Những tiếng rao ngày hè

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:16, 22/07/2021

Thơ thẩn đầu ngõ hướng về cuối con đường bê tông loáng nắng hè gặp ông bạn thuở chăn trâu cắt cỏ đang ngẩn người theo tiếng rao “đồng nát bán đi” ngày một xa dần. “Nhớ ngày xưa còn “Ruộm... ruộm...”, “Kem... kem...” ông nhỉ, giờ chẳng còn nữa. Cả rặng tre rời rợi bên đường nơi thường chơi đánh khăng, chơi quay cũng đã biến mất cùng những tiếng rao ngày hè ấy phải không ông?”...
Những tiếng rao ngày hè
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Vài câu trò chuyện của ông bạn làm tôi nhớ những ngày hè thuở còn bé thơ. Trẻ con ngày ấy nào chỉ toàn được chơi như bây giờ, chúng tôi còn phụ việc nhà để bố mẹ theo hợp tác xã thu hoạch ngô, thóc vụ chiêm. Cho nên đông vui nhất là sau bữa cơm trưa. Con đường tre xòa bóng xanh mát rợi che kín khoảng đất trống cho mấy cậu choai chơi quay, đánh đáo, còn đám con gái chơi chuyền, ô ăn quan ở góc vườn...

Hôm ấy, mẹ có hứa sẽ nhuộm lại cho hai chị em cái áo màu xanh lam đã bạc nên chị em tôi chơi mà mắt cứ hướng về phía đầu đường, nơi bác thợ nhuộm thường vượt qua cánh đồng vào làng với đòn gánh trên vai lủng lẳng bên thùng gỗ, bên cái nồi đồng to. Kia rồi. Bác chưa kịp rao “Ruộm!... Ruộm!” thì tôi đã nhào đến kéo bác vào nhà. Bác múc thuốc nhuộm hòa vào nồi nước mưa. Rút ôm rơm to, tôi châm lửa giúp bác đun sôi, bỏ áo vào rồi dùng đũa cả nhấc lên thả xuống vài lần. Áo ngâm sôi chừng 15 phút là xong. Được cái áo mới ruộm tinh tươm, chúng tôi vui mừng nên chẳng còn nhớ chơi tiếp.

Mang niềm vui đến cùng những tiếng rao, ngoài bác hàng nhuộm còn có bà đồng nát. Sáng dặn mẹ gọi dậy sớm, tôi lăm lăm cây sào tre chọc những cái mo nang còn mắc trên cao. Ngày qua ngày, đống mo nang được ép phẳng phiu dưới thớt cối đá xay ngô, xếp lại 10 cái/bó, đếm đi đếm lại cẩn thận đã được 12 bó mà bà đồng nát chưa đến. Trưa hôm qua thèm que kẹo mút của chị “tóc rối đổi kẹo” quá, đã muốn đổi một bó nhưng chợt nghĩ đến quyển vở chính tả sắp viết hết, rồi chẳng mấy lại đến kỳ đóng học phí của mấy chị em, nên ngập ngừng rồi thôi. Còn mớ tóc rối nhỏ nhoi của mẹ giắt giữa hai lớp lá cọ trên mái chái nhà là để dành riêng cho em gái 2 tuổi thi thoảng được đổi kẹo, không anh chị nào dám ngó nghiêng.

Một ngày trời nắng rất sớm. Ăn xong bát cháo đậu mẹ để trên mâm gỗ mộc, chị đi rửa bát và để ý trông em, còn hai anh em tãi rơm, khiêng mấy nong thóc ra phơi. Gánh thóc xếp vào sân kho, mẹ chạy về nhà mở kim băng gài túi áo lấy ra dăm con cua, mấy con ốc nhồi bỏ vào vại sành và đôi ếch hoa buộc rơm ngang lưng treo lên cột hiên nhà rồi đi cắt lượt nữa. Thế là bữa trưa hôm ấy được cải thiện với nồi canh cua đồng béo ngậy và thịt ếch rang muối.

Hai chị em vừa “chạy nắng” cho mấy nong thóc thì có tiếng kèn hơi “toe, toe” của chú bán kem ở ngay đầu ngõ, hai đứa nhìn ra rồi vội ngoảnh đi như không hề nghe thấy. Ấy mà vui sao khi vừa lúc tiếng mẹ ở hiên nhà mà cứ như từ trên giời vọng xuống: “Mẹ đãi 4 chị em mỗi đứa hẳn một que!”. Thì ra, bố đi dân công 10 ngày được chia mấy cân gạo và mấy cân khoai lang. Gạo thì để ăn còn khoai lang mẹ bán đi vì nhà vẫn còn nhiều. “Hôm nay mấy chị em vất vả nên mẹ thưởng”. Hớn hở cầm que kem ríu rít quanh mẹ rồi lần lượt từng đứa mời mẹ cùng giải nhiệt, miếng kem ngon nhớ đến tận bây giờ.

Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng từng đoạn đường làng, mỗi rặng tre, góc vườn hay gương mặt bạn bè thời bé thơ vẫn hiển hiện trước mắt cùng những tiếng rao văng vẳng bên tai. Nhìn xuống vạt áo xanh lam đang mặc lại nhớ về cái áo ruộm ngày nào. Vị ngọt ngào que kem trưa hè ngày ấy còn mãi ngấm đậm trong ký ức chúng con đấy mẹ ơi...

HNMCT