Những người giữ nếp nhà cổ ở Cốc Thôn

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 11:55, 07/08/2021

Làng cổ Cốc Thôn (xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) là cái tên khá lạ với nhiều người nhưng nó mang trong mình hồn cốt văn hóa lâu đời. Qua năm tháng, làng cổ này vẫn đang được các thế hệ nối tiếp nhau chung sức gìn giữ, bảo tồn...
Những người giữ nếp nhà cổ ở Cốc Thôn
Đan xen giữa mới và cũ, những ngôi nhà cổ ở Cốc Thôn luôn được người dân trân trọng, bảo tồn.

Cùng chúng tôi đi thăm những ngôi nhà cổ, men theo những bờ tường đá ong nhuốm màu thời gian vàng óng, cán bộ văn hóa xã Cam Thượng Quách Thị Hồng chia sẻ, hơn 20 năm qua, chị không nhớ đã dẫn bao nhiêu đoàn về thăm, khảo sát nhà cổ ở Cốc Thôn. Có cả những đoàn chuyên gia của Nhật Bản, ai đến cũng đều đánh giá những ngôi nhà cổ ở đây thuộc hàng hiếm trong vùng về độ tinh xảo của họa tiết, hoa văn, không gian, kiến trúc...

Đến nay, địa phương chưa có kinh phí hay chính sách hỗ trợ người dân trong việc bảo tồn những nếp nhà cổ, song, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các thế hệ ở đây nối tiếp nhau luôn chung sức gìn giữ. Dù chưa thực sự hoàn hảo, những người dân Cốc Thôn đã tìm được lối gìn giữ "của để dành" theo cách riêng.

Những người giữ nếp nhà cổ ở Cốc Thôn

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Liên ở xóm Đình Thôn, chủ nhân ngôi nhà cổ hơn 200 tuổi chỉ tay về ngôi nhà 2 tầng phía trước mặt tâm sự: "Đất không rộng, tôi vẫn phải cắt một phần sân vườn để xây ngôi nhà tầng kiên cố cho các con, các cháu ở. Ngôi nhà cổ này bốn mùa dễ chịu, đông ấm, hè mát nhưng để đáp ứng đời sống của 3 thế hệ, bảo đảm không gian sinh hoạt chung - riêng thì không dễ dàng".

Tuy không phải là phương án tối ưu cho việc bảo tồn, nhưng trong bối cảnh đời sống hiện nay, việc xây thêm nhà mới gần nhà cũ sẽ góp phần giúp việc gìn giữ những ngôi nhà cổ ở Cốc Thôn không đi vào ngõ cụt. "Vậy nên cả gia đình tôi quyết tâm dành dụm, xây ngôi nhà mới đối diện và giữ nguyên ngôi nhà cổ như một phần trong sinh hoạt của gia đình", ông Nguyễn Tiến Liên quả quyết.

Những người giữ nếp nhà cổ ở Cốc Thôn

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Bá Tạo cũng sở hữu ngôi nhà cổ đẹp nổi tiếng trong vùng. Chiếc cổng mới được gia đình xây lại khá đẹp, hài hòa với không gian kiến trúc ngôi nhà cổ với giàn hoa rực rỡ bên bờ tường đá ong khiến ai đi qua là cảm thấy sự bình yên của làng quê xứ Đoài ngưng đọng nơi đây.

Giống như nhiều gia đình khác, gia đình ông Tạo đã xây thêm một ngôi nhà 2 tầng khang trang, tiện nghi trong khuôn viên ngôi nhà cổ để tiện sinh hoạt nhưng nhà cổ vẫn là trung tâm, là hồn cốt để gia đình sum vầy.

Ngôi nhà cổ được làm theo kiến trúc truyền thống: 3 gian, 2 buồng, 1 dĩ, mái lợp ngói mũi, cửa gỗ kiểu bức bàn, các vì kèo được khéo léo kết hợp với nhau theo lối câu đầu lộn túi, nhà được đỡ bằng hệ thống cột 5 hàng chân, tường nhà xây bằng đá ong, vữa đất... Các họa tiết trên gỗ được chạm trổ hoa văn vô cùng tinh xảo. Trong nhà, đồ thờ tự như ban thờ, án gian, câu đối, hoành phi... vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.

Những người giữ nếp nhà cổ ở Cốc Thôn

Đi một vòng quanh Cốc Thôn, nơi đâu cũng dễ dàng gặp căn nhà 5 gian, 2 dĩ mái ngói rêu phong, người dân trong làng và ngay cả chủ nhân cũng khó tính năm tháng chính xác cho ngôi nhà cổ.

Chỉ biết, với vẻ đẹp, sự độc đáo của các thế hệ trước dành cho thế hệ sau luôn được trân trọng, bảo tồn như lời ông Nguyễn Bá Tạo: "Chúng tôi chỉ mong con cái làm ăn phát đạt, có của ăn của để, có chốn có nơi và trở về nhà cổ như về nơi đoàn tụ rồi hợp sức sửa chữa, gìn giữ như tổ tiên, ông cha đã làm. May mắn là, hầu hết con cháu của Cốc Thôn đều chung tâm niệm nên việc gìn giữ, bảo tồn ngôi nhà cổ không quá khó khăn".

Những người giữ nếp nhà cổ ở Cốc Thôn
Những ngôi nhà cổ ở Cốc Thôn lặng lẽ đi cùng năm tháng, luôn được các chủ nhân trân trọng, bảo tồn, gìn giữ. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát).

Chủ tịch UBND xã Cam Thượng Quách Văn Phong chia sẻ, theo lời các bậc cao niên trong làng thì nhiều ngôi nhà cổ ở Cốc Thôn đã hơn 200 tuổi. Nhà cổ Cốc Thôn chủ yếu được xây bằng đá ong, gỗ được chọn từ những cây tốt nhất của núi rừng Ba Vì. Đã có giai đoạn, vì lý do khác nhau, nhiều ngôi nhà cổ to đẹp có tiếng bị tháo dỡ, di chuyển, chuyển công năng. Đến nay, qua nhiều năm tuyên truyền, vận động, người dân nhận thức được giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử của những ngôi nhà cổ nên ra sức giữ gìn và tìm cách bảo tồn.

"Bởi vậy, dù cuộc sống mưu sinh vất vả đến đâu thì hầu hết người dân nơi đây cũng không bán đất, không bán nhà hay phá nhà cổ, xây nhà mới. Gia đình nào cũng có sự tính toán phù hợp để giữ lại tối đa giá trị, không gian của ngôi nhà cổ. Dân ở Cốc Thôn không giàu, nhưng tình cảm nồng ấm và luôn trân trọng những nét đẹp văn hóa xứ Đoài", ông Phong tự hào nói.

NSHN