''Đòn bẩy'' cho công nghiệp văn hoá Thủ đô phát triển ở từng địa phương
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:38, 12/07/2021
Những năm qua, Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, phát triển CNVH tại Hà Nội còn có nhiều khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên là bởi nhiều công dân Thủ đô vẫn chưa biết, hiểu về thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Theo khảo sát của Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh trên mạng Facebook với 471 người cho thấy 67,9% chưa biết rằng Hà Nội đã được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”.
Không gian văn hoá phố đi bộ Phùng Hưng (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Lại Tấn.
Để định hướng, giải quyết những khó khăn trong việc phát triển CNVH, đầu tháng 7, TP Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”. Tại buổi toạ đàm, các đại biểu – đại diện quận, huyện, ban, ngành TP đã đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, chỉ ra những vấn đề thực tiễn cần điều chỉnh trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa của các ngành, địa phương, đơn vị góp phần thúc đẩy CNVH trên địa bàn Thủ đô.
Với vị trí trung tâm, quận Hoàn Kiếm có nhiều lợi thế trong phát triển CNVH, tuy nhiên, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay: Hà Nội có lợi thế rất lớn về văn hoá so với các địa phương. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ, nhiều sản phẩm sáng tạo do người Thủ đô nhưng hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển, thiết kế mẫu mã chưa mang tính ứng dụng cao, việc quảng bá sản phẩm còn manh mún, hầu hết do các nghệ nhân tự thực hiện. Vì vậy, để phát triển CNVH, Hà Nội cần làm rõ lĩnh vực nào phải được ưu tiên quan tâm đầu tư. Hiện nay, sự hỗ trợ cho phát triển văn hoá chưa nhiều, những người làm nghệ thuật đang hoạt động khá độc lập. “Chúng ta cần quan tâm đến các nghệ nhân, nghệ sĩ, đến sản phẩm văn hoá, tạo ra môi trường văn hoá chất lượng để họ có thể quảng bá sản phẩm của mình. Ví dụ như hiện nay, Hà Nội có một số phòng tranh tổ chức đấu giá các tác phẩm mỹ thuật, đây là nơi chúng ta tăng nguồn thu đồng thời cũng kiểm soát chất lượng nghệ thuật” - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ.
Hình thành chuỗi liên kết sáng tạo
Dù là CNVH hay bất cứ ngành công nghiệp nào, sau khi xây dựng sản phẩm thì phải có thị trường tiêu thụ, thụ hưởng các sản phẩm này. Tuy nhiên, theo đánh giá của các quận, huyện, thị trường tiêu thụ hiện nay vẫn còn manh mún. Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai cho biết: Các di sản, các di tích, các thiết chế văn hóa trên địa bàn như làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hiện đang thiếu liên kết, chưa thể tạo thành một chuỗi các sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch. Để có thể hình thành chuỗi liên kết, bên cạnh việc sáng tạo các sản phẩm, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho rằng: Vấn đề thu hút đầu tư cho con người – chủ thể sáng tạo cũng như hưởng thụ sản phẩm sáng tạo cần được đặc biệt quan tâm, từ cơ chế, chính sách hỗ trợ con người đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ.
Nhà hát kịch Hà Nội sáng tạo trong việc sử dụng sân khấu quay khi biểu diễn (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Lại Tấn.
Đồng tình với quan điểm trên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên nhấn mạnh: Yếu tố quyết định trong xây dựng CHVH là con người và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phải có sự tham gia của DN, trong bối cảnh các sản phẩm CNVH hóa tại Thủ đô phần nhiều được đầu tư từ Nhà nước chứ ít khi xuất phát từ khu vực tư nhân. Ông Lê Trung Kiên nhận định: “Chỉ khi không bận tâm đến những vấn đề khác thì người làm nghệ thuật mới có thể thực sự sáng tạo và tâm huyết. Nếu không kết nối được những nhà đầu tư, DN với người làm nghệ thuật thì không tận dụng hết được nguồn nhân lực này, CNVH không thể phát triển”.