Vụn Art Nơi khởi nguồn từ sáng tạo
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:37, 17/06/2021
Trong làng lụa Vạn Phúc- Hà Đông, giữa bao di tích, thắng cảnh đã có từ lâu, giữa bạt ngàn lụa đủ màu sắc có một hợp tác xã nhỏ gồm những người khuyết tật vẫn hàng ngày âm thầm lao động, thổi hồn vào lụa để bảo tồn nó và mang nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Đó là Hợp tác xã Vụn Art.
Anh Lê Việt Cường (đứng giữa) - Giám đốc HTX Vụn Art cùng các bạn trẻ khuyết tật đang thực hành làm tranh ghép vải.
Nơi sinh hoạt và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật
Người khuyết tật vốn hay tự ti về khiếm khuyết của mình, trình độ học vấn không cao, gia đình lại hay bao bọc, lo sợ con, em mình không hòa nhập được, thậm chí không làm được việc. Hiểu tâm tư những người khuyết tật, năm 2014 anh Lê Việt Cường đã nhen nhóm thành lập hội người khuyết tật (NKT). Năm 2015, Hội Người khuyết tật Hà Đông chính thức được thành lập với tổng số hơn 400 người. Trong số đó hầu hết họ chỉ ở nhà, không công việc ổn định, không thu nhập, ngại giao tiếp bởi tự ti.
Là một người khuyết tật từ nhỏ bởi di chứng bại liệt, anh Lê Việt Cường đã trải qua nhiều sự khó khăn, vất vả trong cuộc sống và anh thấu hiểu những khó khăn ấy của NKT. Không chỉ mặc cảm về thân hình khác biệt, NKT thường suy nghĩ mình là “gánh nặng” của gia đình và xã hội. Làm gì để họ tự tin, tự chủ trong cuộc sống? Chỉ có việc làm mới giúp họ giải quyết vấn đề này. Dù biết dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là cực kì khó khăn nhưng anh Lê Việt Cường vẫn dấn thân và Vụn Art đã ra đời từ đó.
Cái tên Vụn Art có nhiều ý nghĩa, ở đó sản phẩm của Vụn được làm từ những mảnh lụa vụn, vừa tận dụng được những mảnh vải vụn bỏ đi lại vừa giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường. Những mảnh vụn ấy ghép lại thành sản phẩm hoàn hảo giống như những người khuyết tật tại Vụn Art. Họ là những mảnh ghép tạo nên bức tranh cuộc sống sinh động và ý nghĩa.
Anh Cường luôn tâm niệm: “Thế giới là một bức tranh được tạo nên từ nhiều mảnh ghép của mỗi cá nhân, mỗi mảnh ghép mà chúng ta mang là độc nhất, không thể lặp lại, không có ai, không có mảnh ghép nào là vô giá trị”. Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một sản phẩm nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể đóng góp những phẩm chất tuyệt vời độc nhất của mình để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình. Đó là thông điệp và cũng là sứ mệnh của Vụn Art mà Lê Việt Cường tâm huyết. Ở Vụn Art, người khuyết tật được học tập, làm việc, được hòa đồng, được thỏa sức phát huy những sáng tạo và đặc biệt họ thấy mình có ích, tự tin và tự chủ cuộc sống của chính mình.
Nơi khởi nguồn của những sáng tạo
Vụn Art - bản thân cái tên của nó đã là sự sáng tạo, nơi những mảnh vụn trở mình thành nghệ thuật và những người thợ khuyết tật cũng giống như những nghệ nhân. Họ là những nghệ nhân đặc biệt khi mang trên mình khiếm khuyết về cơ thể nhưng sản phẩm lại hoàn hảo tới từng chi tiết. Sáng tạo bởi Vụn Art là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam sử dụng những mảnh lụa vụn từ làng lụa truyền thống Vạn Phúc để làm chi tiết trang trí lên áo, túi, tranh... Cách họ trang trí lên sản phẩm cũng là một sự sáng tạo, không phải in hay thêu mà là dán, ép nhiệt, vẫn đảm bảo độ bền của sản phẩm, độ thẩm mĩ cao, tiện dụng, thân thiện môi trường lại “không đụng hàng”.
Một số sản phẩm được làm bởi những người khuyết tật của Vụn Art.
Với mong muốn sản phẩm của những người khuyết tật làm ra tới tay khách hàng, chinh phục khách hàng bằng chính chất lượng của nó chứ không phải bằng sự thương hại hay trách nhiệm với NKT, những người thợ tại Vụn Art hàng ngày phải tìm tòi, sáng tạo. Ở Vụn Art, NKT được tạo điều kiện học tập nâng cao tay nghề, tiếp xúc với máy móc và phương tiện hiện đại, được đào tạo chi tiết từng công đoạn, hiểu sản phẩm, trân trọng sản phẩm mình làm ra nên sản phẩm của họ ngày càng được lan tỏa, nhiều người biết tới, thậm chí cả những người nổi tiếng cũng tin dùng.
Trải nghiệm làm tranh ghép vải tại Vụn Art.
Sản phẩm Vụn Art làm ra tinh xảo tới từng chi tiết, những miếng lụa vụn tưởng chừng bỏ đi nhưng trên sản phẩm của Vụn Art nó lại sinh động và đẹp mắt. Nhiều bức tranh dân gian như: Đám cưới chuột, Trê cóc, Chú bé chăn trâu thổi sáo… rồi những bức tranh cổ của Nhật, bức tranh dân gian Hàn Quốc hay những bức tranh hiện đại như Phố cổ, Hồ Gươm… đều tạo được điểm nhấn thu hút khách hàng, chinh phục họ bởi độ thẩm mĩ cao, tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay NKT nơi đây. Hình ảnh trên áo, túi, tranh luôn được thiết kế mới mẻ và đẹp mắt, có lúc là bức tranh miền quê thanh bình, yên ả, có lúc vui nhộn bởi vườn xuân với chim ca, én liệng có lúc lại trầm tư với phố cổ mái ngói thâm nâu hay Hồ Gươm soi bóng, có lúc lại hiện đại, cá tính với hình ảnh các thiếu nữ hay những cặp tình nhân. Tất cả như một bức tranh cuộc sống nhiều màu sắc.
Vụn Art sáng tạo từ mẫu mã sản phẩm đến cách tiếp cận khách hàng. Sản phẩm của Vụn có thể phù hợp với mọi đối tượng. Với các bà nội trợ Vụn Art có những mẫu túi, ví phù hợp; với các hội, nhóm, công ty, trường học Vụn Art có những đồng phục đẹp mắt; với những chàng trai, cô gái cá tính Vụn Art có những mẫu áo, túi hiện đại; còn với những doanh nhân, nhà giáo Vụn Art lại có bức tranh trang trọng; hay như với trẻ em, Vụn Art lại có những bộ kít ghép tranh khơi gợi óc sáng tạo và tạo tính kiên trì cho trẻ. Không khó để bắt gặp sản phẩm của Vụn Art tại những quán café nổi tiếng tại Hà Nội với những bức tranh treo tường cá tính. Ngay cả với các công ty thời trang Vụn Art cũng góp mặt bởi những họa tiết lụa trên áo dài. Và dịch vụ Vụn ID là sáng tạo tuyệt vời khi cá nhân hóa trên sản phẩm, ngoài những mẫu có sẵn, Vụn nhận đặt làm theo thiết kế riêng của khách hàng. Ngoài Bảo Việt, Viettel, Kafela, Hồng Lam, Đất xanh miền trung, Café Trung Nguyên, Đại sứ quán Mỹ… là những khách hàng lớn Vụn Art còn nhận được rất nhiều yêu cầu đặt hàng của các khách hàng lẻ. Những sản phẩm của Vụn Art lấy lụa Vạn Phúc làm tâm điểm thu hút khách hàng, nó vừa bảo tồn được giá trị truyền thống vừa giới thiệu được những giá trị đó tới khách hàng trong và ngoài nước.
Một sáng tạo nữa trong dịch vụ của Vụn Art đó là tổ chức các tour trải nghiệm. Lựa chọn tour trải nghiệm cùng Vụn Art, khách hàng được kết hợp đi thăm làng nghề Vạn Phúc, tìm hiểu về di tích, lịch sử của làng, tìm hiểu về nghề dệt lụa truyền thống và đặc biệt là được tận tay làm sản phẩm dưới sự hướng dẫn của NKT nơi đây. Điều đó vừa giúp quảng bá sản phẩm làng nghề, vừa giúp khách hàng “hiểu” sản phẩm của Vụn Art để biết được giá trị của nó và giúp NKT tại Vụn Art tự tin, thấy mình có ích. Hoạt động đó được tổ chức thường xuyên cùng với sản xuất đã làm tăng ý nghĩa xã hội của Vụn Art và là một cách để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, tự chủ trong cuộc sống và tự tin cống hiến sức lực nhỏ bé của mình cho xã hội.