Nhạc sĩ Lân Cường: Bay bổng cùng giai điệu tuổi thần tiên

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:21, 23/06/2021

Có một chuyên gia đầu ngành cổ nhân học của Việt Nam ngày ngày say mê sáng tác âm nhạc và ông đặc biệt dành nhiều tâm huyết để bay bổng cùng những giai điệu tuổi thần tiên. Với ông, trên bước đường làm khoa học của mình, âm nhạc thiếu nhi luôn vấn vít cùng biết bao yêu thương!
Nhạc sĩ Lân Cường Bay bổng cùng giai điệu tuổi thần tiên
Với nhạc sĩ Lân Cường, viết nhạc cho thiếu nhi 
là một cơ duyên tuyệt diệu.

Bất ngờ với nhà khảo cổ

Nhà khoa học ấy là PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - một trong 8 người con tài danh của NGND Nguyễn Lân. Mới đây, mừng tuổi 80, ông đã bất ngờ giới thiệu đến công chúng tuyển tập ca khúc hợp xướng Nhật ký trên khóa Sol cùng lời hẹn đến cuối tháng 12 năm nay sẽ cố gắng “chiêu đãi” bạn bè, công chúng một đêm nhạc của riêng mình.

Nhật ký trên khóa Sol đã khoe “vốn liếng” âm nhạc của Lân Cường - một “vốn liếng” không hề nhỏ mà nhà khoa học mang tâm hồn nghệ sĩ này đã cần mẫn sáng tạo, góp gom trong suốt hơn 60 năm qua. Đó là 60 ca khúc và hợp xướng cùng 2 tác phẩm phối âm cho hợp xướng được chọn lọc từ “gia tài” âm nhạc khá đồ sộ (có tới cả trăm tác phẩm) của ông. Không chỉ thế, Nhật ký trên khóa Sol còn khiến không ít người ngỡ ngàng khi khám phá câu chuyện con đường âm nhạc của Lân Cường được bắt đầu từ rất sớm, năm 18 tuổi, với tác phẩm Tiếng hát bản Mường (1959).  “Tôi biết anh Lân Cường vừa làm khảo cổ vừa viết nhạc từ lâu rồi nhưng hôm nay thật sự bất ngờ khi được biết thêm là anh viết nhạc từ năm 18 tuổi, còn sớm hơn tôi”, nhạc sĩ Cát Vận bày tỏ.

Theo nhạc sĩ Lân Cường, ông viết ca khúc Tiếng hát bản Mường khi đang là học sinh Trường Phổ thông 3A (nay là Trường THPT Việt - Đức, Hà Nội). Ngay khi đó, Tiếng hát bản Mường đã được bạn bè, thầy cô đón nhận, cổ vũ và tốp ca nữ của trường đã giành huy chương Bạc tại cuộc thi cấp thành phố khi hát ca khúc này. Những niềm vui, sự trân trọng ấy chính là chất xúc tác vô cùng quan trọng để cậu học trò Lân Cường năm ấy thêm tự tin, mạnh dạn bước vào và gắn bó với âm nhạc từ bấy đến nay. “Với tôi, âm nhạc là người bạn đồng hành trong cuộc đời làm khoa học nghiêm túc, nhọc nhằn của mình. Vì vậy, chưa khi nào tôi nghĩ là đang cố ý xây đắp cho mình một “gia tài” âm nhạc, mà chỉ đơn giản là hàng ngày chăm chỉ ghi những dòng nhật ký về công việc, cuộc sống bằng những nốt nhạc trên khóa Sol”, nhạc sĩ Lân Cường khiêm tốn chia sẻ cùng ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Rộn ràng, say mê

Lật giở cuốn Nhật ký trên khóa Sol còn thơm mùi giấy mới, chúng ta không chỉ được gặp một nhà khoa học Lân Cường say mê chắp cánh cho biết bao câu chuyện của cuộc sống thêm lãng mạn, thi vị, không kém phần sâu sắc mà còn gặp một tâm hồn tươi trẻ, bay bổng trên những giai điệu tuổi thần tiên. Năm 22 tuổi (1963), Lân Cường đã “mở hàng” liên tiếp 2 ca khúc Về đây mái trường xưa và Ba điểm 10 (được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam). Nếu như giai điệu của ca khúc Về đây mái trường xưa thiết tha, bâng khuâng, xao xuyến dành cho lứa tuổi thiếu niên thì giai điệu của ca khúc Ba điểm 10 thật phù hợp với tuổi nhi đồng trong sáng, hồn nhiên, rộn ràng, hân hoan khi giành được điểm tốt: “Lòng vui sao em nhanh bước đi. Chim líu lo nhìn em ca hót. Này chim ơi! Mi có biết chăng? Hôm nay ta được ba điểm 10…”

Nhạc sĩ Lân Cường Bay bổng cùng giai điệu tuổi thần tiên
Cuốn Nhật ký khóa Sol tập hợp những dòng nhật ký dí dỏm, vui tươi và ấm áp ghi bằng âm nhạc của nhạc sĩ Lân Cường. Ảnh: MT.
Cũng khi mới tuổi đôi mươi, Lân Cường còn dùng âm nhạc vẽ nên bức tranh làng quê yên ả, thanh bình và giàu sức sống trong ca khúc Làng em (1965): “Làng em nơi ấy ở mãi cuối sông Cầu, dòng nước uốn quanh làng lững lờ trôi. Chiều bên bờ đê diều sáo reo lưng trời thấp thoáng bóng tre ngà vờn khói lam. Ngày mùa trong xóm làng, thóc phơi đầy khắp sân chung em vui tới trường…” 

Sau đó, bẵng đi 20 năm, khi đã bước vào U50, Lân Cường mới trở lại với âm nhạc thiếu nhi, từ lần được Đài truyền hình Việt Nam đặt hàng viết 3 ca khúc dí dỏm, ngộ nghĩnh: Khúc hát của bầy sâu, Khúc hát của Vẹt và Khúc hát của vườn cây (lời: Nguyễn Dũng) cho vở kịch rối Bài học về lòng dũng cảm (kịch bản: Nguyễn Dũng). Rồi từ bấy đến nay (gần 40 năm qua) ông viết đều tay và có không ít tác phẩm nổi bật, giành được giải thưởng cao cũng như sự mến mộ của khán giả nhí. Đấy là ca khúc Con búp bê của em giành giải Nhì cuộc vận động sáng tác ca khúc Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai do UNICEF và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động năm 1992; ca khúc Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi giành giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc về an toàn giao thông; các ca khúc Chú bộ đội dạy cho em cái chữ, Em chịu thôi, Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa, Con thích làm nghề gì giành giải Nhì ở các thể loại ca khúc thiếu nhi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

Có thể nhận thấy, lúc nối nhịp trở lại và tuy đã bước vào ngũ tuần, nhưng âm nhạc thiếu nhi của Lân Cường vẫn luôn sáng trong, hồn nhiên. Và, mỗi ca khúc thường là một câu chuyện dí dỏm, vui tươi, không chỉ làm trẻ bật cười thích thú, hãnh diện mà còn khiến cả các bậc phụ huynh bật cười khi nhận ra nhạc sĩ khéo phê bình người lớn chưa làm gương trước con trẻ. Chẳng hạn như khi nghe ca khúc Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi được nhạc sĩ viết khi ông đã bước sang U80, chắc chắn không ít phụ huynh sẽ tủm tỉm cười, thậm chí không khỏi thầm nhủ: “Ông nhạc sĩ này tuyên truyền an toàn giao thông vừa giỏi vừa khéo phê bình phụ huynh”. Chẳng là, ca khúc đó có phần lời sao mà hóm hỉnh, dễ thương: “Trèo lên mô tô, bố em đưa em về thăm ông, bà. Nào người, nào xe, rộn ràng đường phố/ Ơ! Ơ! Sao mới đến đèn vàng mà bố đã đi ? Cô dạy con rằng: “Đèn đỏ thì dừng, đèn vàng chuẩn bị, đèn xanh mới đi”. Lêu! Lêu! Sao mới đèn vàng mà bố đã đi? Bố mà đi học, cô chẳng bằng lòng cho bố phiếu bé ngoan. Pim pim pim…”

Không chỉ thế, không ít ca khúc còn được Lân Cường viết từ những cảm xúc và nghĩ suy khi ông trực tiếp được nghe và bắt gặp những câu chuyện, những ước mơ của trẻ thơ trên những chuyến đi khai quật khảo cổ. Đó là câu chuyện Chú bộ đội dạy cái chữ cho em tràn đầy tình ấm áp, mến thương của người lính biên phòng với thiếu nhi nơi vùng sâu vùng xa của tỉnh Lai Châu: “Kìa “Plà” kêu trên nương, mưa trắng núi trắng rừng. Dù cho đêm đông lạnh quá. Các chú vượt núi cao băng qua bao dốc về bản H’mông đây. Để dạy em cái chữ vui lắm…”  Đó còn là ước mơ giản dị của những em bé Tây Nguyên trong ca khúc Con thích làm nghề gì?: “Mẹ hỏi em thích làm nghề gì? Xin thưa mẹ con sẽ làm cô giáo để cả làng ai ai cũng biết chữ, không còn khổ như xưa (…) Lũ làng mừng, dân Bơ râu ta nay đã biết chữ, chiều nghe tiếng đinh nam trên buôn, lũ trẻ thơ tan lớp. Mừng lắm lũ làng ơi như con chim Jông bay lưng trời, mang tin vui đi tới mọi nhà…”

“Tôi nhớ ngày tới công tác ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), bữa ăn nào cũng chỉ có cá khô mặn chát. Tôi gặp một cháu bé người Brâu khoảng 8 tuổi, tôi có hỏi: “Sau này con thích làm nghề gì? Làm bác sĩ hay kỹ sư?”. Cháu trả lời: “Con chỉ thích làm cô giáo để sau này dạy cho trẻ em của lũ làng biết đọc biết viết”. Mùa đông năm 1966, tôi đến bản Tu San, xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu), tôi cũng hỏi một cháu bé câu hỏi đó. Cháu bé cũng nói: “Cháu thích làm cô giáo vì nơi cháu ở các cô giáo miền xuôi không lên, toàn các chú bộ đội dạy thôi. Hai câu chuyện cứ in sâu vào tâm can tôi, và thế là những dòng nhật ký bằng nhạc đã được tôi hoàn thành qua 2 ca khúc Con thích làm nghề gì và Chú bộ đội dạy cái chữ cho em. Hai ca khúc này đều đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam”, nhạc sĩ Lân Cường trầm giọng nhớ lại.

Nhạc sĩ Lân Cường Bay bổng cùng giai điệu tuổi thần tiên
Nhạc sĩ Lân Cường và đội văn nghệ thiếu nhi sau buổi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu. 

Cơ duyên tuyệt diệu
Với nhạc sĩ Lân Cường, việc sáng tác cho thiếu nhi là một cơ duyên tuyệt diệu trong cuộc đời. Cũng bởi, ai cũng có thể viết nhạc cho người lớn nhưng thế giới âm nhạc của thiếu nhi thì lại vô cùng kén chọn và không phải ai cũng có thể bước vào. Phong cách của trẻ thơ là tinh nghịch, hiếu động; tâm hồn của trẻ thơ là thơ ngây, trong trẻo. Thế nên, dù là thanh niên hay ông già tóc bạc người nhạc sĩ này lúc nào cũng có thể trở về với sự trong trẻo, thơ ngây, tinh nghịch… để giao hòa, đồng điệu với trẻ thơ và viết nên những giai điệu vui tươi, hồn nhiên, những ca từ giản dị, tinh tế dành tặng các em. 

Cùng với đó, còn gì tuyệt diệu hơn khi âm nhạc đã bắc nhịp cầu để Lân Cường thường xuyên có được những cuộc gặp gỡ bất ngờ, thú vị với trẻ thơ. Đó là khi ông chỉ huy những dàn hợp xướng thiếu nhi đầy say mê, cuốn hút. Hay cô bé hát bài Con búp bê của em năm xưa giờ là sinh viên Học viện Ngoại giao, dịp vừa rồi đã về chúc mừng ông ra mắt cuốn Nhật ký trên khóa Sol. Đặc biệt, bên cạnh việc chăm chỉ học hỏi từ bạn bè, Lân Cường còn rất chăm nhờ các em nhỏ… thẩm định tác phẩm mới. Chẳng là, mỗi khi viết xong ca khúc mới, ông lại đem đến cho những đứa trẻ xung quanh… hát trước. Chỉ khi các “giám khảo” khó tính nhưng rất khách quan này gật đầu thì ông mới công bố tác phẩm mới của mình. 

“Vì rất yêu mến trẻ thơ nên trên con đường âm nhạc của mình, tôi dành nhiều tâm huyết sáng tác ca khúc tặng các em. Đối với tôi, tâm hồn trẻ thơ trong sáng vô cùng nên viết ca khúc cho các em chưa bao giờ dễ dàng. Đó là, tiết tấu phải đơn giản, âm vực không được quá cao hay quá thấp. Đặc biệt, ca từ phải thể hiện được tâm hồn, thế giới quan sinh động của trẻ thơ. Riêng chuyện nhờ khán giả nhí “ thẩm định” trước, có không ít bài hát tôi đã không công bố hoặc phải chỉnh sửa lại khi được các bạn nhỏ kêu: Chú/ ông viết cao quá, khó hát”, nhạc sĩ Lân Cường dứt lời và cười lớn. 

Miên Thảo