Nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật thời 4.0
Góc nhìn - Ngày đăng : 18:14, 21/07/2022
Tuy nhiên, số lượng tác phẩm đỉnh cao tầm quốc gia, quốc tế làm rung động lòng người, “đi cùng năm tháng” chưa nhiều. Điều trăn trở lớn nhất là, làm gì và làm thế nào để “Nâng cao chất lượng sáng tác VHNT trong thời đại 4.0”, đang cần lời giải chính xác và thỏa đáng. Bài viết này, xin đề xuất 5 nhóm giải pháp, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa
Một là, đổi mới nâng cao hiệu quả các trại sáng tác VHNT
Mỗi năm, các hội chuyên ngành trung ương và 63 tỉnh thành tổ chức hàng trăm trại sáng tác (trực tiếp hoặc trực tuyến), thu hút hàng ngàn hội viên, sáng tác hàng vạn các tác phẩm. Chưa tính, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước tự đi sáng tác cả trong nước và quốc tế với hàng triệu tác phẩm. Nhờ các đợt sáng tác này, nhiều văn nghệ sĩ đã gặt hái một số giải thưởng khu vực, trong nước và quốc tế. Đây là niềm tự hào của giới văn nghệ sĩ và Nhân dân cả nước.
Để nâng cao thành tích, tạo bước đột phá, các Hội Trung ương và Hội địa phương cần tiếp tục đổi mới, năng động hơn nữa trong việc mở các trại sáng tác gắn với tiềm năng, thế mạnh từng tỉnh thành, ngành... Khích lệ hội viên tìm tòi sáng tạo để có tác phẩm hay hơn, độc đáo hơn, chất lượng hơn.
Muốn vậy, khâu đầu tiên là lựa chọn trại viên có đủ đam mê, năng lực sáng tạo và sức khỏe. Tiếp đến, là khâu lựa chọn đề tài, tổ chức sáng tác, nghiệm thu, tổng kết, khen thưởng, quảng bá tác phẩm sau bế mạc mỗi trại. Nên mở trại theo chuyên ngành riêng (văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian, điện ảnh, sân khấu, múa…) với không gian, thời gian, chỉ tiêu sáng tác phù hợp.
Có thể khẳng định rằng, chất lượng tác phẩm là thước đo, là nền tảng tạo nên “thương hiệu” văn nghệ sĩ và tổ chức hội. Có những văn nghệ sĩ cả đời sáng tác hàng trăm (thậm trí hàng ngàn) tác phẩm nhưng chẳng ai biết tên. Ngược lại, có những văn nghệ sĩ chỉ cần một tác phẩm đỉnh cao là cả nước và thế giới biết đến, như Truyện Kiều Nguyễn Du, Tiến quân ca của Văn Cao, Từ ấy của Tố Hữu, Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, bộ ảnh Nạn đói năm 1945 và Sa Pa trong sương của Võ An Ninh, “Phố” Phái...
Bên cạnh việc đầu tư đại trà, cần đầu tư trọng điểm cho các văn nghệ sĩ tài năng. Lấy chất lượng tác phẩm làm mục tiêu đầu tư, đây là khâu đột phá. Khuyến khích lực lượng sáng tác trẻ, sự tìm tòi, đổi mới, cách tân về nội dung và hình thức sáng tác. Thành quả các trại sáng tác cần được tuyên truyền, loan tỏa bằng nhiều hình thức, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam và quảng bá ra thế giới.
Hai là, tổ chức tốt các cuộc thi sáng tác VHNT
Đây là “sân chơi” bổ ích và lý thú của giới văn nghệ sĩ. Thông qua các cuộc thi (theo từng chuyên ngành), giải thưởng càng cao càng thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và công chúng tham gia, là cơ hội để văn nghệ sĩ thể hiện tài năng và khẳng định mình. Hàng chục năm qua, giới văn nghệ sĩ Việt Nam tích cực dự thi các giải khu vực, quốc gia và quốc tế, thu về hàng ngàn giải thưởng, huy chương các loại. Vấn đề mấu chốt là cần đổi mới hơn nữa khâu tổ chức, chọn ban giám khảo, phương thức chấm và trao giải.
Hằng năm (hoặc 2 năm, 5 năm 1 lần), nên duy trì các cuộc thi VHNT cấp tỉnh, bộ, ngành và toàn quốc. Kho tàng tác phẩm dự thi ấy là nguồn tư liệu phong phú để báo chí khai thác, đăng tải, quảng bá hình ảnh đẹp về đất nước - con người Việt Nam đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Thật lợi đủ đường!
Ba là, đẩy mạnh hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm VHNT
Đây là khâu yếu và hạn chế ở nhiều cấp hội. Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, lí luận phê bình VHNT… sáng tác nhiều không có tiền in sách, nếu xếp hàng được tài trợ in sách, đa phần bán không ai mua, chủ yếu biếu tặng. Tranh, tượng, ảnh nghệ thuật, đĩa DVD ca nhạc, phim, sân khấu… chủ yếu phục vụ triển lãm, liên hoan rồi đưa về kho lưu trữ, không có đầu ra. Việc đăng báo - tạp chí, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương và Trung ương còn hạn chế.
Tháo gỡ vấn đề này, cần làm đồng bộ, kiên trì, “tự cứu lấy mình” với phương thức “xã hội hóa” cao độ. Nghĩa là, cần liên kết “ba nhà” (Nhà nước, doanh nghiệp và văn nghệ sĩ). Hiểu theo khía cạnh kinh tế thì, văn nghệ sĩ cung ứng tác phẩm chất lượng cao để doanh nghiệp hoặc Nhà nước trả thù lao tương xứng (thực chất là mua tác phẩm).
Hằng năm, các hội nên thường xuyên tổ chức tốt các “ngày” (Thơ Việt Nam, Nhiếp ảnh Việt Nam, Âm nhạc Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam, Sân khấu Việt Nam…), các triển lãm ảnh, mỹ thuật cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc… là dịp để giới văn nghệ sĩ công bố, giao lưu với công chúng và du khách thập phương. Với các cơ quan báo chí nên ưu tiên công bố tác phẩm của giới văn nghệ sĩ.
Trong thời đại 4.0, các mạng xã hội Facebook, Zalo, Messenger, Youtube… là phương tiện “ngon, bổ, rẻ” miễn phí, lan tỏa nhanh rộng khắp, là xu thế thời đại. Mỗi văn nghệ sĩ nên sử dụng, làm chủ công nghệ, đăng tải những tác phẩm chất lượng tốt nhất khẳng định “thương hiệu” của mình và dễ dàng lan tỏa tác phẩm. Không nên dễ dãi đăng tác phẩm yếu kém về nội dung và nghệ thuật, hoặc bình luận nông cạn, cực đoan lên mạng xã hội. Bởi, mạng xã hội là hình ảnh, uy tín của chính văn nghệ sĩ với công chúng toàn thế giới.
Bốn là, tăng cường hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên trẻ
Một trong những đặc tính của văn nghệ sĩ là “văn mình, vợ người”, văn mình thì hay, vợ người thì đẹp… đây là cái nhìn chủ quan, phiến diện nên từ bỏ. Thực tiễn hàng chục năm qua chứng minh rằng, nếu cấp hội, chi hội tăng cường, làm tốt hội thảo, tập huấn chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, thì chất lượng sáng tác và hoạt động VHNT khởi sắc, ngược lại thì sa sút, yếu kém. Thông qua sinh hoạt tập thể, ngoài việc cảm thông, thắt chặt tình đoàn kết, đông đảo văn nghệ sĩ còn được chia sẻ, nâng cao nhận thức về sáng tác, cảm thụ, phê bình tác phẩm VHNT.
Vấn đề, đáng lo ngại hiện nay là tuổi đời bình quân của giới văn nghệ sĩ khá cao, hội viên là người dân tộc thiểu số còn ít. Do vậy, việc tạo nguồn, kết nạp hội viên trẻ (dưới 35 tuổi), người dân tộc thiểu số, những huyện, xã - phường quá ít hoặc chưa có hội viên là việc “cần làm ngay”.
Hàng năm, cần mở các lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ cũng như thành lập, kiện toàn, đầu tư cho các câu lạc bộ sáng tác trẻ cấp tỉnh và cấp huyện. Kịp thời, phát hiện những nhân tố trẻ, tài năng trẻ để ưu tiên bồi dưỡng kết nạp. Việc làm này, phải thường xuyên, liên tục, kiên trì. Chú trọng xây dựng đội ngũ lý luận phê bình VHNT có tâm - tầm - tài, đây là khâu yếu ở nhiều tỉnh thành và hội chuyên ngành trung ương.
Năm là, tiếp tục đổi mới toàn diện các báo và tạp chí văn nghệ
Là cơ quan sáng tác, nghiên cứu, phê bình VHNT, là diễn đàn văn nghệ của Nhân dân nên cần xây dựng “thương hiệu” mạnh và phát triển bền vững. Các báo và tạp chí nên xây dựng lộ trình, đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng báo in và báo điện tử giai đoạn 2022 - 2027 tầm nhìn đến 2035”.
Khâu đột phá là, đổi mới toàn diện hoạt động ban biên tập theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu quả cao. Tổ chức các cuộc thi sáng tác VHNT trên các báo và tạp chí văn nghệ hằng năm, là đòn bẩy khích lệ văn nghệ sĩ và cộng tác viên nâng cao chất lượng sáng tác. Phấn đấu, tăng lượng phát hành và thu hút quảng cáo. Tiếp tục cải tiến mạnh mẽ và nâng cấp báo chí điện tử hấp dẫn, hiện đại, chuyên nghiệp… nhằm quảng bá tác phẩm VHNT đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Góp phần “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.