Vì sao tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy trong trường học ngày càng gia tăng?
Tin tức - Ngày đăng : 09:45, 21/06/2021
Nguyên nhân khách quan từ gia đình, nhà trường, xã hội
Gia đình là nơi trẻ sinh ra và lớn lên, do đó môi trường cuộc sống gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm lý cũng như nhân cách của trẻ. Không khí gia đình rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp cận và trở thành đối tượng nghiện của thanh thiếu niên.
Những đứa trẻ mà cha mẹ có mối qua hệ phúc tạp như: ly thân, ly hôn... có xu hướng nghiện cao hơn. Những gia đình điều kiện kinh tế khá giả mà nuông chiều thái quá để cho con em mình có điều kiện giao du, chơi bời quá trớn cũng rất dễ bị mắc nghiện. Sự buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái hay nuông chiều thái quá và không khí gia đình thường xuyên cãi vã….là một trong những nguyên nhân chính khiến con cái tiếp cận với ma tuý.
Trong gia đình bố mẹ không quan tâm đến con cái hoặc nuông chiều thái quá dẫn đến sự quản lý con cái bị buông lỏng, điều đó khiến những tật xấu rất dễ xâm nhập vào tâm hồn nhạy cảm của thanh thiếu niên tuổi mới lớn. Đầu tiên là mải chơi, đua đòi, lười học, học kém, bỏ học dẫn đến bị lôi kéo nghiện ma tuý. Đa số đối tượng thanh thiếu niên nghiện đều thất học, hoặc có trình độ học vấn thấp, phần lớn trong số họ mới có trình độ tiểu học, số ít đang học dở trung học cơ sở, hoặc đang học đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
Tuyên truyền kĩ năng phòng, chống ma túy cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ
Nhiều người trong số đó không được đào tạo về nghề nghiệp, bởi vậy cơ hội để tham gia vào quá trình phát triển xã hội là rất nhỏ. Không nghề nghiệp, hoặc nghề nghiệp không ổn định, có địa vị thấp trong xã hội, thu nhập thấp và không ổn định, không kiếm đủ tiền cho cuộc sống độc lập của mình, vì thế họ có cảm giác thua thiệt về tâm lý, dễ sinh chán chường, bất mãn và sinh ra nghiện ngập.
Bên cạnh đó, những trẻ trong độ tuổi học sinh Trung học phổ thông rất dễ bị lôi kéo vào con đường nghiện ma tuý. Nguyên nhân là vì các em không có ''sân chơi'' lành mạnh, nếu muốn giải trí các em phải tìm đến các địa điểm tự do mà ở đó là cơ hội tốt để những kẻ xấu không từ một thủ đoạn nào để lôi kéo các em sa ngã đi vào con đường nghiện ma tuý.
Ngoài gia đình và nhà trường, thanh thiếu niên còn chịu ảnh hưởng lớn của môi trường bạn bè. Bản chất của mối quan hệ này là dựa trên sự tương hợp về sở thích và hứng thú. Điều này luôn có tác động hai mặt, nếu các em tiếp xúc với nhóm bạn tốt sẽ có thể học theo bạn
những cử chỉ hành vi đẹp, biết giúp đỡ quan tâm đến mọi người.
Ngược lại, trong trường hợp các em tiếp xúc với nhóm bạn xấu, sẽ học từ bạn bè những hành vi không tốt, như thói vô trách nhiệm, đòi hỏi quá đáng và không chịu nghe lời…. Kết quả điều tra cho thấy 100% số người nghiện có nhóm bạn cũng là người nghiện, hoặc có tiền án, tiền sự khác.
Nguyên nhân chủ quan từ bản thân những người nghiện
Không ít các bậc phụ huynh có con cái nghiện ma tuý cho rằng, con cái của họ có thể đã bị bạn bè hay kẻ buôn bán ma tuý ép dùng ma tuý. Tuy nhiên, các bạn trẻ đó lại nói rằng chúng sử dụng ma tuý vì chúng muốn giải sầu, muốn có cảm giác dễ chịu, muốn quên đi những rắc rối của mình và thư giãn.
Chúng muốn vui vẻ, thoả mãn trí tò mò, thích mạo hiểm, làm dịu bớt nỗi đau, cảm thấy mình là người lớn, tỏ ra độc lập, muốn thuộc về một nhóm nào đó, hay trông ''hay hay'' thì tham gia thử... Khi đã thử một vài lần sẽ mắc nghiện. Từ những suy nghĩ ở bên trong cùng những tác động bên ngoài sẽ là nguyên nhân dẫn đến thanh thiếu niên nghiện ma tuý.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa hiệu quả
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy trong nhà trường ngày càng gia tăng. Trên thực tế, công tác này chưa thường xuyên và đủ mạnh, chưa sâu, chưa đến được nhiều với từng gia đình, từng cộng đồng thôn xóm, làng, xã khu phố và đến tới từng công dân. Tuyên truyền nặng về hình thức mà chưa gắn với hoạt động thực tế. Do vậy, vẫn còn không ít người chưa nhận thức và hiểu biết được tác hại của ma túy.
Tuyên truyền kĩ năng phòng, chống ma túy cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ
Công tác cai nghiện cũng đã được đẩy mạnh trong thời gian qua (cả nước có hơn 30 trung tâm cai nghiện) nhưng tỷ lệ tái nghiện vẫn cao (80%) chứng tỏ các trung tâm chưa thực sự có hiệu quả trong công tác cai nghiện. Thực tế này xuất phát từ nhiều vấn đề về kỹ thuật, phương tiện, cách chữa trị cũng như kinh phí... nhưng không thể không kể đến những tiêu cực ở các trung tâm.
Công tác cai nghiện chưa có hình thức và phương pháp phù hợp với nhận thức, tâm lý cũng như mục đích cai nghiện. Nhận thức của các ngành, các địa phương về công tác cai nghiện và tái hòa nhập xã hội cho người nghiện còn chưa thống nhất. Vì vậy chưa có sự phối hợp đồng bộ, chưa có các biện pháp giải quyết thích hợp ngay trên từng địa bàn. Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu đối tượng nghiện ma tuý của lực lượng Công an nhiều lúc, nhiều nơi còn lỏng lẻo, chưa phát hiện kịp thời những đối tượng tội phạm có liên quan đến ma tuý để ngăn chặn.
Có thể nói, giáo dục phòng chống ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.
Vai trò của trường học trong việc giáo dục phòng chống ma túy học đường cho học sinh - sinh viên là vô cùng quan trọng. Trong đó, yêu cầu phải có một bộ sách phòng chống ma túy chính thống, phù hợp với từng độ tuổi dành riêng cho đối tượng này đang ngày càng trở nên cấp bách.
Để ngăn chặn việc thanh thiếu niên sử dụng ma túy ngày càng tăng, với mong muốn bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các em học sinh, sinh viên, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phòng chống ma túy (PSD) đã hoàn thành bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ, học sinh cấp THCS, THPT và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.
Bộ tài liệu là kết quả sau nhiều năm tích cực tiến hành khảo sát, nghiên cứu cùng với sự tâm huyết của tập thể gồm 27 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực: tâm lý, y học, sinh học thần kinh, xã hội học… Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Sách do Viện PSD biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, NXB Y học phát hành. Sách được giới thiệu trên trang chủ của NXB Y học. Các bậc phụ huynh, học sinh và giáo viên quan tâm đều có thể tìm mua để đọc.