Siêu dự án cao tốc Bắc - Nam: Nguy cơ chậm tiến độ
Tin tức - Ngày đăng : 09:51, 09/06/2021
Siêu dự án cao tốc Bắc - Nam đang trong giai đoạn đua tiến độ tại hầu hết các công trường với mục tiêu đưa dự án về đích đúng kế hoạch. Tuy nhiên, tại một số dự án thành phần vẫn còn những “hạt sạn” ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.
“Hạt sạn” lớn tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Được khởi công từ năm 2019 nhưng cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dự án thành phần của siêu dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông lại đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ ngày một rõ rệt. Đến thời điểm hiện tại, 11 gói thầu xây lắp mới đạt được khoảng 40% sản lượng thi công, chậm khoảng 4,8% so với kế hoạch đề ra. Nếu điều này không sớm được cải thiện, mục tiêu đưa 11 gói thầu này hoàn thành trong năm 2021 sẽ rất khó khi tổng quỹ thời gian trong năm đã trôi qua được một nửa. Việc chậm tiến độ tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung của toàn dự án cao tốc Bắc – Nam.
Trước thực trạng trên, Bộ GTVT vừa có Văn bản số 4873/BGTVT-CQLXD yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh chấn chỉnh nhà thầu vi phạm tiến độ và tăng cường kiểm soát chất lượng, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn. Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xử lý điều chuyển khối lượng của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên tại gói thầu XL03 cho nhà thầu khác triển khai thi công tuân thủ theo quy định tại Điều 7 của Hợp đồng số 03 ngày 14/4/2020. Công ty Hoàng Nguyên chính là nhà thầu vi phạm tiến độ tới 3 lần ở dự án này. Một nhà thầu khác vi phạm tiến độ lần 2 là Công ty CP Vật tư thiết bị và xây dựng công trình giao thông 624 (gói thầu XL07) cũng bị xử phạt cảnh báo lần 3 và xử lý theo quy định của hợp đồng. Với các nhà thầu vi phạm lần 1 gồm Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát và Công ty TNHH Nhạc Sơn (Gói thầu XL06); Công ty Vạn Cường (Gói thầu XL08); Công ty TNHH Đại Hiệp, Tổng Công ty XDCTGT 5 và Công ty TNHH Xây dựng Bảo Sơn (Gói thầu XL11), Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẩn trương cảnh báo lần 2.
Việc có tới 6 nhà thầu vi phạm tiến độ, trong đó có những nhà thầu vi phạm tới 2 - 3 lần cho thấy cao tốc Cam Lộ - La Sơn thực sự đang là một “hạt sạn” lớn của siêu dự án cao tốc Bắc – Nam. Động thái xử phạt hàng loạt nhà thầu vi phạm mà Bộ GTVT đưa ra được các chuyên gia đánh giá là rất cần thiết để đưa tiến độ dự án đi đúng hướng, không ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Thiếu vật liệu nền vẫn là bài toán nan giải
Một vướng mắc khác đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối tại nhiều dự án thành phần khác của cao tốc Bắc – Nam chính là thiếu vật liệu nền. Bộ GTVT cho biết, hiện nay, cả 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức đầu tư công, đang ở giai đoạn cao điểm thi công nền đường. Đơn cử, tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tổng nhu cầu sử dụng đất đắp của dự án khoảng 9 triệu mét khối nhưng các nhà thầu mới ký hợp đồng với các chủ mỏ được khoảng 1 triệu mét khối, điều phối đất dọc tuyến khoảng 1 triệu mét khối và tận dụng đá nghiền sàng gần 1 triệu mét khối. Như vậy, dự án này vẫn còn thiếu tới 6 triệu mét khối đất đắp. Ông Hoàng Tuấn Khoát - Phó Giám đốc Ban QLDA7 cho hay, dự án đã qua hơn nửa năm triển khai nhưng việc cấp phép khai thác các mỏ đất trong khu vực của địa phương vẫn giậm chân tại chỗ.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho rằng, việc thiếu nguyên liệu nền xảy ra tại nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đang trở thành vấn đề cấp bách cần được giải quyết sớm. Vấn đề này đã bộc lộ từ khá lâu nhưng vẫn chưa được khắc phục dù cả Chính phủ, Bộ GTVT không ít lần chỉ đạo các địa phương và nhà thầu phải xử lý dứt điểm nhằm đảm bảo tiến độ cho dự án. TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, việc để tình trạng khan hiếm vật liệu thi công tại nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam trong thời gian qua có phần trách nhiệm lớn của các địa phương.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhận định, tình trạng thiếu vật liệu nền tại các dự án bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, đây là giai đoạn hàng loạt dự án đồng loạt bước vào giai đoạn cao điểm thi công nền đường nên nhu cầu vật liệu đắp nền rất lớn, nguồn cung không đảm bảo. Thứ hai là sự bị động của các địa phương cũng như có tình trạng đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu để trục lợi tại một số địa phương.
Do vậy, để giải bài toán vật liệu nền, các địa phường và những đơn vị có liên quan phải có sự phối hợp rất tích cực, thường xuyên, đưa ra giải pháp gỡ khó kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, trục lợi trái phép từ vật liệu và phải đảm bảo cung ứng đủ vật liệu thi công cho cao tốc Bắc – Nam. Đây là nhiệm vụ thuộc về các địa phương. Nếu địa phương nào không hoàn thành nhiệm vụ này thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long |