Nhà văn Lê Hoài Nam: Đánh thức ký ức dậy mà viết!

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:59, 03/08/2021

Từ người lính rồi trở thành nhà văn, Lê Hoài Nam chia sẻ rằng chính những gì được chứng kiến về cuộc chiến đã thôi thúc ông nuôi khát vọng cầm bút sáng tác văn chương. Với ông, khi người viết thực sự có tâm huyết với những gì mình trải nghiệm trong chiến tranh, thì dù cuộc chiến đã lùi xa 30 hay 50 năm vẫn có thể đánh thức ký ức dậy mà viết...
Nhà văn Lê Hoài Nam: Đánh thức ký ức dậy mà viết!

Độ lùi tràn đầy cảm xúc

PV: Được biết trước khi viết văn, ông đã là một người lính đặc công xông pha trận mạc, khi mới ở tuổi 16?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Đúng thế. Ngày đó, chiến tranh rất ác liệt. Sau chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, chiến thắng vang dội, nhưng bộ đội ta hy sinh cũng nhiều. Để có quân bổ sung cho chiến trường, thanh niên miền Bắc cứ nặng khoảng 40 kg, cao khoảng 1,5 mét là có thể lên đường nhập ngũ. Trong các trường phổ thông khí thế xung phong ra trận ấy càng cao hơn. Bạn bè cùng học với tôi, có đứa trích ngón tay lấy máu mình viết đơn, có đứa khai tăng tuổi, có đứa bỏ đá vào túi quần cho đủ cân để được trúng tuyển. Mặc dù thời điểm ấy tôi đã có 2 anh trai đang chiến đấu ở chiến trường (một anh đã hy sinh), tôi được tiêu chuẩn đi du học nước ngoài nhưng vẫn viết đơn tình nguyện lên đường. Những năm tháng ấy, người Việt Nam nào có tinh thần yêu nước đều có thể hành động như thế. Nhập ngũ ngày hôm trước, hôm sau tôi được phiên chế vào c17, d6, f105 đặc công. Chúng tôi hành quân bộ lên miền đồi rừng Quế Võ, Bắc Ninh huấn luyện 6 tháng rồi bổ sung cho chiến trường.

PV: Có phải chính hiện thực chiến tranh khắc nghiệt đã thôi thúc ông nuôi khát vọng đến với văn chương? 

Nhà văn Lê Hoài Nam: Vào bộ đội, mặc dù điều kiện sống rất gian khổ, khẩn trương, kỷ luật nghiêm ngặt, nhưng tôi vẫn có cách để đọc sách văn học. Trong ba lô của tôi hầu như lúc nào cũng có vài ba cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn. Chỉ đến khi hành quân sâu vào tuyến trong, súng đạn được bổ sung nhiều hơn, đôi vai học trò không thể mang vác nặng hơn, tôi mới tặng sách lại cho bạn bè ở các trạm giao liên, trạm quân y. Không còn điều kiện để dùi mài kinh sử nữa, thay vào đó là những gì tôi chứng kiến về cuộc chiến đã thôi thúc tôi nuôi khát vọng cầm bút sáng tác văn chương.

PV: Trong suốt mấy chục năm qua, văn chương đã trở thành người bạn “tâm giao” để ông trao gửi những ký ức, những ngẫm suy của mình về chiến tranh, về hậu chiến như thế nào?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Tuy rất yêu văn chương, khao khát sáng tác văn chương, nhưng đường đi đến với thành công của tôi khá chật vật. Dù đã cầm bút viết văn một thời gian khá dài, nhưng gửi tác phẩm đến các tòa soạn thường chỉ nhận được sự im lặng hoặc một bức thư ngắn của biên tập viên viết mấy câu động viên, khích lệ quen thuộc. Phải đến năm 27 tuổi tôi mới được đăng truyện ngắn đầu tay trên báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ quân đội. Từ đó, những truyện ngắn, bút ký của tôi xuất hiện thường xuyên hơn. Đó là thời kỳ ứng với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, tôi có quyết định bổ sung về Quân chủng Hải quân. Chưa phải người viết chuyên nghiệp, lại phiên chế ở quân chủng thì nhiệm vụ của người lính phải được đặt lên cao nhất, tôi không thể không viết những gì có tính thời sự, nóng bỏng để động viên bộ đội, phục vụ kịp thời nhiệm vụ của quân chủng. Khi cuộc chiến đã tạm yên, tổ chức xem lý lịch thấy tôi chưa học đại học, họ đã tạo điều kiện cho tôi về Hà Nội ôn thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du (Khoa Viết văn, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Tốt nghiệp ra trường, tôi trở về quân chủng. Chưa viết được cái gì ra tấm ra miếng, thì một năm sau, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh xin với quân chủng cho tôi chuyển ngành về làm Phó Chủ tịch, kiêm Tổng biên tập tạp chí của Hội. Mười bảy năm làm quản lý một hội văn nghệ, chỉ là hàng tỉnh thôi, nhưng nó đã tiêu tốn của tôi không ít thời gian và trí lực. Thời gian tôi dành cho văn chương chủ yếu tập trung nghiên cứu, tích lũy hơn là sáng tác. Những tác phẩm tôi viết về chiến tranh hoặc liên quan đến chiến tranh thời kỳ này có những truyện dài như: Những đêm huyền ảo, Hành trình của người lính và một phần của tiểu thuyết Danh tiếng và bóng tối. Những tác phẩm ấy xuất bản rồi tôi mới nhận ra mình chưa thật hài lòng cho lắm, bởi tôi chưa đẩy đến tận cùng cái khốc liệt của chiến tranh như nó vốn có.

Nhà văn Lê Hoài Nam: Đánh thức ký ức dậy mà viết!
Những gì chứng kiến về cuộc chiến đã thôi thúc nhà văn Lê Hoài Nam nuôi khát vọng cầm bút sáng tác văn chương. Ảnh: MT

Chỉ đến khi tôi chuyển hẳn về Hà Nội (2009), không còn vướng bận công tác quản lý nữa tôi mới thực sự dành toàn tâm toàn ý cho sáng tác văn chương. Kho vốn sống thời chiến tranh chống Mỹ, kể cả cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, có điều kiện được khơi dậy để tôi viết hàng loạt truyện ngắn như: Thung lũng sỏi (Suối cạn), Chuyện rồi sẽ kể, Cuộc gặp muộn mằn, Hàng rào kẽm gai, Sói con, Tình yêu vỗ cánh, Xạ thủ, Cây hoa lạ ở góc vườn… Nhất là trong tiểu thuyết Hạc hồng (giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn lần thứ V, 2016 - 2019) cái phần viết về chiến tranh hầu như tôi đã “bê” nguyên xi cuốn nhật ký ghi chép những gì mình nếm trải vào đây. Như thế để thấy rằng, khi người viết thực sự có tâm huyết với những gì mình trải nghiệm trong chiến tranh,  thì dù cuộc chiến đã lùi xa 30 hay 50 năm vẫn có thể đánh thức ký ức dậy mà viết, thậm chí càng có độ lùi về thời gian viết càng hay, tràn đầy cảm xúc.

Hà Nội có sức hút đặc biệt!

PV: Đọc tác phẩm của ông, độc giả được bước vào những trang văn chứa đựng không ít sự khốc liệt và nỗi day dứt, đớn đau về chiến tranh, về người lính thời hậu chiến nhưng không bao giờ cay nghiệt, đay nghiến, bất mãn. Trái lại, ẩn sâu trong đó luôn là những tình đồng chí, tình quân dân ấm áp; những con người dù đến giờ còn phải chịu những nỗi đau của cuộc chiến song vẫn cất vang tiếng hát yêu chuộng hòa bình cùng trái tim giàu khát vọng, ước mơ không kém phần bay bổng. Vậy, để có thể “dung hòa” nhuần nhuyễn, tránh thiên lệch, khiên cưỡng, tránh bị rơi vào “tô hồng hiện thực” giữa hiện thực khốc liệt, bộn bề và lý tưởng sống cao đẹp hẳn rằng nhà văn mất nhiều dụng công?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Đánh thức ký ức dậy mà viết!
Gần đây, nhà văn Lê Hoài Nam còn viết tiểu thuyết lịch sử - mới nhất là cuốn “Cuộc đời xa khuất” vừa trình làng đã thu hút sự quan tâm của độc giả. Ảnh: MT 
Nhà văn Lê Hoài Nam: Trong cuộc đời cầm bút không phải nhà văn nào cũng giữ được tính khách quan và giữ được lòng mình thật trong sáng khi ngồi trước bàn viết. Hồi tôi còn làm quản lý văn nghệ ở dưới tỉnh, đôi khi vì cái ghế mình ngồi, cho dù chỉ là cái ghế của một “quan văn” hạng bét, nhưng có khi vẫn phải viết những điều không đáng viết, và trái lại, vẫn né tránh điều này điều nọ, mặc dù những điều né tránh ấy có khi làm nên sức nặng của tác phẩm. Nhưng từ khi về định cư ở Thủ đô đến nay tôi đã hoàn toàn thay đổi, trở về với chính mình: không bao giờ viết những gì mà tôi thấy không xứng đáng để đưa vào văn chương. Có những tác phẩm tôi viết với cảm hứng chủ đạo là ngợi ca nhưng không ai nói tôi “tô hồng”, như các truyện ngắn Tình yêu vỗ cánh, Cây hoa lạ ở góc vườn; càng không bao giờ né tránh những gì mà tôi cho rằng nó mang giá trị nhân bản, nó giúp bạn đọc sống tích cực hơn, cho dù nó rất khốc liệt, đớn đau. Đương nhiên, để cho mình có được một phong cách ấy là cả một quá trình học tập, tự tu dưỡng không ngừng nghỉ.

PV: Là người lính, nhà văn thành Nam nhưng ông lại dành khá nhiều trang viết với sự am hiểu dày dặn về đất và người Hà thành, nhất là với những người lính trở về từ trận chiến. Phải chăng Hà Nội và người lính Hà Nội có sức hút rất đặc biệt đối với ông?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Có một điều mà tôi chưa từng nói với ai rằng, nếu nói tôi có chút gốc gác Hà Nội thì cũng không sai. Các cụ tằng tổ của tôi đều là người Hà Nội. Đền thờ các cụ hiện nay vẫn còn ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Đôi khi mồng một ngày rằm tôi vẫn về đó thắp hương tưởng niệm. Thời thế thay đổi, cụ tổ của tôi được nhà vua phân công về khai khẩn vùng ven biển Nam Định, rồi chọn nơi ấy định cư. Con người sinh ra ở đâu thì quê hương ở đó. Nam Định là quê hương chôn nhau cắt rốn của tôi. Rất nhiều tác phẩm văn chương của tôi mang đậm hồn cốt, sắc thái đất và người Nam Định. Tuy thế, cứ mỗi khi nhớ và nghĩ về Hà Nội tôi không khỏi có những niềm xúc động, bâng khuâng, vì tâm niệm rằng tổ tiên mình từng sống ở đó. Chính vì điều ấy mà tôi thích nghiên cứu lịch sử. Càng nghiên cứu sâu tôi càng nhận thấy Hà Nội là một thành phố có bề dày về lịch sử, có tầm sâu văn hiến, tạo nên một phong cách riêng không thể lẫn với nơi nào. Tôi yêu Hà Nội còn một lẽ nữa: thời chiến tranh, trong quân ngũ, tôi có gặp và chơi thân với một số bạn bè, đồng đội là người Hà Nội. Một người lính tên là T, ở cùng tiểu đội với tôi. Anh này không được cán bộ đại đội coi là người lính tốt, bởi anh sống rất luộm thuộm, lại hay vặc lại cán bộ. Nhưng tôi lại nhìn thấy bên trong cái vẻ “xù xì” của anh là một con người có tri thức, có cốt cách phong nhã, hào hoa. Anh đọc khá nhiều sách văn học; đó là điều khiến tôi càng quý mến anh. Những cuốn tiểu thuyết lừng danh thế giới mang theo trong ba lô, anh đều cho tôi mượn. Chính những cuốn sách ấy càng thôi thúc tôi khát vọng sáng tác của tôi. Sau này tôi lấy hình tượng T để xây dựng nhân vật tiểu đội trưởng Quynh trong truyện ngắn Hàng rào kẽm gai. Một người bạn thứ hai là nữ bác sĩ H. H vừa cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học y khoa thì được bổ sung vào quân đội, phong quân hàm thiếu úy. Tôi là người đầu tiên được H thực nghiệm tay nghề. Lúc phẫu thuật cắt amidan cho tôi H bị run tay, hai bên amidan của tôi bị cắt sót, máu cứ ri rỉ chảy hàng tuần không khỏi. Ông bác sĩ trưởng phát hiện tặng H một cái án kỷ luật, ông cho phép H lựa chọn một trong hai hình thức, một: nhận mức cảnh cáo, hai: nhận quyết định đi chiến trường để “rèn luyện tay nghề”! Không một phút đắn đo, H viết đơn xung phong đi chiến trường. Cái ngày H đeo ba lô từ binh trạm xuống trạm phẫu sư đoàn, bị tốp thám báo địch phục kích bắt sống, ba tên thay nhau hãm hiếp gây nên cái chết của H rất thảm thương. Tôi đã lấy nguyên mẫu H để sáng tác truyện ngắn “Thung lũng sỏi”. Sau này, như cảm thấy hình tượng H chỉ có trong một truyện ngắn chưa đủ, tôi còn dùng một số tình tiết trong cuộc đời H để xây dựng nhân vật bác sĩ Hòa trong tiểu thuyết “Hạc hồng”. Chỉ khác với truyện ngắn ở chỗ trong tiểu thuyết tôi không “để” cho nhân vật này hy sinh. Ngoài hai tác phẩm ấy ra, còn một số tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tùy bút, tiểu luận nữa của tôi đều có bóng dáng người Hà Nội. Tôi cho rằng, dù một người sinh ra ở đâu, nhưng khi tụ về Hà Nội sinh sống mà biết trân quý, hiểu và yêu Hà Nội thì khắc sẽ được hòa nhập thành người Hà Nội không khó.

PV: Được biết, gần đây ông còn viết tiểu thuyết lịch sử và cũng gặt hái được không ít thành công. Khi đó, những trang văn viết về chiến tranh, về người lính, về hậu chiến liệu có bị “chểnh mảng”, lãng quên không, thưa ông? 

Nhà văn Lê Hoài Nam: Tôi rất không thích dạng nhà văn cứ viết lặp đi lặp lại một đề tài mà không phát hiện ra những gì mới mẻ hơn, nhất là lặp lại cốt truyện, kết cấu, dạng nhân vật, văn phong… thì càng tệ hại. Bởi thế khi tôi nhận thấy vốn liếng về chiến tranh trong tôi đã có chiều hướng vơi cạn, tôi chuyển sang viết đề tài lịch sử. Lần đầu viết loại đề tài khó này tôi rất thiếu tự tin. Tôi viết khoảng 10 truyện ngắn đăng báo, có tính chất thăm dò, thấy bạn đọc đón nhận không đến nỗi hờ hững, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết. Năm 2017 là cuốn tiểu thuyết Mỹ nhân nơi đồng cỏ và mới đây là tiểu thuyết Cuộc đời xa khuất. Và cũng thật mừng là cả hai cuốn tiểu thuyết này đều được bạn đọc hôm nay đón nhận cùng sự đồng thuận về cách kiến giải những góc khuất lịch sử của tác giả.

Nói như thế không có nghĩa là tôi không viết về chiến tranh nữa. Tôi hy vọng, với những gì mình tích lũy được từ những cuộc chiến, đến một ngày tôi sẽ nhìn nó ở một cấp độ cao hơn, mới mẻ hơn, huyền diệu hơn thì tôi sẽ viết. Bởi vì, không chỉ ở nước mình mà trên cả hành tinh, chiến tranh là một đề tài lớn. Bây giờ vẫn còn có nhà văn viết về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai kia mà.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn!

Miên Thảo