Hà Nội: Chuyên gia quốc tế và trong nước hiến kế để phát triển công nghiệp văn hóa

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:44, 19/06/2021

Sáng 18/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”.

Chủ trì tọa đàm có Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng; cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành và đại diện các tổ chức quốc tế như: Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Đại sứ Italia tại Việt Nam và  nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện tọa đàm do Thành ủy Hà Nội tổ chức nhằm huy động những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững. Tọa đàm đầu tiên diễn ra vào ngày 10/6. Cuộc tọa đàm sáng 18/6 đã nhận được 16 bài tham luận của các đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có rất nhiều ý kiến hiến kế cho Hà Nội nhằm xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho ngành công nghiệp văn hóa được phát triển.

Đưa tiềm năng thành thế mạnh

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai nhấn mạnh Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa dân tộc, “Thủ đô nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”; “Thành phố Sáng tạo”, Hà Nội đã và đang hội tụ đầy đủ nhất tiềm năng, lợi thế từ kho tàng di sản văn hóa to lớn và phong phú; nguồn lực “dân số vàng” (trên 51,7% dân số trẻ) cùng tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển. Điều này, đặt ra trọng trách lớn đối với TP, làm sao thực sự xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu của đất nước; hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm lớn về kinh tế, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.

“Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để vừa cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, vừa là quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện cam kết của thành phố với UNESCO xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực thiết kế của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo”.

Trong quá trình thực thi chính sách phát triển, Hà Nội luôn quan tâm, lắng nghe những ý tưởng, sáng kiến đóng góp để xây dựng, phát triển Thủ đô từ các chuyên gia trong nước và quốc tế thông qua việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tham vấn như: “Lý luận, kinh nghiệm quốc tế về công nghiệp văn hóa và định hướng gợi mở cho Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay”, “Kết nối doanh nghiệp với làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn Hà Nội”; “Phát huy các tiềm năng của các không gian sáng tạo trong thời kỳ hội nhập và phát triển”; “Hà Nội hướng tới Thành phố sáng tạo”; “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo”…

Đây là buổi tọa đàm thứ 2, lãnh đạo TP Hà Nội mong muốn nhận được sự đóng góp, tham vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các DN, cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên 12 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ.

Cần đổi mới cơ chế tài chính cho lĩnh vực này

Tại buổi tọa đàm, ý kiến phát biểu tham luận của các đại sứ, chuyên gia trong và ngoài nước đã nêu ra các tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, hạn chế, đồng thời đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực cho việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trong giai đoạn tới. Ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Thành phố Sáng tạo là một câu chuyện mới, một đại diện cho hương hiệu và hình ảnh của Hà Nội, hướng tới hòa nhập và phát triển bền vững. Sau khi Hà Nội thành công gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo, UNESCO đã làm việc với lãnh đạo TP và chính quyền T.Ư để hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo. Trong đó, UNESCO, phối hợp với các đối tác là UN Habitat, UNIDO và với sự hỗ trợ của Tập đoàn SOVICO đã phát triển dự án 3 năm “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho Thủ đô sáng tạo Hà Nội” với khẩu hiệu “Rethink (Nghĩ khác) Hà Nội”. 

Theo ông Michael Croft, sáng kiến này sẽ giúp thúc đẩy tầm nhìn chiến lược mới cho Thủ đô Sáng tạo - một thành phố trao quyền cho công dân của mình, xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới, và hướng tới một cách tiếp cận bền vững hơn, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển.

Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý chỉ ra: Hà Nội sở hữu nhiều điểm mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững nhưng cũng có những hạn chế, như: Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa; thiếu liên kết chuyên ngành hiệu quả cao; thiếu kĩ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý…

 “Di sản văn hóa của TP vừa giàu có, vừa đa dạng song những giá trị văn hóa từ di sản chưa được nhận diện một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa; các sản phẩm văn hóa chưa độc đáo, chưa bản sắc, xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế”, TS Lê Thị Minh Lý nêu.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Là một địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa lại tương đối eo hẹp, vì vậy, Hà Nội cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực này. Đây là giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội, song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực mang tính đột phá... Và vì vậy, vấn đề tạo ra "không gian sáng tạo" hay môi trường sáng tạo, hệ sinh thái sáng tạo cũng là một giải pháp quan trọng. Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa cũng là giải pháp căn bản phát triển ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh giải pháp khác.

Tại sự kiện, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tham góp cho Hà Nội những sáng kiến, kinh nghiệm tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó tập trung vào nội dung tạo cơ chế đầu tư tài chính, thu hút vốn và hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp văn hóa; chú trọng giáo dục sáng tạo văn hóa; tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa…

Đổi mới, sáng tạo để công nghiệp văn hóa phát triển

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là động lực mà còn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô góp phần thúc đẩy kinh tế  xã hội phát triển; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; duy trì, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới, tiêu biểu của nhân loại… Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Thành ủy Hà Nội tổ chức các buổi tọa đàm trên các lĩnh vực, cấp độ phù hợp, với mong muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ, sáng kiến tham vấn tâm huyết để xây dựng, phát triển Thủ đô của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, trí thức và cộng đồng sáng tạo

 “Những đóng góp tích cực của các đại biểu tại tọa đàm với mục tiêu phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người trong phát triển công nghiệp văn hóa sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến trong hiện thực hóa mục tiêu đưa các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, từng bước đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước” - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, đối với lĩnh vực sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội luôn coi chủ thể của quá trình này là DN, nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng Nhân dân. Nhà nước giữ vai trò tạo ra hành lang pháp lý, điều kiện hỗ trợ để các chủ thể sáng tạo được cống hiến và hưởng thụ quá trình sáng tạo. Trong khuôn khổ pháp lý của mình, Hà Nội sẽ cố gắng ở mức độ cao nhất để tạo ra môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Hà Nội cũng cam kết sẽ chủ động tìm đến với các đơn vị, tổ chức, các mô hình sáng tạo có giá trị để mời gọi hợp tác cùng phát triển.

KTĐT