Cần hỗ trợ kịp thời cho người lao động
Tin tức - Ngày đăng : 08:23, 21/07/2021
Đã có 12,8 triệu người bị ảnh hưởng việc làm bởi đại dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2021. Mặc dù làn sóng dịch Covid-19 lan rộng nhưng phần lớn các lao động chính thức trong các khu công nghiệp vẫn được các chủ sử dụng lao động duy trì hợp đồng.
12,8 triệu người bị ảnh hưởng việc làm
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng tới 5,64%, nằm trong số ít quốc gia tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covd-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021, đặc biệt tại các tỉnh, TP kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… và hiện vẫn diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh đã hội trong đó có vấn đề lao động, việc làm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch Covid-19 đã phần nào cải thiện tình hình lao động việc làm nhưng trong quý I/2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và số người trong độ tuổi từ 25 - 54 chiếm gần hai phần ba. Đến quý II/2021, thị trường lao động cả nước chưa có dấu hiệu khả quan, thậm chí còn có chiều hướng xấu hơn. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều tăng so với quý trước.
Do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, số người bị ảnh hưởng tiêu cực đã tăng thêm 3,7 triệu người làm cho tổng số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực lên tới 12,8 triệu người. Trong số đó có 557.000 người bị mất việc, tăng 17.000 người so với quý I; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, tăng 1,3 triệu người; 4,3 triệu người cho biết bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, tăng 1,2 triệu người và 8,5 triệu lao động báo cáo bị giảm thu nhập, tăng 2 triệu người.
Cả trong quý I và quý II/2021, lao động khu vực thành thị đều chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với lao động khu vực nông thôn. Trong quý I có 15,6% lao động thành thị bị ảnh hưởng, trong khi khu vực nông thôn là 10,4%. Đến quý II, cả số lao động thành thị và lao động nông thôn đều bị ảnh hưởng tăng, lần lượt là 21,9% và 14,3%.
Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh nhất trong dân số từ 15 tuổi trở lên. Trong quý I có tới 36,3% số người thất nghiệp bị ảnh hưởng và đến quý II tăng lên 48,1%. Cũng trong quý I, có 15,5% số người có việc làm trả lời bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và đến quý II, tăng lên tới 22,6.
Lao động có việc làm giảm còn gần 50 triệu người
Xét theo ba khu vực kinh tế thì khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch Covid-19 là nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động trong quý I cho biết chịu tác động tiêu cực của đại dịch và con số này tăng lên 8,9% trong quý II. Đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động khu vực này trong quý I trả lời bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và con số này tăng lên tới 24,6% trong quý II. Lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỷ lệ 20,4% trong quý I trả lời bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tăng lên tới 30,6% trong quý II.
Mặc dù làn sóng dịch Covid-19 lan rộng nhưng ảnh hưởng đến các khu công nghiệp, khu chế xuất không giống nhau và các biện pháp phòng, chống dịch của các khu công nghiệp cũng khác nhau. Phần lớn các lao động chính thức trong các khu công nghiệp vẫn được các chủ sử dụng lao động duy trì hợp đồng. Điều này đã làm cho lực lượng lao động quý II/2021 không bị giảm đi so với quý I mà thậm chí còn tăng lên chút ít (44.700 người). Lực lượng lao động quý II/2021 cao hơn quý II/2020 tới 1,7 triệu người (51,1 triệu người quý II năm 2021 so với 49,4 triệu người quý II năm 2020).
Sự bùng phát trở lại của đại dịch đã làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trước đó. Lao động có việc làm giảm chỉ còn 49,9 triệu trong quý I năm 2021 và cũng xấp xỉ con số này trong quý II (giảm 65.000 người so với quý I).
Dịch Covid-19 bùng phát đã làm gia tăng số người có việc làm phi chính thức trong nền kinh tế. Trong quý I/2021, số người có việc làm phi chính thức là 20,7 triệu, giảm 251.700 người so với quý IV/2020 và tăng 1,4 triệu so với quý I/2020. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I/2021 là 57,1%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với quý trước. Đến quý II/2021, số người có việc làm phi chính thức đã tăng lên 20,9 triệu người. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II/2021 là 57,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý I. Theo Tổng cục Thống kê, quý II/2021 là quý có tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây và những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã không chỉ tước đi cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động mà còn đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức.
Tình hình lao động việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của thị trường lao động Việt Nam thời gian qua. Đó là những thách thức đối với những nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành “mục tiêu kép”: Vừa chiến thắng đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Để thực hiện mục tiêu kép này, rất cần triển khai nhanh Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ – TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, ưu tiên chú trọng đến các chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, cần sớm hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội (người buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức,…) vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi việc thực hiện giãn cách xã hội để giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt xã hội.