là cực tăng trưởng cho những khu vực tiềm năng để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh và hiệu quả.
Hoạt động quy hoạch phải phát triển theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; bảo tồn và phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa; bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên đồng thời với nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh với hàm lượng carbon thấp.
Tổ chức không gian phát triển phải gắn với hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo khung tổ chức phát triển các vùng và hình thành hệ thống đô thị có năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho phát triển bền vững cả nước.
Quy hoạch cần xây dựng hướng tới một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu; lấy nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản có ý nghĩa quyết định. Đồng thời chú ý thu hút nguồn lực bên ngoài, coi đây là một trong những nguồn quan trọng để tạo đột phá.
Về tổ chức không gian phát triển quốc gia, quy hoạch cần dựa trên sự gắn kết khu vực đất liền với không gian biển và tham gia có hiệu quả vào các hành lang kinh tế quan trọng gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
2. Đối với mục tiêu
Ý kiến trao đổi, thảo luận đã xoay quanh mục tiêu tổng quát và những mục tiêu cụ thể.
Về mục tiêu tổng quát
Cầu Cửa Hội nối đôi bờ sông Lam trong hành lang kinh tế biển Bắc Trung Bộ.
Mục tiêu tổng quát nhằm vào kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững để hình thành các vùng động lực, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị với nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Về các mục tiêu cụ thể
Quy hoạch xác định, đến năm 2030:
- Tạo được một số vùng động lực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào ngân sách và các hành lang kinh tế trọng điểm.
- Hình thành một số trung tâm đô thị quốc gia đạt các tiêu chí về y tế, giáo dục đào tạo và văn hóa cấp đô thị hoặc tương đương với bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; Xây dựng đô thị thông minh kết nối quốc tế với số lượng từ 3 đến 5 đô thị ở tầm khu vực. Các đô thị sẽ đóng vai trò dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển ra các vùng phụ cận.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông Bắc-Nam, Đông-Tây; các hành lang kinh tế trọng điểm; các vùng, cảng biển cửa ngõ kết hợp với trung chuyển cảng hàng không quốc tế lớn .
- Thiết lập hạ tầng số hiện đại phục vụ chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
- Bằng mọi giải pháp giữ tỷ lệ rừng che phủ ổn định, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển; bảo tồn thiên nhiên trên cạn; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học.
Về cơ bản đến năm 2030 đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về tài nguyên, môi trường và ứng phó với BĐKH.
Đến năm 2050:
- Phấn đấu để các vùng phát triển hài hoà, bền vững: phát huy được tiềm năng và thế mạnh kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, địa chính trị và nguồn nhân lực để cùng phát triển.
- Hệ thống đô thị được liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất; đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền và đủ khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực.
- Tiếp tục giữ tỷ lệ rừng che phủ ổn định; tăng diện tích các khu bảo tồn biển,ven biển; bảo tồn thiên nhiên trên cạn; nâng cao chất lượng đa dạng sinh học.
Phấn đấu đến năm 2050, môi trường đạt chất lượng tốt, trong lành và an toàn; xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn,kinh tế xanh, hướng tới đạt phát thải ròng bằng “0”.
3. Về những định hướng trọng tâm của không gian phát triển
Diễn đàn cho rằng, trong khi nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho những vùng lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển đi trước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng lãnh thổ khác cùng phát triển. Trong thực hiện quy hoạch cần tập trung để hình thành một số hành lang kinh tế, vùng động lực, đô thị lớn và các khu kinh tế gắn với kết cấu hạ tầng quốc gia.
Về các hành lang kinh tế
Trao đổi tại diễn đàn, nhiều chia sẻ đã nhấn mạnh, cần ưu tiên hình thành hành lang kinh tế có điều kiện thuận lợi như các trục giao thông là đường cao tốc gắn với đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu, sân bay quốc tế...;các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị...
Chú ý dành ưu tiên cho những hành lang có khả năng liên kết với kinh tế khu vực và quốc tế. Theo đó, cần hình thành và phát triển các hành lang kinh tế dọc theo trục Bắc- Nam và theo hướng Đông-Tây trên cơ sở đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đường sắt Bắc-Nam và đường sắt tốc độ cao; kết nối các đô thị, trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương lớn; hỗ trợ cho những hành lang kinh tế này là dải ven biển phía Đông. Hình thành hành lang kinh tế dọc theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc-Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… Đối với các hành lang kinh tế Đông-Tây, ưu tiên phát triển những hành lang kinh tế được triển khai xây dựng và có điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và hệ thống đô thị.
Đối với các vùng động lực quốc gia
Dự thảo quy hoạch đã tập trung vào các vùng động lực phía Bắc, phía Nam và ở miền Trung. Cụ thể hoá những nội dung này, diễn đàn lưu ý:
Đối với vùng động lực phía bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia nên cần tập trung để hình thành và phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo; đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là về kinh tế số và xã hội số. Vùng này cần phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế tạo tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Phát triển các trung tâm kinh tế với các ngành vận tải biển, du lịch biển đảo, kinh tế hàng hải và những ngành kinh tế mới. Mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đẩy mạnh đô thị hoá gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế kết nối đô thị.
Đối với vùng động lực phía Nam, bao gồm TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, cần tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, logistic, kinh doanh bất động sản. Theo hướng thúc đẩy phát triển TP Hồ Chí Minh để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, cần thu hút đầu tư mạnh vào sản xuất sản phẩm điện, điện tử,công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo; phát triển kinh tế biển như dịch vụ logistics, khai thác chế biến dầu khí, du lịch biển; tập trung phát triển cảng biển container để Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Với vùng động lực miền Trung là Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi, theo các nhà phân tích, cần tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế, bao gồm các trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô và phụ trợ ngành cơ khí. Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Riêng vùng động lực Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang của Đồng bằng sông Cửu Long, Diễn đàn lưu ý mở rộng trung tâm công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm quốc gia, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Phát triển kinh tế biển, tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực để xây dựng trung tâm khoa học công nghệ quốc gia và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp.
Về các đô thị động lực
Phát triển đô thị và nông thôn phù hợp với sự phân bổ và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất,hội nhập quốc tế mang ý nghĩa quan trọng để xây dựng đất nước thành nước công nghiệp hiện đại, có nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững. Từ tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy luật phát triển và thực tiễn nước ta, phát triển đô thị theo hướng xanh gắn với sử dụng hợp lý tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là đòi hỏi khách quan cần thiết.
Là vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu, đô thị động lực có vai trò quan trọng cho tương lai của nền kinh tế phát triển theo hướng sinh thái bền vững, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng số hoá, Theo đó, cần xây dựng Thủ đô Hà Nội để trở thành trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước; TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn ở phía Nam, cần xây dựng để trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm du lịch, thương mại và dịch vụ logistics của khu vực. Hướng đến các đô thị động lực là những thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, cần phát triển 2 thành phố này thành những đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn. Đó là những trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới và sáng tạo trong xây dựng đất nước.
Về không gian biển
Quy hoạch kỳ này đã nhấn mạnh đền không gian biển. Phát triển kinh tế biển được đặt ra gắn liền với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, tạo mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa khu vực đất liền với không gian biển và liên kết phát triển với các nước trong khu vực.
Biển, đảo Việt Nam không gian sinh tồn của dân tộc
Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới để hình thành các trung tâm kinh tế mạnh, hệ thống các khu kinh tế,khu công nghiệp sinh thái ven biển, gắn với hình thành phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư ven biển.
Môi trường khu vực biển và ven biển được bảo vệ; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai là những vấn đề lớn đã thu hút được sự quan tâm của phần lớn những người tham dự.
Phân tích cụ thể, các nhà quản lý đã gợi ra, do nguồn lực tài chính có hạn trong khi tham vọng thay đổi sự phát triển lại đòi hỏi những quyết sách cứng rắn khi quyết định, nhất là ưu tiên nguồn vốn và lựa chọn đầu tư nên cần đảm bảo các kế hoạch đầu tư phải có sự liên kết chặt chẽ, ưu tiên và theo đúng trình tự hướng tới cải thiện sự phát triển tổng thể và quan trọng là huy động được các nguồn đầu tư xã hội. Trong bối cảnh thách thức phát triển kinh tế đất nước đang ở năng suất thấp, Để trở thành nước phát triền có thu nhập cao vào giữa thế kỷ này,quy hoạch tổng thể phải mang lại năng suất cao hơn trong tương lai , Đây là vấn đề phải được cân nhắc để cải thiện quy trình đầu tư từ lựa chọn đến giải ngân vời hàm nghĩa cơ quan chức năng cần nắm trong tay công cụ quan trọng này để đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể./.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cao nhất trong hệ thống quy hoạch đất nước. Đây là một nhiệm vụ phức tạp. Quy hoạch này cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để bố trí không gian một cách hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Quy hoạch định hướng phân vùng và liên kết trên lãnh thổ bao gồm cả đất liền, biển đảo và vùng trời để tạo không gian phát triển đồng bộ gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch xác định việc phân bổ và tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tầm chiến lược. Quy hoạch sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn nhằm bố trí không gian phát triển một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Quy hoạch tổng thể xây dựng cần phản ánh được tầm nhìn phát triển đối với tương lai; đó là căn cứ phân tích và đặt ra mục tiêu phát triển rõ ràng. Để thành công, quy hoạch phải làm rõ cách thức để đạt mục tiêu phát triển nghĩa là cần khả thi và hiệu quả. |