Xã Văn Tự và những ''điểm sáng'' kinh tế, xã hội tạo đà cho phát triển

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 15:06, 24/06/2021

Năm 2020, tình hình đất nước có nhiều biến động lớn do tác động của đại dịch Covid-19. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Hòa chung với tinh thần đó, xã Văn Tự (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã để lại nhiều “điểm sáng” về kinh tế xã hội trong năm vừa qua, từ đó tạo động lực cho năm 2021 phát triển.
Xã Văn Tự và những
Người dân phát triển mô hình trồng dưa theo hướng hiện đại. Ảnh: Mạnh Hà
Diện mạo mới, kỳ vọng mới

Từ sự vào cuộc sâu sát, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng sự đồng thuận cao của người dân, Văn Tự hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới trong bức tranh nông thôn mới tràn đầy sức sống.

Mạng lưới giao thông của xã không ngừng được nâng cấp, mở rộng với 24,64 km đường từ xã đến thôn, liên thôn, đường nội đồng. Các tuyến đường đảm bảo sạch sẽ, không lầy lội trong mùa mưa. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Hội trường UBND, nhà văn hóa các thôn đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội họp của cộng đồng dân cư; 3/4 thôn được công nhận làng văn hóa.

Hệ thống trường lớp của xã được ngành giáo dục quan tâm đầu tư, nâng cấp kịp thời. Trường mầm non được đầu tư xây dựng 12 tỷ 944 triệu đồng; trường tiểu học được đầu tư xây dựng, nâng cấp 15 tỷ 641 triệu đồng; trường THCS được đầu tư sửa chữa, xây dựng với kinh phí 16 tỷ 119 triệu đồng. Nhờ đó chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày được nâng cao. Trạm y tế xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia với trang thiết bị đảm bảo công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Song song đó, nhiều mô hình hay, kinh tế hiệu quả cũng được phát triển và nhân rộng trên địa bàn. Đặc biệt, xã đẩy mạnh phát triển nội lực từ nghề buôn bán gỗ, làm đồ mộc gia dụng của địa phương, đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân địa phương lên 41,1 triệu đồng/ người/ năm.

Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích vụ đông năm 2019 - 2020 toàn xã trồng được 25 mẫu bí xanh, bí đỏ; diện tích dưa chuột trồng được 5 mẫu, năng suất quy thóc ước đạt 35 tấn; diện tích ngô đông 10 mẫu năng suất quy thóc ước đạt 20 tấn. Diện tích cây lúa xuân được 525 mẫu, qua kết quả thăm đồng, đánh giá năng suất toàn xã ước đạt 200kg/sào, sản lượng lương thực toàn xã ước đạt 1.050.000 tấn. Diện tích ngô và lạc được 25 mẫu, rau màu các loại 14 mẫu năng suất quy ra thóc ước đạt 230kg/sào, sản lượng lương thực ước đạt 89,7 tấn.

Diện tích cấy lúa mùa được 522 mẫu, qua kết quả thăm đồng, đánh giá năng suất toàn xã ước đạt 190kg/sào, sản lượng lương thực toàn xã đạt 991.800 tấn. Diện tích ngô và lạc được 13 mẫu, rau màu các loại 19 mẫu năng suất quy ra thóc ước đạt 230kg/sào, sản lượng lương thực ước đạt 73,6 tấn. Tổng sản lượng lương thực toàn xã năm 2020 ước đạt 2.180,1 tấn, đạt 21,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xã Văn Tự đã xây dựng và triển khai phương án phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn năm 2020 để chủ động phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đồng thời UBND xã cũng ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tổ xung kích phòng chống thiên tai năm 2020.

Xã Văn Tự và những
Làng nghề cơ khí Văn Tự được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Mạnh Hà

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội năm 2021

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy - HĐND và kế hoạch chỉ đạo của UBND huyện Thường Tín, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV và Nghị quyết của HĐND xã về nhiệm vụ phát triển kinh tế  -  xã hội năm 2021. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, cán bộ và nhân dân trong xã quyết tâm nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn sau đại dịch Covid-19 để ổn định sản xuất kinh doanh của nhân dân trong xã, phát huy các mặt đã đạt được và những lợi thế, thuận lợi của địa phương, phấn đấu các mục tiêu và giải pháp đã đề ra như: trong phát triển kinh tế, xã chỉ đạo các hợp tác xã (HTX) làm công tác thủy lợi nội đồng và triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân năm 2021. Chỉ đạo các HTX vận động nhân dân cấy hết diện tích không để ruộng hoang, tập trung đưa các loại giống lúa chất lượng vào canh tác để đạt năng suất chất lượng tốt. Tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung, quan tâm đến phát triển mô hình chuồng trại áp dụng công nghệ mới chất lượng cao.

Bên cạnh đó, xã sẽ tiếp tục thực hiện định hướng xây dựng NTM gắn với phát triển làng nghề, cụm công nghiệp truyền thống. Trong đó, quan trọng nhất là làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai và trật tự xây dựng để dự phòng quỹ đất cho phát triển; duy trì và giữ vững các tiêu chí về môi trường.

Đồng thời, xã Văn Tự cũng chú trọng đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mở rộng các vùng chuyên canh để tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tạo ra các chuỗi sản xuất thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đó cũng là bước đi quan trọng nhằm nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống người dân nông thôn trên địa bàn thực sự bền vững.

Trong năm 2021, công tác chăm lo đời sống các hộ nghèo, người có công, các đối tượng chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; tổ chức đi thăm và tặng quà cho các đối tượng chính sách và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chi trả kịp thời các chế độ tiền lương, thưởng, các chế độ bảo hiểm xã hội, các khoản trợ cấp đúng đối tượng và chế độ. Công tác chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác bình đẳng giới phải được chú trọng tổ chức thực hiện để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.

Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Văn Tự trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường… Bằng những bước đi vững chắc, lộ trình cụ thể, giải pháp khoa học, phù hợp thực tiễn, hi vọng trong thời gian tới Văn Tự sẽ xây dựng được nền kinh tế xanh trên nền tảng phát triển đô thị làng nghề theo tiêu chí quy chuẩn của các quận nội thành, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, tạo thêm những giá trị mới cho đất khoa bảng, đất trăm nghề.

Nguyễn Sinh - Mạnh Hà