Đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo tính minh bạch là những gì mà doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này
Tin tức - Ngày đăng : 15:57, 08/08/2021
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Dướisự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương đã thảo luận, bàn bạc về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Có 08 nhóm vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đốimặt
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chúng ta đang ở thời điểm hết sức khó khăn, khi mà cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang hàng ngày phải đối mặt với những diễn biến phức tạp do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ tư.
Thông qua các kênh trao đổi thông tin trực tiếp và gián tiếp với cộng động doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận diện và tổng hợp có 8 nhóm vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện hiện nay.
Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70-80%.
Thứ hai, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Trong đó, ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn ảnh hưởng nặng nề đặc biệt từ tháng 4 năm 2021 trở lại đây, doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Thứ ba, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng caodẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất.
Thứ tư, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ.
Thứ năm, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý…
Thứ sáu, khó khăn về lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động.
Thứ bảy, khó khăn về chuyên gia. Các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh, đặc biệt đối với những tập đoàn lớn vào Việt Nam nghiên cứu, quyết định dự án quy mô lớn và cấp mới/điều chỉnh giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.
Thứ tám, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước
“Điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc; tính công bằng, minh bạch và thái độ phục vụ sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ khác vào lúc này” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...
“Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt với phương châm “vướng đâu - khẩn trương xử lý đó” để giải quyết ngay các tình huống khẩn cấp phát sinh nhằm đảm bảo lưu thông hàng hoá được thông suốt, hiệu quả; ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, một số ngành nghề, lĩnh vực quan trọng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý; hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số”, ông nói.
Đề xuất 08 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn
Dự báo trong thời gian tới, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có chiều hướng phức tạp với nhiều biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đối với doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện 8 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.
Đối với nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất:
Một là, thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh
Hai là, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.
Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Thứ tư, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia
Đối với nhóm chính sách dài hạn, tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Bộ trưởng đề xuất 04 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế
Thứ hai, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.
Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số…
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
“Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.