Đình Nghiêm Xá - biểu tượng của truyền thống hiếu học
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 06:59, 21/06/2021
Làng Nghiêm Xá, tên nôm là Kẻ Ngườm, là một làng cổ gần sông Nhuệ, từ xưa đã nổi tiếng hiếu học. Theo các cụ cao niên trong làng, đình Nghiêm Xá được xây dựng năm Đinh Tỵ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2, tức năm 1677, đời vua Lê Hy Tông.
Đình là nơi thờ 13 vị tiên hiền, gồm Khổng Tử và 12 vị từng đỗ đại khoa trong các kỳ thi khoa bảng. Đó là Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Hàn lâm viện tham chính Nguyễn Lộc, Đệ nhị Hoàng giáp Ngô Ước, Nhập nội hành khiển Nguyễn tướng công, Hiến sát sứ Ngô Thống, Nhập nội hành khiển Dương tướng công, Đô ngự sử Ngô Hoán, Hàn lâm viện tham chính Nguyễn Hạp, Hiến sát sứ Nguyễn Hữu Tác, Công bộ tả thị lang Bùi Văn Khụy (Huy), Hàn lâm tham chính Ngô Thầm, Hoàng giáp Nguyễn Trạng.
Trong số các vị trên, nhiều người không xuất thân từ làng Nghiêm Xá nhưng vẫn được dân làng thờ phụng. Điều này chứng tỏ sự coi trọng việc học, tôn trọng nhân tài của người dân Nghiêm Xá.
Đình Nghiêm Xá được xây dựng bề thế gồm 5 gian 2 dĩ, quay về hướng tây, bên phải là chùa làng, phía trước là ao sen. Khởi thủy, kiến trúc đình Nghiêm Xá được xây dựng theo kiểu chữ Nhất, vào thời nhà Nguyễn được xây thêm hậu cung. Tòa đại bái có 4 hàng chân gỗ, hai loại vì kèo giá chiêng và kẻ suốt. Các vì kèo kẻ suốt ở hai đầu hồi có câu đầu nối 2 cột cái. Chính giữa bờ nóc đắp nổi viên minh châu, bờ dải hình lưỡi liềm, bốn góc đầu đao cong vút, mái lợp ngói vảy cá. Đình có 3 lối vào cùng hệ thống cửa bức bàn gỗ lim chắc chắn.
Đình được xây dựng khi chế độ phong kiến bắt đầu sa sút, nghệ thuật điêu khắc chính thống dần bị nghệ thuật dân gian thay thế. Hình tượng rồng không còn là biểu tượng riêng của vương quyền mà xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống dân gian. Tiêu biểu là các bức cốn điêu khắc với tích “Độc long”, “Cá hóa rồng”, “Lưỡng long tranh châu”... phản ánh trung thực đời sống tư tưởng và tình cảm của người lao động thế kỷ XVII.
Với những giá trị di sản độc đáo, đình Nghiêm Xá đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.