Chấn chỉnh nghệ sĩ "lệch chuẩn": Bài 3 - Hãy giữ gìn cái danh trong sáng

Góc nhìn - Ngày đăng : 15:24, 22/07/2022

Những vấn đề về sự “lệch chuẩn” của nghệ sĩ không thể bị ngó lơ, bởi chúng sẽ đem đến những hệ lụy to lớn chèn ép lên những giá trị tốt đẹp mà biết bao lớp văn nghệ sĩ đi trước đã dày công gây dựng, chúng sẽ kéo tuột nền văn nghệ của nước nhà ra khỏi những chuẩn mực, những định hướng tốt đẹp ban đầu.
Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực văn học nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ sáng tác, làm phong phú và phát triển hơn nữa nền nghệ thuật của nước nhà. Qua thời gian xây dựng và lớn mạnh, đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, góp phần quan trọng vào việc định hướng, gìn giữ và tạo dựng những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, đồng thời họ có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tốt đẹp thì vẫn còn xuất hiện những biểu hiện tiêu cực - “lệch chuẩn” của một số nghệ sĩ gây ra nhiều bất cập. Những hạn chế này đặt ra nhiều vấn đề về tư cách nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, lối sống, đặc biệt là trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ với công chúng cũng như với công cuộc kiến tạo đời sống tinh thần lành mạnh của nước ta.

Những hành động “lệch chuẩn” đáng báo động của một bộ phận văn nghệ sĩ hiện nay có thể kể đến như: cố tình gây scandals để đánh bóng tên tuổi, có hành vi mấp mé ranh giới vi phạm pháp luật, cổ súy cho lối sống sa đọa, phát ngôn lệch chuẩn, lợi dụng danh tiếng để quảng cáo sản phẩm sai sự thật, lạm dụng mạng xã hội để phát ngôn bừa bãi,…

Các nghệ sĩ đi trước họ đã làm gì để giữ gìn chuẩn mực của mình? Họ cảm nhận như thế nào về thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay? Họ có lời khuyên gì? Và gửi gắm niềm hy vọng gì vào lớp trẻ?

Để biết được những tâm nguyện và những nỗi trăn trở đó, PV Arttimes.vn đã có cuộc gặp gỡ với NSƯT Đức Lưu – một diễn viên thế hệ đi trước luôn tâm huyết với nghề, đến nay tuổi đã ngoài 80 nhưng bà vẫn luôn mong muốn đem hết cái tâm, cái tình của người nghệ sĩ đi giúp dân, giúp đời.

Chấn chỉnh nghệ sĩ

NSƯT Đức Lưu – người diễn viên cách đây 40 năm, đã nhận được sự mến mộ, công nhận từ công chúng qua vai diễn Thị Nở trong bộ phim nổi tiếng “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa.

Nghệ sĩ là tinh hoa

NSƯT Đức Lưu cho rằng nghệ sĩ trước hết cũng là một con người, cũng có nguồn gốc, có gia đình và quê hương, tổ quốc, họ có tình cảm, họ có tình yêu và có năng khiếu nghệ thuật - điểm hơn những người dân bình thường là ở chỗ đó. Một người nghệ sĩ tốt là một người có được cả tài và đức, khi sở hữu được cả hai tố chất này người nghệ sĩ ấy sẽ để lại tiếng vang, tên tuổi và tác phẩm của họ sẽ đọng lại sâu sắc trong lòng của công chúng.

Thứ hai, nghệ sĩ phải là những người đi đầu, đi tiên phong trong việc thực hiện những tấm gương về cái tốt bởi họ là tầng lớp tinh hoa, được chắt lọc, được tuyển chọn từ nhân dân mà ra. Họ phải đem hết sức mình cống hiến cho công chúng những gì tinh túy nhất về cả tài năng lẫn đạo đức.

Nghệ sĩ còn phải là những người biết hy sinh, bà cho biết mình may mắn sống trong thời kỳ được Bác Hồ lãnh đạo, thời đó văn nghệ sĩ sống hết mình với những lời Bác căn dặn: dân no chứ mình chưa được no, phải nhường cơm sẻ áo,... Bà là một người lính văn công, vừa hoạt động nghệ thuật vừa làm bộ đội, khi thì biểu diễn những lúc cần vẫn có thể chiến đấu, vẫn phải đi ra chiến trường nên bà sớm được trải nghiệm, tích lũy được vốn kinh nghiệm phong phú.

Chấn chỉnh nghệ sĩ

NSƯT Đức Lưu (áo dài trắng) thời trẻ và đồng đội (Ảnh NVCC)

Nhờ việc gần gũi quần chúng, tham gia trực tiếp vào các công việc đoàn thể bà đã hóa thân tài tình vào nhân vật cô Mận trong phim “Cô gái công trường” và không thể không nhắc tới vai diễn thành công nhất của bà khi đảm nhận vai người đàn bà xấu nhất màn ảnh Việt – Thị Nở.

Thứ ba, theo bà đã là nghệ sĩ thì phải sống có văn hóa, bởi nghệ sĩ là những tấm gương phản chiếu về văn hóa, nghệ thuật, họ phải cư xử sao cho thanh lịch, phải vừa đẹp, vừa sang. Từ vẻ bề ngoài như cách nói năng, cách ăn mặc, đi đứng, cho đến những giá trị bên trong như đối nhân xử thế đều phải toát lên vẻ hòa nhã để cho mọi người còn noi theo.

"Vì sao mà người dân họ hay để ý, quan tâm, theo dõi, ngưỡng mộ nghệ sĩ vì nghệ sĩ là biểu tượng cho những gì tinh hoa, chân quý, là hiện thân của những chuẩn mực đáng được học tập", NSUT Đức Lưu khẳng định.

Được công chúng yêu là điều tự hào nhất của nghệ sĩ

NSƯT Đức Lưu chia sẻ, sau đóng xong vai Thị Nở, tại Hà Nội lúc đó có 7 rạp chiếu phim, mỗi lần xuất hiện sau những buổi chiếu bà vô cùng xúc động trước những tình cảm, hành động mà khán giả lúc đó dành cho mình: “Mọi người công kênh tôi lên, reo hò khi tôi đến”.

"Ngày xưa, khán giả từ những người già cho đến trẻ nhỏ đều rất quý trọng văn nghệ sĩ, họ yêu nghệ sĩ lắm, nhất là những người nghệ sĩ có được các tác phẩm mà nói lên được nỗi lòng của họ. Họ có cái gì họ cũng sẵn sàng chia sẻ cho nghệ sĩ, Đó là một niềm hạnh phúc không có gì mua được", bà chia sẻ.

“Tôi bước từ phim ra cuộc sống thường nhật, tôi được đón nhận và yêu mến, khán giả của tôi, những người yêu mến tôi, tưởng chừng họ không có gì trong tay cả như các bác chạy xích lô hay các chị bán hàng rong, họ vẫn đặt quà vào giỏ của tôi. Mớ rau, miếng thịt, con cá làm nên những tâm tình của họ, và để lại trong tôi những niềm hạnh phúc vô bờ bến, khi được đón nhận những tấm lòng ngưỡng mộ, được đáp trả bằng những tình cảm chân thành như thế”.

Chấn chỉnh nghệ sĩ

NSƯT Đức Lưu được xác lập kỷ lục "Người đóng vai Thị Nở đầu tiên trên màn ảnh Việt Nam"

Hãy giữ gìn cái danh trong sáng

Những người nghệ sĩ có lối sống “lệch chuẩn”, vi phạm phải những điều cấm kỵ giống như những cây nấm độc, nó phát triển đến một độ nào đó, nó sẽ gặm nhấm cái nền nghệ thuật, phá hỏng những giá trị mà biết bao người đã khổ công xây dựng.

Người nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng rất lớn, công chúng soi vào anh, vào cách anh làm việc, từng hành vi cử chỉ của anh, nếu anh được người ta yêu thì người ta càng quý trọng và càng khâm phục anh, nếu anh gặp phải sai lầm thì bị lên án là điều không thể tránh khỏi. Vậy nên, người nghệ sĩ ngoài tài năng ra thì phải có đạo đức, phải sống sao cho mẫu mực, phải hòa vào dân và phải tôn trọng dân.

Chấn chỉnh nghệ sĩ

NSƯT Đức Lưu: "Nghệ sĩ hãy giữ gìn cái danh trong sáng"

Người nghệ sĩ phải tu dưỡng, phải rèn luyện đạo đức, phải lao động, phải làm sao để cho xứng với cái danh, xứng với người hâm mộ. Khi lựa chọn trở thành một nghệ sĩ, trở thành một người của công chúng, những người làm nghệ thuật nên xác định mình phải trở nên mẫu mực, phải hết sức giữ gìn hình ảnh của mình điều này quan trọng và đi song song với việc rèn luyện năng lực nghệ thuật.

Nghệ sĩ nên đầu tư thời gian để phát triển năng khiếu nghệ thuật của mình, phải học, phải trải nghiệm cuộc sống thật nhiều, phải biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình, của đồng nghiệp để giữ lấy cái danh cao quý cho nghề nghiệp của mình.

Đã là người của công chúng thì phải có trách nhiệm với xã hội

Nêu cao tấm gương thực hiện trách nhiệm xã hội, NSƯT Đức Lưu cho biết: “Tôi còn sức khỏe, tôi muốn chọn công việc mà tôi cho rằng nó rất tuyệt vời là đi làm từ thiện”.

Chấn chỉnh nghệ sĩ

NSƯT Đức Lưu và cộng sự trong một chuyến đi từ thiện tại huyện Lục Yên, Yên Bái

Sinh năm 1939, là một người từng trải và chứng kiến bao thăng trầm, thay đổi của lịch sử dân tộc, bà luôn nghĩ đến những người đồng đội của mình, những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, để có thêm sức mạnh, thêm động lực để thực hiện một trách nhiệm cao cả, giúp người, giúp đời.

Là người trải qua biết bao cuộc chiến, bao phong ba bão táp, nếm trải những khắc nghiệt của lịch sử NSƯT Đức Lưu luôn tâm niệm phải sống thế nào cho xứng đáng với những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Bà khuyên nhủ và mong muốn thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay nên có trách nhiệm với tác phẩm của mình, với danh dự nghề nghiệp của mình và đã chọn là người của công chúng thì phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với xã hội.

arttime