Quản lý vận tải hành khách bằng ô tô: Phải bịt lỗ hổng phòng dịch
Tin tức - Ngày đăng : 08:18, 14/07/2021
Các chuyên gia cho rằng, vẫn có lỗ hổng trong quản lý vận tải hành khách bằng ô tô để các đối tượng lợi dụng vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các tỉnh, thành.
Xe khách chạy “chui” chở người mắc Covid-19Trong đợt bùng phát mới nhất của dịch bệnh Covid-19, TP Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ người nhiễm lớn nhất. Số trường hợp mắc Covid-19 tại địa phương này vẫn tăng lên hàng ngày. Trong bối cảnh đó, việc hạn chế di chuyển từ TP Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch đến những tỉnh, TP khác được coi là giải pháp cấp bách và hữu hiệu nhằm hạn chế sự lây lan Covid-19.Vận tải hành khách bằng ô tô là một trong những loại hình áp dụng giải pháp này sớm và quyết liệt nhất. Tuy nhiên, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát vẫn có không ít trường hợp chủ xe khách cố tình chạy “chui”, chở khách từ vùng dịch đi các địa phương khác khiến dư luận không khỏi lo lắng. Đơn cử như trường hợp xe khách Trung Đức chở “chui” khách từ TP Hồ Chí Minh về TP Hải Phòng vào cuối tháng 6/2021 vừa qua.
Theo thông tin từ Sở GTVT Hải Phòng, từ ngày 31/5, UBND TP Hải Phòng yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định từ Hải Phòng đi và về TP Hồ Chí Minh. Do vậy, Bến xe Vĩnh Bảo đã thông báo cho chủ các phương tiện biết, để dừng hoạt động.
Thế nhưng, xe khách mang BKS 15B - 036.84 của nhà xe Trung Đức vẫn thực hiện 4 lượt đi từ TP Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh, từ ngày 9 – 23/6, song không về Bến xe Vĩnh Bảo. Đến ngày 23/6, 3 lái xe, phụ xe của xe khách trên được phát hiện nhiễm Covid-19. Qua công tác truy vết, Hải Phòng đã ghi nhận 6 ca dương tính, Thái Bình cũng ghi nhận 7 bệnh nhân liên quan đến xe khách Đức Trung.
Sở GTVT Hải Phòng sau đó giao Phòng Quản lý vận tải thu hồi phù hiệu các phương tiện 15B - 029.89, 15B - 041.10, 15B - 036.84 của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đoàn Trung Đức và tăng cường giám sát, kiểm tra qua thiết bị giám sát hành trình để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm các phương tiện không chấp hành yêu cầu dừng hoạt động.
Cũng trong thời gian cuối tháng 6 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện xe khách Khang Phát cố tình vận chuyển hành khách từ TP Hồ Chí Minh về tỉnh Đắk Lắk. Đáng nói, trong số những hành khách mà nhà xe Khang Phát vận chuyển trái phép có trường hợp người bị nhiễm Covid-19. Thậm chí, sau khi chính quyền địa phương đến làm việc, nhà xe Khang Phát lại không hợp tác.Cách nào bịt lỗ hổng?Mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ từ Hà Nội đến 14 tỉnh, TP và ngược lại từ ngày 8/7, gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam.
UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải liên tỉnh bằng ô tô hoạt động trở lại nếu sau 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng hoặc đến khi có thông báo mới. Đây được coi là chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của TP Hà Nội để tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp.Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quản lý vận tải hành khách bằng ô tô vẫn có nhiều khe hở mà nếu chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ khó có thể bịt hết được. Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ GTVT, Sở GTGT, UBND các cấp... thì lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông phải tăng cường hơn nữa công tác nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, quyết liệt xử phạt vi phạm.
Chuyên gia này phân tích, một chiếc xe khách di chuyển trên đường, qua nhiều chốt kiểm soát của nhiều tỉnh, TP không phải điều đơn giản. Đơn cử, trường hợp xe khách Trung Đức, nhà xe này thực hiện trót lọt đến 4 chuyến từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh. Nếu không phải lực lượng chức năng các địa phương lơi lỏng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thì không thể có chuyện nhà xe này “tốc biến” qua hàng loạt trạm kiểm soát tới 4 lần như vậy.Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông đặt ra nhiều câu hỏi, hàng triệu thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) được lắp đặt trên các xe kinh doanh vận tải đang “làm gì” trong khi những chiếc xe khách trên “xé rào” “chạy “chui” xuyên từ vùng có dịch qua nhiều tỉnh, TP mà không bị phát hiện? “Những chiếc xe đó đã lắp hộp đen chưa? Nếu lắp rồi thì hộp đen có hoạt động không, cơ quan quản lý có nắm được không?
Theo chuyên gia giao thông này, chủ trương lắp đặt hộp đen đã được thực hiện từ lâu nhưng những trường hợp xe khách vi phạm mà không bị phát hiện trong thời gian qua xảy ra không ít. Điều này cho thấy hàng triệu hộp đen mà các chủ phương tiện tốn không ít tiền để lắp đặt đang vận hành không ổn.
“Ứng dụng công nghệ, thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý, giám sát giao thông, vận tải thời đại công nghệ 4.0 hiện nay là vô cùng cần thiết. Nhưng việc vận hành và ứng dụng công nghệ đó ra sao mới quan trọng, nếu làm không tốt thì vừa kém hiệu quả, vừa gây ra lãng phí lớn” – TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.
"Những xe chở khách “chui” từ vùng dịch có thể coi là cố tình vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng các địa phương siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát, những xe khách này khó có thể chở “chui” dễ dàng như thế. Cho nên, các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần phải siết chặt quản lý, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh để tạo sức răn đe." - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên |