Nhớ chuyện chăn nuôi chốn thị thành
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 17:54, 22/06/2021
Khu công trình phụ và nơi chăn nuôi gia súc của một gia đình Hà Nội (Mô hình được phục dựng trong một triển lãm về thời bao cấp do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức năm 2007.
Ngày ấy, Hà Nội đang trong những ngày tháng bao cấp khó khăn. Hầu như gia đình nào ở nội thành, dù ở nhà mặt phố đàng hoàng hay trên các căn gác khu tập thể chật chội cũng đều gắng sức tăng gia dăm ba con gà hay một hai con lợn. Gà thì chính quyền còn rộng lượng bao dung, chứ nuôi lợn là chính quyền bắt phạt đấy. Phạt thì cố giấu giếm, trong xó bếp hay góc nhà vệ sinh. Nếu không giấu nổi thì cố bài bây viện đủ lý do lý trấu:
- Nhà cháu hoàn cảnh khó khăn quá. Chồng bộ đội chiến trường. Cháu công nhân đi ca đêm ngày. Bốn năm đứa con. Bác tổ trưởng bảo không trông vào con lợn thì lấy đâu ra tiền sách bút giấy vở áo quần cho đám trẻ. Lại còn trăm thứ việc đám khóc đám cười, giỗ chạp tết nhất.
- Nhà nào cũng như nhà cô thì thành phố thành cái trại chăn nuôi à? Đi đến chỗ nào cũng hôi mù lên. Thôi cô gọi người đến cân lợn cho sớm đi. Tổ mình kỳ này lại mất điểm thi đua vì gà với lợn. Khiếp quá.
Nói là nói thế thôi chứ giáo sư tiến sĩ gì cũng lao vào nuôi lợn hết nữa là các ông bà tổ trưởng, tổ phó. Hồi ấy, gia đình giáo sư toán học Văn Như Cương danh tiếng cũng bị tổ dân phố lập biên bản vì nuôi lợn trong nhà. Ông liền lập luận một cách đanh thép:
- Phải ghi chính xác là lợn nuôi tôi chứ không phải là tôi nuôi lợn đấy. Không ghi thế là tôi không chịu đâu.
Hồi nhà tôi ở số nhà 52 Nguyễn Thái Học những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước là nhà đối diện với số nhà 97 phố Nguyễn Thái Học. Trong nhà 97, có ông tổ trưởng tên là Toản. Nhà ông cũng nuôi lợn nên ông cũng rất dễ dãi với mọi người. Ông bà tổ trưởng nuôi lợn vào diện mát tay, ngày ấy có đâu cám cò với thuốc tăng trọng, chỉ loanh quanh nước gạo và cơm nguội rau thừa hàng xóm với gạo mọt, mì mốc, cá ươn mà đôi lợn nhà ông cứ tăng cân vùn vụt. Cả xóm phải ngưỡng mộ mà học theo không được.
Trong các gia đình, lợn được gọi một cách âu yếm và kính trọng là “thủ trưởng”. Người ta đến cơ quan kể chuyện về “thủ trưởng” nhà mình một cách sôi nổi, nhiệt huyết. Họ phân công luân phiên nhau đăng ký xin cơm thừa, cuống rau của nhà bếp cơ quan hằng ngày. Mà cũng không dễ đâu nhé. Các cô cấp dưỡng, tạp vụ là hàng thứ nhất. Tốt quan hệ lắm mới đến lượt mình. Không thì nghỉ luôn. Còn các anh chị nào giàu sĩ diện, không tham gia công cuộc nhờ vả thì càng tốt, nhà tôi tránh được đôi ba bận phải xếp hàng. Con cái các nhà ngoài giờ học được phân công ra chợ xin lá su hào bắp cải hay ruột cá, đầu tôm về. Tuy nhiên cũng hiếm hoi lắm. Vì bà hàng nào cũng dành để nuôi gà nuôi lợn nhà mình. Trừ khi chợ chiều trời nắng nóng mà lại đắt hàng, các bà mới vui vẻ, rộng lượng một chút. Duy hàng rau mậu dịch thì luôn sẵn rau muống già hay su hào ôi, bắp cải thối. Mua cố về, nhặt chỗ nào còn tươi non thì người ăn, chỗ nào già héo thì kính dâng “thủ trưởng”. Nhưng nhỡ mà thủ trưởng ốm thì cả nhà lo đến phát sốt phát rét. Người người truyền tai nhau mua becberin mậu dịch hay penixilin chợ đen cho uống, cho tiêm. Nào hòa nước đường, nào nấu cháo gạo nếp bồi dưỡng, cẩn thận chăm chút hơn nuôi con nhỏ, mẹ già. Có một kinh nghiệm mà bố tôi học được ở các đồng nghiệp đem về, đó là ông xin gỗ thùng hàng ở cơ quan về đóng một tấm phên thưa như cái giát giường nhỏ. Ông đóng thêm hai bên lưng chừng tường nhà tắm hai cái mấu gỗ to rồi kê tấm phên thưa lên đó. Ông lùa con lợn vào nhà tắm, kê tấm chắn thấp trước cửa. Rồi lần lượt bê cu em tôi và mấy đứa em gái nhỏ đặt lên trên tấm phên bắt đầu sự nghiệp tắm cho các con và tắm cho lợn. Các em tôi đứa thì sợ hãi, đứa thì thích thú. Chúng cười - khóc tán loạn bên trên. Con lợn thì ủn ỉn oàm oạp bên dưới vẫy đuôi lung tung. Mẹ tôi dở cười dở mếu:
- Thôi ông đừng vẽ trò, tiết kiệm được bao nhiêu đâu. Con gái bé nó sợ rồi đêm nằm mơ lại khóc ầm lên, cả nhà mất ngủ.
- Ô hay. Bao nhiêu nhà vẫn thế, có sao đâu. Tiết kiệm được tý nào hay tý ấy chứ. Nào chị em mày xem cu bé đây nhé. Dội gáo nào là cười khanh khách gáo ấy chứ?
Mỗi kỳ nhà hàng thịt đến cân lợn, họ lại có mánh xin gia chủ xô nước. Gia chủ còn chả biết họ xin để làm gì, chắc là để rửa chân rửa tay trước khi thịt lợn cho sạch sẽ chăng? Thì đã nghe một tiếng “Ùm”. Con lợn bị xối nước lạnh đột ngột sợ hãi rống lên, ị ra một bãi tướng. Thế là cân lên thể nào cũng hao mất một vài cân. Nhà chủ tiếc của tha hồ ngấm nguýt, trách móc nhà hàng thịt, họ cũng lờ đi, mặc kệ, mắt nhìn đi chỗ khác. Chắc là họ đã quen lắm với cảnh như thế ở nhiều nơi rồi.
Chính tôi đã chứng kiến một cảnh tượng như thế tại sân sau trong hôm nhà bán lợn. Mẹ tôi còn bực tức, còn phàn nàn mãi với bố tôi và các con. Nhưng hôm ấy bố tôi có cái khấu đuôi nhắm rượu còn chị em tôi được bữa thịt má rang dừa già, cu em được vài lạng ruốc bông nấu cháo. Cả nhà lại vui rộn ràng.
Còn gà thì hầu như nhà nào cũng nuôi. Chúng ăn chả tốn mấy. Cơm thừa canh cặn nhà mười mấy người thì tha hồ. Ngày ấy ngoài đường cào cào châu chấu nhiều lắm, bờ đê sông Hồng đầy dế lẫn giun. Sau buổi học đám trẻ con hè nhau đi kiếm thức ăn cho gà rất dễ. Lại vui nữa. Nhìn cảnh thi nhau vặt cánh châu chấu cào cào thả vào chuồng cho đám gà thi nhau mổ lắp tắp mà đầy phấn khích. Thi thoảng chúng lại són ra được quả trứng để nấu cháo cho bà hay quấy bột cho cu em. Hoặc như cuối tuần được bữa trứng tráng hành hay canh trứng nấu cà chua, trứng luộc dầm nước mắm chấm rau bắp cải hay mụp dưa cải thì thích lắm. Ngày giỗ ngày Tết, có sẵn chuồng gà đỡ bao nhiêu tiền. Mà gà nhà nuôi, thịt chắc mà thơm lắm. Ăn một miếng thì sướng cả đời. Đôi khi nuôi được con gà trống tốt mã, mẹ tôi là nhờ mấy chú tôi trong Cửa Đông ra thiến đi hai hạt cà, để nuôi vỗ bằng cơm nóng và ngô xay cho chúng béo vàng. Gà ấy mà sang Tết hóa vàng đầu tháng Giêng âm lịch đem nấu bún thang mới là đúng kiểu nhất, không gì hơn. Cắn một miếng thì ngập chân răng. Đôi lá mỡ gà vàng ươm mà thả trên chốc chõ xôi gấc thì thôi đấy, hạt xôi cứ óng ánh quá như hạt cườm. Nhưng nhà nào có con trai sắp lấy vợ thì nuôi được con gà sống thiến có dễ đâu mà được ăn. Còn phải để dành đem sang sêu tết nhà thông gia tương lai. Người ta nuôi con gái vài mươi năm tốn bao nhiêu công của, mà rồi một chốc lại gả sang gánh vác công việc nhà mình còn chả tiếc, tiếc gì con gà sống thiến với chai rượu quê.
Tuy nhiên, gà bị nuôi nhốt chậm lớn và rất hôi. Lâu lâu có khi chúng là bị ốm, gọi là gà rù. Mẹ tôi lo sốt vó kiếm tỏi, kiếm gừng giã vắt lấy nước nhỏ vào mỏ cho chúng. Hễ mà chúng khỏi là may. Nhưng đa phần là chúng khặc khừ dần rồi lăn ra chết. Gọi là gà toi. Gà toi thì nhà vừa buồn vừa vui. Buồn vì đến giỗ ông giỗ bà sắp tới lấy đâu ra gà mà cúng? Vui vì cả nhà lại được bữa gà tẩm húng lìu rán hoặc thịt gà rang gừng cải thiện bữa ăn. Gà ấy không thể nào làm món luộc hay hấp, vì da của chúng tím bầm do không còn cắt tiết được như với những con gà khỏe mạnh. Nghĩ lại sợ quá. Hỏi làm sao bao năm về sau tôi rán thịt gà vẫn nhất quyết không cho húng lìu và rang thịt gà vẫn nhất quyết không đập gừng. Ôi, quá khứ hãi hùng không thể nào quên nổi!