Đông Cứu - làng nghề thêu độc đáo
Tin tức - Ngày đăng : 09:04, 30/07/2021
Theo tư liệu lịch sử, nghề thêu ở Đông Cứu có vào khoảng thế kỷ XVII nhờ ông tổ nghề là tiến sĩ Lê Công Hành (1606 - 1661), người được phái đi sứ sang Trung Quốc và mang các bí quyết về dạy cho người dân vùng Ngũ Xã xưa. Riêng làng Đông Cứu được ông dạy cho nghề thêu trang phục cho vua quan trong triều đình và nghi môn, cờ phướn... cho các đình, chùa. Đặc biệt, người thợ Đông Cứu hầu hết đều không được đào tạo bài bản mà chỉ học nghề theo phương thức “cha truyền con nối”.
Nghề thêu ở Đông Cứu có nguồn gốc từ nghề bắt nét kim tuyến vô cùng độc đáo. Nghệ nhân thường sử dụng kỹ thuật này để thêu đường viền, giúp các họa tiết trở nên sắc sảo hơn. Kỹ thuật bắt nét kim tuyến đòi hỏi sự kỳ công, theo đó, người thợ sẽ đặt sợi kim tuyến trên mặt vải, theo đường mẫu có sẵn và chặn bằng sợi tơ. Sợi tơ được thêu lên, xuống và luôn vuông góc với sợi kim tuyến để cố định vị trí. Nếu không, nét thêu sẽ bị chệch khỏi đường in mẫu.
Cho đến nay, người Đông Cứu vẫn giữ gìn lối thêu xưa với nhiều quy tắc chặt chẽ mũi thêu phải theo một chiều nhất định, hướng rút kim, kéo chỉ dài bao nhiêu, đâm kim xuống thẳng hay nghiêng... Để học nghề, người tinh ý phải mất 3 - 5 tháng. Để trở thành thợ thêu giỏi phải mất 3 - 5 năm, và mỗi người thợ thường chỉ giỏi một số công đoạn hoặc kỹ thuật nhất định.
Những năm gần đây, nhiều gia đình ở Đông Cứu đã ứng dụng kỹ thuật thêu hiện đại để tăng năng suất, nhưng với những sản phẩm phục chế, người thợ buộc phải sử dụng kỹ thuật thêu tay truyền thống để khôi phục sản phẩm bị hỏng. Công việc này đòi hỏi tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm của các nghệ nhân. Bên cạnh việc phục hồi trang phục truyền thống, ngày nay, người dân Đông Cứu còn thêu và làm các sản phẩm phục vụ hoạt động tôn giáo hay nghi lễ hầu đồng như làm tàn, tán, lọng trang trí; thêu áo, mũ, khăn, hài, quạt... cho đội ngũ thanh đồng.
Nhờ vậy, mặc dù tồn tại qua nhiều thế kỷ và từng đứng trước nguy cơ mai một, nhưng nghề thêu Đông Cứu ngày nay vẫn phát triển mạnh mẽ. Năm 2017, nghề thêu truyền thống của làng Đông Cứu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.