Tiếc cho hai nghệ sĩ, tự họ đã xóa sạch những gì họ gây dựng
Tin tức - Ngày đăng : 12:08, 14/07/2022
Điều đầu tiên, tôi rất tiếc cho hai nghệ sĩ, xem như là tự họ đã xóa sạch những gì họ gây dựng bằng tài năng, sự tận tụy, tìm tòi, sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn. Nhưng ở góc độ nào đó, những sự vụ như thế này ở làng giải trí Việt không còn khiến công chúng quá bất ngờ. Đã có những vụ việc ví dụ như việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của diễn viên Minh Béo… Ở đây chúng ta hãy trả lời câu hỏi vì sao họ làm thế? Một khi cá nhân ở trong môi trường họ cảm thấy không có sự kiểm soát, cảm thấy có thể khỏa lấp được sự xấu xí, cộng với phần “con” bản năng trỗi dậy, họ sẽ kiếm tìm thứ cảm giác mạnh mẽ, lạ lẫm giống như một trải nghiệm.
Theo báo chí đưa tin thì sau khi hai người chung nhau chia sẻ hành vi tình dục đối với một cô gái 17 tuổi người Anh, họ còn lôi cô gái vào tắm để tẩy rửa mọi dấu vết. Với tội phạm đó ở châu Âu, khung hình phạt thường dao động trong khoảng 6-12 năm tù.
Công chúng vẫn nói rằng, những người hoạt động trong showbiz là những người có vị trí xã hội, hành xử thế nào phải để những người ái mộ noi theo. Vậy thì những sai phạm như thế chắc chắn không thể nào là kiểu mẫu rồi.
Hiện nay, dư luận vẫn chia làm hai luồng quan điểm. Một bên không thể chấp nhận, tha thứ được cho hành vi của hai nghệ sĩ, một bên lại cho rằng họ xui xẻo và đưa ra nhiều câu chuyện về những đường dây lừa đảo tình dục ở nước ngoài. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Nhiều người nói rằng một nhạc sĩ có uy tín thì không thể nào làm việc đó, tức là về mặt logic, một người đã đứng ở vị trí như thế, họ không miễn nhiễm thì ít nhất cũng lựa chọn xa lánh những sai phạm tương tự. Ở đây, chúng ta chỉ ra lỗi đầu tiên của hai nghệ sĩ là đi nước ngoài không xin phép, đó là hành động của một công chức thiếu tính kỷ luật. Như vậy, phải chăng họ vẫn thiếu rèn luyện hay có định hướng đúng, giá trị họ theo đuổi đã méo mó ngay từ đầu và chỉ chờ cơ hội để thể hiện? Thế nên, ở một chừng mực nào đó, điều này gắn liền với sự rèn luyện thường xuyên chứ không phải xuất kỳ bất ý, thoáng chốc.
Vụ việc khá nghiêm trọng trong khi phía Tây Ban Nha chưa công bố đích danh những người có liên quan cũng như chưa có kết luận cuối cùng, nhưng báo chí và dư luận Việt đã chỉ đích danh nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng là người gây ra vụ việc, theo ông, điều này có sai hay không?
Văn hóa nước ngoài rất coi trọng cá nhân. Tinh thần luật pháp của họ dựa trên việc một người chỉ được xem là có tội khi đã được kết án bởi tòa án và tội trạng phải dựa trên bằng chứng chứ không phải khẩu cung. Song thực tế ở Việt Nam lại khác hoặc dù có đề cập bóng gió thì với những thông tin rành rọt như thế công chúng cũng có thể đoán ra ai là ai. Ranh giới ở đây cũng khá mù mờ, họ nói rằng với những đặc điểm như thế thì rành rành rồi cần gì phải che giấu. Ở nước ta, khi một ai đó xảy ra chuyện thường bị đánh “hội đồng”, mà việc này đôi khi là vô nhân đạo.
Vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, cho đến giờ có thể thấy Bộ quy tắc này vẫn chưa thực sự hiện hữu trong đời sống. Theo ông làm sao để bộ quy tắc này có thể đi vào đời sống, là “kim chỉ nam” cho văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của người nghệ sĩ?
Bộ Quy tắc ứng xử không phải là các bài thuyết giảng hay là sự huấn luyện mà thành, và dường như nó hướng đến góc độ quản lý nhiều hơn là những người hoạt động nghệ thuật. Trong khi đó, đạo đức của nghệ sĩ quan trọng ở sự tự thân vận động. Là nghệ sĩ, họ nghiễm nhiên trở thành hình mẫu để nhiều người soi vào nên bản thân phải ý thức được rằng: Họ không chỉ là ngôi sao ở một show diễn hay một chương trình nào đó, mà còn là tấm gương toàn bích từ thái độ, cách ứng xử đến các sản phẩm cống hiến cho đời. Chỉ có con đường đó thôi chứ không có lớp huấn luyện nào làm thay được. Tất nhiên, nghệ sĩ cũng là con người, họ cũng có thể phạm sai lầm và có cơ hội để sửa chữa nhưng với những sai lầm chết người thì không được phạm.
Ngay sau khi có thông tin về sự việc, các Đài truyền hình lập tức có động thái cắt sóng toàn bộ các chương trình, quảng cáo có mặt hai nam nghệ sĩ gây ra vụ việc trên. Dư luận cho rằng đây là một dạng “phong sát” nghệ sĩ, theo ông, việc “phong sát” này có cần thiết?
Tôi cho rằng việc “phong sát” này là cần thiết, đặc biệt là từ bình diện của những người quản lý. Dù hành động cắt sóng chỉ là bề nổi, phần ngọn chứ không phải phần gốc nhưng đó là việc phải làm vì không có sự lựa chọn nào khác. Thật đáng tiếc khi nam diễn viên trong vụ việc là một diễn viên diễn có chiều sâu và rất đời. Tôi thấy gần đây Trung Quốc có tổ chức một chiến dịch rất lớn để xử lý các nghệ sĩ có vi phạm thời gian vừa qua dẫn đến nhiều người phải từ giã sự nghiệp. Một số người nói rằng Việt Nam cũng đang làm điều đó. Ở đây, chúng ta nhìn thấy có một mẫu số chung là nếu các nghệ sĩ hành xử tha hóa biến chất thì đương nhiên phải xử lý.
Đó là về phía cơ quan chức năng, còn về phần nghệ sĩ. Theo ông, khi một nghệ sĩ để xảy ra những hành động vi phạm đạo đức, ứng xử thì bản thân họ phải có trách nhiệm như thế nào đối với xã hội?
Là nghệ sĩ, khi chọn con đường này họ bắt buộc phải cống hiến, phải đưa lại những sản phẩm có giá trị tốt nhất đến với công chúng. Thế nên, khi sai phạm, ngoài việc chịu sự xử lý của pháp luật, họ còn phải xin lỗi công chúng.
Xin cảm ơn ông!