Nguyễn Xuân Khánh - thăng trầm và thăng hoa cùng nghề viết

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 17:28, 23/06/2021

Xuất phát điểm Nguyễn Xuân Khánh dường như là người ngoại đạo với văn chương. Ông đỗ tú tài toán, học Đại học Y khoa Hà Nội, sau đó tham gia bộ đội những năm 1951 - 1952. Song có lẽ “máu văn chương” ngấm vào ông từ ngày còn nhỏ với thói quen đọc sách như “mọt nghiền gỗ”, và sau này khi dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân rồi công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Báo Thiếu niên Tiền phong, ông càng có duyên với nghiệp viết. Nhưng văn chương, với Nguyễn Xuân Khánh, quả lắm thăng trầm mà cũng nhiều thăng hoa. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ra đi ở tuổi xấp xỉ 90 và gửi lại những trang viết sâu nặng dấu ấn cuộc đời...
Nguyễn Xuân Khánh - thăng trầm và thăng hoa cùng nghề viết
Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

1. Theo giới nghiên cứu, đời văn Nguyễn Xuân Khánh có thể chia làm 3 giai đoạn rõ rệt.

Giai đoạn thứ nhất (những năm 60 của thế kỷ trước), ông “trình làng” tập truyện ngắn “Một đêm”, in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (tháng 2-1959). Tác phẩm này đạt giải Nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi viết về “đời sống bộ đội trong hòa bình” do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 1958. Đến năm 1963, ông xuất bản tập truyện ngắn “Rừng sâu” tập hợp các sáng tác từ năm 1958 đến 1962 với nội dung xoay quanh đề tài phẩm chất con người mới xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu thời kỳ Nguyễn Xuân Khánh đang thuộc về khu vực trung tâm của văn học miền Bắc khi đó ở cả hai phương diện đề tài và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn thứ hai (thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX), Nguyễn Xuân Khánh viết tiểu thuyết “Miền hoang tưởng” (1973) và “Trư cuồng” (1981 - 1982), nhưng cả hai tác phẩm này đều chung số phận lận đận, và cũng kéo theo sự lận đận của số phận nhà văn. Cuốn thứ nhất đến tận năm 1990 mới được công bố dưới bút danh Đào Nguyễn nhưng vẫn chưa hết "sóng gió". Cuốn thứ hai, phải sau hơn 3 thập kỷ mới lần đầu tiên được xuất bản với cái tên “Chuyện ngõ nghèo” (2016).

Giai đoạn thứ ba (cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI). Giai đoạn này có thể chia làm hai chặng nhỏ. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Nguyễn Xuân Khánh tham gia dịch, biên dịch nhiều cuốn sách về văn học. Ở chặng tiếp theo (10 năm đầu thế kỷ XXI), có thể nói không quá rằng, văn nghiệp Nguyễn Xuân Khánh gắn liền với hai chữ “hiện tượng”. Bộ ba tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” ngay sau khi mới xuất bản đều lần lượt trở thành hiện tượng trên văn đàn. Bản thân việc Nguyễn Xuân Khánh thành danh ở tuổi “thất thập cổ lai hy” cũng là một hiện tượng, minh chứng cho quá trình lao động miệt mài thầm lặng, thậm chí nhiều mất mát, cay đắng nhưng luôn khát khao vượt lên những giới hạn của bản thân lẫn thời cuộc.

Nguyễn Xuân Khánh - thăng trầm và thăng hoa cùng nghề viết
Bộ ba tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

2. Tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” (2000) là cột mốc đánh dấu sự “tái xuất” của Nguyễn Xuân Khánh trên văn đàn. Rõ ràng, đây là lần tái xuất ngoạn mục bởi cuốn tiểu thuyết này ngay sau khi xuất bản đã được đón nhận rộng rãi, giành nhiều giải thưởng. Cuốn sách cũng là chỉ dấu cho sự chuyển hướng trong tư duy sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh. Bắt đầu từ đây, nhà văn hướng sự tập trung về cội nguồn văn hóa dân tộc. Chính mạch nguồn sáng tạo này đã làm thay đổi vị trí của Nguyễn Xuân Khánh trên bản đồ văn chương Việt, từ chỗ chưa có sự đột phá ở giai đoạn đầu, không được đón nhận ở giai đoạn thứ hai đến chỗ là tiểu thuyết gia hàng đầu của Việt Nam ở giai đoạn ba. “Hồ Quý Ly” tái hiện lại giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc vào cuối thời Trần đầu thời Hồ.

Kiến giải của Nguyễn Xuân Khánh về nhân vật Hồ Quý Ly hoàn toàn không bị chi phối bởi các quan điểm phổ biến về nhân vật này vẫn tồn tại lâu nay. Hồ Quý Ly ở đây, là kiểu nhân vật đa trị (cũng như phần lớn các nhân vật khác trong tiểu thuyết này), được Nguyễn Xuân Khánh nhìn nhận trước hết từ góc độ con người cá nhân với đầy đủ sự phức tạp, đa dạng của tính cách, trên cơ sở đó, nhà văn lý giải cho những quyết định mang tính lịch sử của nhân vật đã chi phối đến vận mệnh dân tộc.

Đến “Mẫu Thượng ngàn” (2006), song song với dấu ấn lịch sử là sự hiện tồn của những trầm tích văn hóa kết tụ trong các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Ở đây, Nguyễn Xuân Khánh đã đặt bức tranh văn hóa - phong tục với đường nét trung tâm là đạo Mẫu trên cái nền rộng lớn của đời sống lịch sử - thế sự, cụ thể hơn, nhà văn tái hiện dấu ấn của đạo Mẫu qua câu chuyện của những con người (nhất là những người phụ nữ) ở làng Cổ Đình. Cuốn tiểu thuyết do đó mang vẻ đẹp mềm mại của mẫu tính, đồng thời cũng đầy sức nặng bởi những suy ngẫm trước cuộc tiếp chạm văn hóa Đông - Tây cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

“Đội gạo lên chùa” (2011) được xem là cuốn tiểu thuyết đậm tính luận đề nhất của Nguyễn Xuân Khánh. Tác phẩm tập trung tái hiện đời sống Phật giáo ở một làng quê. Nếu “Mẫu Thượng ngàn” cho thấy một cách rõ rệt sự tiếp xúc văn hóa giữa bên trong (bản địa) với bên ngoài (ngoại lai) thì “Đội gạo lên chùa” cũng phản ánh sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, nhưng chủ yếu đi sâu vào sự va đập giữa các giá trị văn hóa nội tại trong đời sống người Việt trong khoảng 4 thập kỷ đầy biến động. “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”, là cốt lõi, cũng là sự đúc kết sau những thể nghiệm dữ dội, Phật giáo trải qua chiến tranh, qua những va chạm nghiệt ngã nhất, thậm chí cả sự đổ máu, chết chóc, nhưng ánh sáng của nó vẫn mênh mang chiếu rọi đến cõi nhân sinh. Và con người, nếu biết vui với đạo, thuận theo lẽ đạo, tùy duyên mà hành đạo, tùy duyên nhưng bất biến thì sẽ vượt lên được nghịch cảnh mà không đánh mất tâm thiện trong mình.

Xét về phương diện thời gian, Nguyễn Xuân Khánh đã khéo léo đặt bộ ba tiểu thuyết này trong sự kết nối theo chiều lịch đại: Khởi phát từ “Hồ Quý Ly” gắn với giai đoạn cuối Trần đầu Hồ, đến “Mẫu Thượng ngàn” lấy bối cảnh thực dân Pháp xâm lược Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cuối cùng là “Đội gạo lên chùa” phản ánh đời sống văn hóa của người dân Bắc Bộ từ thập niên 40 đến 80 của thế kỷ XX.

Dù phóng chiếu tầm nhìn về quá khứ, về những năm tháng đã qua, nhưng các sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh vẫn vang vọng nhịp đập của thời hiện tại, điều này có thể thấy được qua những kiến giải và đối thoại về lịch sử, những trăn trở về sự va chạm giữa cái cũ với cái mới, giữa giao lưu và tiếp biến văn hóa. Nghĩa là Nguyễn Xuân Khánh đã “tìm thấy những điểm tương đồng giữa quá khứ và hiện tại, dùng hiện tại soi tỏ quá khứ, nêu ra được những chân lý có tính phổ quát” (Đỗ Hải Ninh, “Quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh”, in trong “Lịch sử và văn hóa cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh”).

3. Có thể thấy, trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, Nguyễn Xuân Khánh để lại một gia tài văn chương rất phong phú, trải rộng trên nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, tự truyện. Trong đó, tiểu thuyết là thể loại đưa tên tuổi Nguyễn Xuân Khánh lên đến đỉnh cao, với bộ ba tác phẩm dày dặn cả về dung lượng câu chữ lẫn dung lượng tri thức, trải nghiệm. Ông cũng được biết đến với vai trò là dịch giả của nhiều cuốn sách, trong đó phải kể đến “Chuông nguyện hồn ai”, “Tâm lý học đám đông”...

Những biến cố, thăng trầm mà nghiệp văn đưa đến, hẳn cũng là căn nguyên để khai phóng những “hoài vọng của lý trí” trong Nguyễn Xuân Khánh, từ đó dẫn lối nhà văn tới những sáng tạo vừa say mê vừa đầy những suy nghiệm sâu sắc, bất tận về con người và thời cuộc. Những suy nghiệm đó, luôn tìm thấy những tiếng đồng vọng từ người đọc, điều này lý giải vì sao đầu thế kỷ XXI, trên văn đàn Việt nở rộ hàng loạt tên tuổi mới, nhưng Nguyễn Xuân Khánh vẫn hiện diện vừa điềm đạm vừa kiêu hãnh với tư cách một nhà văn của lịch sử, văn hóa, phong tục.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội, mất ngày 12-6-2021. Ông từng được trao nhiều giải thưởng như Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000 (tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”), Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 (tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010 - 2011 (tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”), Giải Thành tựu văn học trọn đời năm 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội.

HNM