Báo điện tử VOV bị tấn công: Cần khởi tố vụ án để điều tra
Tin tức - Ngày đăng : 14:32, 15/06/2021
Mấy ngày qua, dư luận không khỏi lo lắng khi báo điện tử VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam bị tấn công trong ngày 12 và 13/6. Vậy những đối tượng tấn công sẽ bị xử lý thế nào khi bị phát hiện, bắt giữ?
Vi phạm Luật An ninh mạng
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa – Hãng luật Châu Đại Dương (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), khẳng định: “Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là Đài Phát thanh Quốc gia trực thuộc Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đài có nhiệm vụ “Tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và Quốc hội, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân”.. Đài được sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động báo chí, tần số, truyền dẫn và phát sóng. Cho nên VOV là một trong các mục tiêu, công trình hạ tầng, kỹ thuật quan trọng đặc biệt về an ninh quốc gia. Vì vậy mọi hành vi xâm phạm hoạt động VOV, kể cả trên không gian mạng đã vi phạm Luật An ninh mạng 2018, phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.
Thông tin từ VOV cho biết, việc báo điện tử VOV bị tấn công là kết quả của cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) làm tràn băng thông, khiến việc truy cập vào báo bị tê liệt. Đồng thời, fanpage của tờ báo này cũng nhận hàng chục ngàn bình luận mang tính tiêu cực, công kích.
Theo luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa, đối với các hành vi này, pháp luật đã có các quy định và chế tài cả về hành chính, hình sự cũng như giải quyết về bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự. Về xử phạt hành chính đã có quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó tại điều 80, quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng. Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép; Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng. Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm như trên, bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Còn về chế tài theo quy định pháp luật hình sự, luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa, cho biết thêm: Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 288 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, với hình phạt cao nhất 7 năm tù. Hoặc bị truy cứu theo điều 289 tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” có mức phạt cao nhất 12 năm tù.
Ngoài ra, nếu sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản, có thể bị xử lý theo điều 290 tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến cao nhất 20 năm tù.
Mặt khác hành vi hacker sau khi xâm nhập, lấy được thông tin cá nhân của người khác mà đăng những thông tin này lên mạng xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị xử lý hình sự tội “Làm nhục người khác” quy định tại điều 155 BLHS 2015, với mức phạt cao nhất 5 năm tù.
Cần khởi tố vụ án để điều tra
Do đó, nếu qua quá trình điều tra xác định hành vi vi phạm nhằm mục đích “Chống chính quyền Nhân dân”, thì những người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 114 BLHS 2015. Vì người vi phạm đã cố ý làm hư hỏng hệ thống thông tin liên lạc, truyền thông là mục tiêu, công trình hạ tầng quan trọng, đặc biêt về an ninh quốc gia. Người vi phạm vào tội này tùy theo tính chất, mức độ vai trò của từng người, có thể chịu mức phạt tù tương ứng từ 12 - 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt từ 5 - 15 năm; Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt từ 1 - 5 năm tù.
“Xét góc độ pháp luật thì quyền tự do ngôn luận, bày bỏ ý kiến trên mạng được pháp luật cho phép, bảo hộ. Nhưng phải trên khuôn khổ pháp luật, tránh việc lợi dụng để thực hiện hành vi sai trái, xâm phạm quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức cá nhân khác, xâm phạm bí mật đời tư, hoặc quyền về hình ảnh, nhân phẩm, uy tín của bất kỳ cá nhân nào. Qua việc VOV bị tấn công, thấy rằng với hàng loạt các dấu hiệu vi phạm mang tính leo thang, gây mất trật tự, an toàn không gian mạng và đời sống xã hội, sự việc gây ảnh hưởng đến toàn xã hội, thách thức dư luận và xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của cơ quan tổ chức, gây ảnh hưởng xấu, có sự cổ súy cho hành vi xâm nhập mạng trái phép, thậm chí trả thưởng, hứa thưởng... để kêu gọi người khác thực hiện hành vi này, theo tôi là trái pháp luật. Do vậy, cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ các dấu hiệu của hành vi vi phạm, và kịp thời xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, với việc điều tra và có kết luận cụ thể sẽ tránh được tâm lý quy kết chủ quan, lấy sự việc hiện tượng này gắn vô hành vi cho rằng của chủ thể khác, gây hiểu nhầm, thậm chí bức xúc, bị nghi oan của những người không liên quan, bởi cả pháp luật hành chính và hình sự đều xác định một chủ thể, một hành vi được xem là vi phạm khi có đủ căn cứ chứng minh theo trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định, phải thông qua bản án hoặc quyết định có hiệu lực thi hành của người có thẩm quyền. Không một cá nhân, đơn vị nào có thể tự “kết tội” quy kết theo cách “thế thiên hành đạo”, lấy quyền lực không gian mạng làm bản án”, luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa, nhận định.