Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 07:39, 08/07/2021

“Việt Nam ơi máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau thắm những ngày” (Tố Hữu - Việt Nam máu và hoa). Trong mười nghìn ngày (1945 - 1975) kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc, thơ ca đã đồng hành cùng đất nước, nhân dân; đã trở thành những tượng đài bằng ngôn từ khắc ghi công lao của các anh hùng - liệt sĩ đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Vác pháo vào trận địa - Ký họa màu nước của Hoàng Đình Tài
“Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”...

Thơ ca kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) có nhiều bài thơ hay viết về sự hy sinh cao cả, bất tử của anh bộ đội Cụ Hồ, như tên gọi trìu mến và thân thương mà nhân dân dành tặng người chiến sĩ Vệ quốc quân. Những bài thơ nổi tiếng không chỉ một thời, đã đi vào ký ức lương thiện của nhân dân như: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Viếng bạn của Hoàng Lộc, Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu... Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta sống và chiến đấu gian khổ, cả khi hy sinh cũng chịu thiệt thòi hơn người bình thường vì: “Ở đây không gỗ ván/ Vùi anh trong tấm chăn/ Của đồng bào Cửa Ngăn/ Tặng tôi ngày phân tán”. Nhưng không có gian khổ nào ngăn nổi ý chí chiến đấu của những người đang sống nguyện trả thù cho người đã hy sinh vì sự nghiệp chung: “Mai mốt bên cửa rừng/ Anh có nghe súng nổ/ Là chúng tôi đang cố/ Tiêu diệt kẻ thù chung” (Hoàng Lộc - Viếng bạn, 1947). Hoàn cảnh và tâm trạng này được thể hiện sâu sắc trong bài thơ Tây Tiến (1948) của Quang Dũng. Âm hưởng anh hùng và lãng mạn hòa quyện khiến cho hình ảnh người lính trở nên kỳ vĩ, bay bổng: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Những người lính trẻ, những mái đầu xanh hát vang khúc quân hành ngày ra trận và hy sinh cho lý tưởng cách mạng nhẹ tựa lông hồng: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Nhưng sự hy sinh của người chiến sĩ càng trở nên bất tử hơn khi linh hồn của họ vẫn như đang sống cùng đồng chí, đồng bào, vẫn trong đội ngũ quân hành: “Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm (1945 - 1954). Ngay sau ngày 7/5/1954 ghi vào lịch sử “nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, nhà thơ Tố Hữu đã hoàn thành khúc tráng ca Hoan hô chiến sĩ Điện Biên: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng chí không mòn (...)/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm (...)/ Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam”. Trong bài thơ Lên Cấm Sơn (1947), Thôi Hữu đã viết về tinh thần chịu đựng gian khổ và hy sinh vô bờ bến của người Vệ quốc quân những ngày đầu kháng chiến: “Cuộc đời gió bụi pha xương máu/ Đói rét bao lần xé thịt da/ Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật/ Đâu còn tươi nữa những ngày hoa/ Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/ Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa/ Tặng những anh tôi từng rỏ máu/ Đem thân xơ xác giữ sơn hà”.

“Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc”...

Thơ ca chống Mỹ (1954 - 1975) đã dựng những “tượng đài bằng thơ” về những tấm gương hy sinh anh dũng của người chiến sĩ cách mạng (có thể là bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong). Những bài thơ đã đi vào lòng bạn đọc như Núi Đôi của Vũ Cao, Hoa chanh của Nguyễn Bao, Mồ anh hoa nở của Thanh Hải, Quê hương của Giang Nam, Khoảng trời, hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ, Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh xuân, Hãy nhớ lấy lời tôi của Tố Hữu, Vô danh của Ngô Thế Oanh, Thăm mộ chiều cuối năm của Nguyễn Thái Sơn, Bài ca chim Chơ-rao (trường ca) của Thu Bồn... Chủ đề “có cái chết hóa thành bất tử”, “có cái chết gieo mầm sự sống” hiển hiện trong bài thơ Núi Đôi (1956) của Vũ Cao. Sự hy sinh anh hùng của cô du kích - nhân vật trữ tình - trong bài thơ là một sự khái quát hóa nghệ thuật về người phụ nữ Việt Nam “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” trong thời đại cách mạng: “Ai viết tên em thành liệt sĩ/ Bên những hàng bia trắng giữa đồng/ Nhớ nhau anh gọi: em, đồng chí/ Một tấm lòng trong vạn tấm lòng/ Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”. Trong bài thơ Hoa chanh (1958) của Nguyễn Bao, hình ảnh người chiến sĩ sau tám năm đi bộ đội trở về, đã để lại nơi chiến trường một phần cơ thể mình. Nhưng anh ý thức được sâu sắc: “Hôm nay trở về, một chân anh mất/ Nhưng quê hương tất cả vẫn còn/ Có một xóm vui đám cưới mùa xuân/ Trầu giàn nhà thắm môi hai họ/ Có anh thương binh đêm ngồi bên vợ/ Tóc ai dài thơm nước lá chanh”. Hình ảnh anh bộ đội - thương binh về làng, đón nhận hạnh phúc mới giản dị nhưng đầm ấm bên người thân. Thương binh là những con người “tàn nhưng không phế”.

Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Hành quân - Ký họa màu nước của Hoàng Đình Tài

Bài thơ Nấm mộ và cây trầm (1969) của Nguyễn Đức Mậu đã đúc kết bằng hình tượng thơ một tư tưởng nghệ thuật sâu sắc “hy sinh lớn cũng là hạnh phúc”. Những câu thơ được viết trong sự đau đớn nghẹn ngào nhưng không bi lụy: “Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù/ Nhận cái chết cho đồng đội sống/ Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/ Đồng đội xông lên nhìn rõ Hùng cười (...)/ “Chết, hy sinh cho Tổ quốc”, Hùng ơi/ Máu thấm cỏ lời ca bay vào đất/ Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc”. Cùng chung chủ đề này, Lâm Thị Mỹ Dạ trong bài thơ Khoảng trời, hố bom (1972) đã viết về sự hy sinh anh dũng của cô gái thanh niên xung phong trong trận chiến đấu cứu đường, cứu xe: “Chuyện kể rằng, em cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm hôm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom/ Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn/ Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái/ Một nấm mồ, nắng ngời bao sắc đá/ Tình yêu thương bồi đắp cao lên/ Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/ Đất nước mình nhân hậu/ Có nước trời xoa dịu vết thương đau (...)/ Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em”. Nhân vật chiến sĩ Hùng trong trường ca Bài ca chim Chơ-rao của Thu Bồn quê ở miền biển nhưng khi hy sinh anh dũng anh được nằm trong lòng đất Tây Nguyên. Ngày anh ra đi người mẹ dệt áo chờ con trai về: “May tấm áo chờ anh về mặc/ Ấp ủ ngày đêm mảnh áo quê nhà/ Đem cả nhớ thương tấm lòng mẹ dệt/ Gởi đứa con yêu phía trời xa/ Tấm áo mẹ con không bao giờ mặc nữa/ Để dành cho em con mặc buổi ra khơi/ Tấm áo che qua bao ngày nắng gió/ Vững mái chèo bão táp chớ buông rơi”. Người vợ của chiến sĩ Hùng trở thành Vọng Phu: “Và cô gái biển đẹp xinh, người vợ trẻ/ Ngày chiến thắng về không có bóng anh/ Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh/ Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh”. Trường ca của Thu Bồn mang âm hưởng sử thi, có cái bao la phóng khoáng của thiên nhiên vĩ đại và sự sâu sắc trong tâm hồn con người trong chiến tranh vẫn luôn vươn lên sống tốt, sống đẹp. Thơ chan chứa nỗi buồn nhưng là nỗi buồn đẹp vì miêu tả cái chết nhưng không làm con người bi lụy. Nỗi buồn đẹp có tác dụng thanh lọc tâm hồn, cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng.
“Tên anh đã thành tên đất nước”...

Những anh hùng - liệt sĩ anh hùng ngã xuống, máu của họ tô thắm ngọn cờ đỏ sao vàng, tô xanh thêm sự sống bất diệt của nhân dân, sự trường tồn của quê hương đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, những bài thơ hay như: Hãy nhớ lấy lời tôi của Tố Hữu, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân có thể coi là “những kỳ đài bằng thơ” về đức hy sinh cao cả của người anh hùng (có tên và không có tên) trong chiến tranh. Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (người đã dũng cảm nhận nhiệm vụ tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac-na-ma-ra khi vị tướng này đến thị sát chiến trường miền Nam Việt Nam, năm 1964) đã đi vào thơ Tố Hữu như một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra”. Có cả một phong trào học tập tấm gương yêu nước của người thợ điện Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi. Nhà văn Trần Đình Vân đã kịp thời viết tác phẩm Sống như Anh (truyện ký), số lượng in lên tới hàng vạn bản, phát hành khắp cả nước. Văn chương có sức mạnh vô hình, vô song chính là thế. Ngày đó, một  học sinh giỏi văn ở Nam Định đã viết bài thơ ngắn (4 câu) về tấm gương anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi: “Ly rượu ngọt kề môi chưa biết vị/ Đêm tân hôn nằm nghĩ kế chôn mìn/ Vẫn bàn tay xách nước cho Quyên/ Tháo nhẫn cưới đổi đầu thù chẳng tiếc” (Chị Phan Thị Quyên là vợ của anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, thường ngày anh vẫn xách nước cho chị Quyên dùng). Nhà thơ Lê Anh Xuân trong chiến dịch Mậu Thân (1968) đã đi theo một cánh quân đánh vào trung tâm thành phố Sài Gòn. Câu chuyện về một chiến sĩ Giải phóng quân hy sinh anh dũng trên đường băng sân bay Tân Sơn Nhất đã gợi tứ thơ cho sự ra đời và phổ biến bài thơ nổi tiếng Dáng đứng Việt Nam (1968): “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tỳ súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Đó là một tư thế hy sinh đẹp đẽ - cả cái chết cũng biến thành vũ khí tiến công kẻ thù. Bài thơ khái quát hóa nghệ thuật sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ Giải phóng quân: “Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Sự thật là khi chiến sĩ Giải phóng quân hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất, trong người anh không có địa chỉ đơn vị hay thông tin cá nhân. Từ chi tiết này nhà thơ đã khái quát: “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước  lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân”.

Người Việt Nam có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, “ôn cố tri tân”. Văn chương/ thơ ca có sức mạnh kỳ diệu trong việc lưu giữ ký ức lương thiện và giúp hoàn thiện nhân cách thế hệ trẻ tương lai của đất nước.

Bùi Việt Thắng