"Nỗi lòng" của người chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 14:25, 29/07/2021

“Nỗi lòng” là tên một bài hát của Đại úy Dương Mạnh Hà - Phó Đội trưởng đội Ca của Đoàn Văn công Quân khu I. Lời bài hát nói về nỗi lòng của những người chiến sĩ tham gia nơi tuyến đầu chống dịch không thể về thăm gia đình vợ con bởi một quyết tâm…

Đại úy Dương Mạnh Hà

Đến với tuyến đầu Bắc Giang

Là một người con của vùng đất giàu truyền thống cách mạng Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội, nhưng lại sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên trong một gia đình có bố, mẹ, chị gái và anh trai đều là bộ đội, bản lĩnh kiên cường của Đại úy Dương Mạnh Hà đã được hình thành từ cái nôi truyền thống đó… 


Từ những chuyến đi đến mọi miền Tổ quốc, là nơi địa đầu Hà Giang hay tận quần đảo Trường Sa xa xôi, anh đều được gặp nhiều anh em chiến sĩ xa gia đình, vợ con với lòng quyết tâm, sự nỗ lực cao độ, tinh thần làm việc hết mình, không quản ngày đêm để tiếp thêm động lực, niềm tin cho chính quyền và nhân dân vùng dịch, góp phần sớm đẩy lùi dịch Covid-19 nguy hiểm… Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này, được sự nhất trí và điều động của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 1, Đại úy Dương Mạnh Hà cùng đoàn Văn công Quân khu 1 đã xuống Bắc Giang là điểm nóng của dịch Covid-19, trực tiếp vào Sư đoàn 3 là Sư đoàn chủ lực của Quân khu 1 đồng hành với những người chiến sĩ nơi đây tham gia vào cuộc chiến chống dịch. Để rồi, anh được tận mắt chứng kiến người dân Bắc Giang oằn mình chống lại dịch bệnh giữa cái nắng chói chang 39 - 40oC; chứng kiến hình ảnh hơn một nghìn chiến sĩ Sư đoàn 3 viết đơn tình nguyện xin vào vùng dịch Bắc Giang để cùng nhân dân chống dịch. Anh đã  cùng các chiến sĩ Sư đoàn 3 mỗi ngày nấu 5 - 7 nghìn suất cơm phục vụ cho bà con Bắc Giang đang phải cách ly… 

Chiến tranh đã đi qua, chiến trường không còn những hy sinh mất mát đau thương do bom đạn, nhưng cuộc chiến trong thời bình cũng không kém phần gian lao vất vả. Dịch Covid-19 xuất hiện khiến cho bao gia đình phải xa cách, mẹ xa con, vợ xa chồng, thậm chí những đứa trẻ mới mấy tháng tuổi đã phải vào vùng cách li… Những hình ảnh này được đưa tin qua báo đài, ti vi cũng khiến bao người xót xa. Vậy mà, các bác sĩ, y tá, hay những người chiến sĩ trực tiếp đi vào tâm dịch như Đại úy Dương Mạnh Hà thì càng khiến họ xót xa đến nhường nào! Những nỗi buồn, những mất mát ấy đã được người chiến sĩ Dương Mạnh Hà ghi nhận lại bằng cả trái tim và trí óc… Từ đó, những thước phim tư liệu cảm động ở vùng dịch Bắc Giang được anh cùng đồng đội quay lại vô cùng cảm động và mang ý nghĩa lớn lao về tình đồng chí, đồng bào Tổ quốc. Cũng từ những hình ảnh đó mà lời bài hát “Nỗi lòng” đã bắt đầu được hình thành…

“Nỗi lòng” của người chiến sĩ trên tuyến đầu 

Là một người lính, Đại úy Dương Mạnh Hà rất hiểu nỗi lòng của các chiến sĩ, đồng đội của mình ở tuyến đầu chống dịch, mặc dù sống trong hòa bình nhưng dịch Covid -19 đã khiến cho các anh phải xa quê, xa gia đình (có người đi đến 5 tháng, thậm chí lâu hơn) để giúp đồng bào đẩy lùi dịch bệnh. Bằng cảm xúc từ trái tim mình, Đại úy Hà đã phổ nhạc trên nền của bài thơ “Nếu không về” của tác giả Vũ Quốc Tuấn. Tuy rằng, không phải là nhạc sĩ nhưng những lời ca vừa chân thực vừa ngọt ngào được cất lên trong bài hát đã chạm đến cảm xúc, trái tim của nhiều người. Đại úy Dương Mạnh Hà mong muốn thông qua bài hát này để nói lên sự đồng cảm, tấm lòng yêu thương đồng bào của các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, gửi lời động viên những người vợ, người mẹ hiểu và thông cảm cho những người lính bộ đội cụ Hồ, những bác sĩ, y tá… phải đi xa làm nhiệm vụ cao cả giúp nhân dân.


Đại úy Dương Mạnh Hà chụp ảnh cùng các chiến sĩ trong một chuyến công
tác tại quần đảo Trường Sa

“Nếu anh không về trong buổi chiều nay” thì em cũng hãy thông cảm cho anh, “hãy đón con và động viên cha mẹ” bởi “Tổ quốc cần anh”. Rằng:  “Ai cũng mong cho đất nước mỗi ngày, không còn tin người nhiễm ca mới…”,  anh hứa với em khi nào hết dịch anh sẽ trở về… Nỗi lòng của “anh” cũng chính là nỗi lòng chung của những chiến sĩ, bác sĩ, y tá nơi tuyến đầu chống dịch. Có thể nói, lời ca “Nỗi lòng” giản dị, dễ nhớ dễ thuộc, dễ đi vào lòng người bởi trong đó chứa đựng tấm lòng yêu thương, cảm thông vô bờ bến, những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm. 

Nói về Đại úy Dương Mạnh Hà, Thượng tá Dương Thị Kim Ngân - NSƯT, Trưởng đoàn Văn công Quân khu 1 cho hay: “Đồng chí Hà luôn là một người gương mẫu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong những vấn đề hướng dẫn, trau dồi kiến thức cho các bạn trong đội của mình rất nhiệt tình. Trong công tác chuyên môn, đồng chí Hà luôn là người chịu khó rèn luyện, nỗ lực về vấn đề tự học hỏi, rèn luyện bản thân để trau dồi chuyên môn của mình. Ngoài vai trò là một ca sĩ của đoàn, đồng chí Hà còn có năng khiếu về piano, đàn ghi ta, sáng tác… Với sự nỗ lực đó, đồng chí Hà cũng là một trong những diễn viên giữ vai trò quan trọng, góp phần tích cực phục vụ nhiệm vụ chung của đơn vị”. 

Với bài hát “Nỗi lòng”, Thượng tá Dương Thị Kim Ngân cho biết, chị rất cảm động khi lời ca bài hát được cất lên, mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua để các y bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch sẽ được về đoàn tụ với gia đình.

Những chiến sĩ bộ đội cụ Hồ dù trong hoàn cảnh nào, chiến đấu, lao động sản xuất hay trong phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, họ sẵn sàng xa gia đình, vợ con đi vào vùng dịch dù biết rằng có thể gặp nguy hiểm. Điều này đã làm sâu sắc hơn quan hệ gắn bó máu thịt quân - dân, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Xin cảm ơn lời ca được cất lên từ bài hát “Nỗi lòng” của Đại úy Dương Mạnh Hà, một chiến sĩ bộ đội cụ Hồ ưu tú, lời bài hát của anh đã chạm đến trái tim mọi người! 

Minh Hường