Không gian sáng tạo của Hà Nội: Lao đao vì dịch
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:56, 13/06/2021
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, hoạt động của các không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô bị đình trệ, khó khăn chồng chất. Hơn lúc nào hết, các không gian sáng tạo cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn này.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chương trình văn hoá, nghệ thuật tiếp tục bị đình trệ, hoạt động của giới showbiz Việt gần như đóng băng. Các không gian sáng tạo văn hoá lao đao bội phần. Đơn cử, không gian sáng tạo "Ơ Kìa Hà Nội" mới thông báo chuyển đến địa điểm, trên tầng 5 của tập thể Bưu điện, trong một ngõ nhỏ trên phố Ngọc Khánh. Không gian mới ấn tượng, bởi chủ nhân của nó tiếp tục tái tạo một Hà Nội xưa cũ, với những trang trí rất Hà Nội. Song, sau vài năm hoạt động, đây đã là lần thứ ba, "Ơ kìa Hà Nội" phải chuyển nhà một cách bất đắc dĩ. Đến nay, "Ơ kìa Hà Nội" vẫn hoạt động hiệu quả và nhiều ý nghĩa nhưng việc phải chạy quanh TP vì mặt bằng phần nào nói lên những khó khăn của không gian sáng tạo.
Cũng tại Hà Nội, tổ hợp sáng tạo 60S Thổ Quan (nằm trong ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên, quận Ðống Ða) để lại nhiều tiếc nuối hơn khi bị xoá sổ. Tổ hợp này gồm hơn 20 cửa hàng khác nhau, với nhiều loại hình nghệ thuật, sáng tạo kết hợp với các cửa hàng ẩm thực, từ thiết kế, nhiếp ảnh, cho đến âm nhạc. Trong quá trình hoạt động, tổ hợp này đã từng phải tạm dừng. Ðến đầu năm 2021, tổ hợp 60S Thổ Quan dừng hẳn, vì đối tác đòi lại mặt bằng. 60S Thổ Quan là không gian được cải tạo từ hai căn biệt thự Pháp cổ và một dãy nhà cũ. Do đó, không gian này đậm chất Hà Nội xưa được nhiều người ví là nơi thời gian như dừng lại.
Trong hồ sơ tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, không gian sáng tạo là một trong ba trụ cột (bên cạnh khối làng nghề và di sản). Ðây là nơi nuôi dưỡng các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, góp phần vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, trụ cột này đang lung lay. Dịch Covid-19 cũng góp phần làm những không gian sáng tạo điêu đứng hơn, nhất là những không gian do tư nhân tổ chức.
Trong bối cảnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, rất cần có chính sách cứu trợ khẩn cấp các không gian văn hóa sáng tạo, bởi đây là DN vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ nhưng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, nếu để chết là sẽ chết hẳn, không thể cứu vãn. Các nhà sáng tạo cũng đánh giá, đây chính là nơi làm nên sắc màu tươi mới cho đời sống văn hóa. Khi người dân chưa có thói quen đến các bảo tàng, nhà hát, thư viện thì ở góc độ nào đó, tính cọ xát, trẻ trung của các không gian sáng tạo lại mang đến nhiều cảm xúc cũng như sự tò mò, khát khao khám phá, trong đó đa phần là người trẻ.
Hồi sức sau đại dịch
Theo Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tình trạng của các không gian sáng tạo trong bối cảnh dịch Covid-19 rất đáng báo động. Bởi nguồn thu chính của những không gian này không dựa vào các hoạt động trực tiếp như triển lãm, chiếu phim, giảng dạy, biểu diễn mà phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ hoặc vào các nguồn tài trợ, dự án ngắn hạn. Khi dịch bệnh ập đến, họ không kịp chuẩn bị về nguồn lực và năng lực để chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ của mình. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, không nên ứng xử với các không gian sáng tạo như DN bình thường, vì đặc điểm của các mô hình này là mang tính thử nghiệm và hướng tới cộng đồng. Cần có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, thuế; xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý thì các không gian sáng tạo ở Thủ đô mới có cơ hội phát triển.
Mặt khác, theo các chuyên gia, ngoài sự chờ đợi để được giúp đỡ, các không gian sáng tạo cần phải nỗ lực tự tìm đường giải cứu chính mình. Hiện nay, xã hội đang phát triển trong bối cảnh giải trí trực tuyến lên ngôi, những tràng vỗ tay được biểu thị bằng những cú nhấp “like”, cho thấy một góc độ khác của đại dịch đã làm thay đổi cách trải nghiệm, hưởng thụ văn hóa của người dân. Đây cũng là bài toán đòi hỏi các không gian văn hóa phải sáng tạo nhiều hơn, nếu không muốn bị đào thải.