Khoảng trống kịch bản viết về chiến tranh?

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 08:53, 09/08/2021

Khoảng trống kịch bản viết về chiến tranh?
Sân khấu hiện nay rất hiếm những vở diễn hay viết về đề tài chiến tranh. (trong ảnh: một cảnh trong vở chèo Điều còn lại của Nhà hát Chèo Hà Nội). Ảnh: HT
Có hay không một khoảng trống kịch bản viết về chiến tranh để sân khấu dàn dựng? Có thể, không ít người sẽ phản biện lại rằng, có đùa không đấy? Với một dân tộc phải đổ biết bao xương máu của các thế hệ cha anh để gìn giữ nền độc lập vững bền như dân tộc Việt Nam; với một đội ngũ biên kịch phần lớn là những người từng đi qua cuộc chiến thì đề tài chiến tranh luôn được khai thác, thế phải là ăm ắp chứ sao lại là khoảng trống?

Quả vậy, phản biện ấy không sai. Rõ ràng, tại mỗi trại sáng tác, kịch bản viết về đề tài chiến tranh thường có số lượng nổi trội. Vào mỗi mùa dựng vở, các đơn vị nghệ thuật cũng nhận được không ít kịch bản về đề tài này “ứng tuyển”. Nghĩa là, từ lịch sử dựng nước và giữ nước, từ thực tế trải nghiệm, đề tài chiến tranh vẫn thường xuyên được các biên kịch khai thác một cách triệt để.

Ấy thế nhưng thực tế lại cho thấy: vẫn còn đó khoảng trống! Bởi vì, ăm ắp, dồi dào là thế vậy mà vì sao sân khấu hôm nay vẫn thật ít ỏi những vở diễn hay về đề tài chiến tranh? Nếu điểm danh kỹ càng, công tâm từ đời sống sân khấu nước nhà trong mấy chục năm qua thì may chăng chỉ có thể điểm được vài vở diễn như vở cải lương Hà Nội gió mùa (Nhà hát Cải lương Việt Nam), vở chèo Điều còn lại (Nhà hát Chèo Hà Nội), vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn (Trung tâm Bảo tồn Di sản dân ca xứ Nghệ), vở kịch Lính trận và Bão tố Trường Sơn (Nhà hát Kịch Việt Nam)… Đây là những vở diễn được công diễn khá đều đặn trong những năm qua và có không ít vở làm lay động trái tim khán giả không chỉ bằng cách kể chuyện chân thực về cuộc chiến mà còn có thể neo lại trong lòng khán giả những ngẫm suy về biết bao số phận từ những người lính, những thanh niên xung phong ở tiền tuyến khói lửa đến những người mẹ, người chị, người vợ nơi hậu phương bao dung, nghĩa tình. 

Ở đây, nếu như xem Lính trận khán giả không khỏi thót tim trước những đòn tấn công kẻ thù đầy bất ngờ, gan dạ, quả cảm của lính đặc công thì xem Bão tố Trường Sơn sẽ là những trận cười nghiêng ngả trước cái chất lạc quan tếu của người lính giữa chiến trường gian khổ. Và sau những bề nổi ấy, lắng lại là tình đồng chí đồng đội keo sơn, nghĩa tình - sức mạnh giúp họ vượt qua gian khổ, hiểm nguy để góp sức vào thắng lợi của cuộc kháng chiến cứu nước; là nỗi ngóng trông bằn bặt tin tiền tuyến nơi hậu phương… Với vở chèo Điều còn lại hay vở cải lương Hà Nội gió mùa thì những trận đánh, những sinh hoạt nơi tiền tuyến không được khai thác trực diện mà là những câu chuyện hậu chiến dù chát đắng nhưng vẫn sáng những niềm tin. Trong vở chèo Điều còn lại là bi kịch của người vợ có chồng ra trận vì phút chốc nông nổi mà “khôn ba năm dại một giờ” với người lính hành quân qua làng. Dù bi kịch này gần như chiếm trọn thời lượng của vở diễn và khiến khán giả chẳng thể cầm được nước mắt, thế nhưng, họ đã không bị chìm trong cảm xúc bi thương, oán trách vì ở đó sáng lên những trái tim bao dung, nhân hậu như người mẹ, người chiến sĩ để tháo dần nút thắt. Vở cải lương Hà Nội gió mùa cũng đầy bi kịch nhưng sâu lắng một khát vọng hòa hợp thời hậu chiến. Cái chất Hà Nội với những tâm hồn Hà Nội được thấm đẫm trong từng nhân vật, cảnh sắc của vở diễn khiến người xem không khỏi rưng rưng. Và, tựu trung lại, điều làm nên thành công của mấy vở diễn này không chỉ vì đã lấy được nước mắt khán giả bằng những cảnh ngộ éo le thời chiến mà còn vì có những góc nhìn sâu sắc về nỗi đau chiến tranh và được lý giải một cách thấu đáo, thậm chí khá ám ảnh.

Vậy nhưng, số kịch bản viết về đề tài chiến tranh và được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng thành công trong mấy chục năm trở lại đây ngày một thưa vắng. Ở đây, xin được mở ngoặc thêm, vẫn có một số vở diễn về đề tài chiến tranh được các đơn vị nghệ thuật công diễn song phần nhiều là phục dựng lại những kịch bản nổi tiếng đã được viết cách đây mấy mươi năm như Lũy hoa, Những người ở lại (Nguyễn Huy Tưởng), Bạch đàn liễu, Ngôi nhà trong thành phố (Xuân Trình)…
Như vậy, kịch bản viết về chiến tranh đang để một khoảng trống rất lớn trong đời sống sân khấu hiện nay. Hàng năm, các đơn vị nghệ thuật vẫn luôn “khát” kịch bản hay về đề tài này - một đề tài nếu biết cách khai thác và có được những điểm nhìn mới, đặt ra những vấn đề thời sự, sâu sắc thì vẫn luôn hấp dẫn và dễ dàng chạm đếm cảm xúc khán giả ở mọi thời đại.
Thực ra, đây cũng là điểm yếu chung của sân khấu khi rất ít biên kịch không mặn mà với việc viết kịch bản văn học cho sân khấu - một công việc của “phu chữ” phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt cho từng trang viết, từng con chữ mà thù lao nhận về chẳng được là bao, có khi chỉ bằng một phần nhỏ so với viết kịch bản cho phim truyền hình, phim ngắn hay các chương trình, sự kiện… chỉ cần viết trong giây lát đã có thể sử dụng. Cùng với đó, giờ đây thật khó lòng tìm thấy một đội ngũ tác giả trẻ chuyên nghiệp, có bản lĩnh, dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những dự báo những nguy cơ. 

Vậy nên, để có thể lấp đầy khoảng trống đã tồn tại lâu nay này, câu chuyên đầu tiên cần các đơn vị quản lý bàn đến là câu chuyện đào tạo. Có thể là những lớp học cử tuyển được Nhà nước chi trả học phí, tất nhiên phải là sự chọn lựa chính xác được những cây viết có tiềm năng cử đi học với cam kết trở về phục vụ cho sân khấu. Cùng với đó, cũng rất cần chính sách đãi ngộ tăng thu nhập (thông qua quy định chi trả nhuận bút kịch bản giữa đơn vị sử dụng với biên kịch) cho những biên kịch tài năng để họ yên tâm sáng tạo. Đây là chính sách rất quan trọng vì khi đó những trang viết sẽ không bị chi phối bởi chuyện cơm áo gạo tiền hoặc bị thương mại hóa rồi trở thành ẩu, cẩu thả, kém chất lượng. Đây cũng là cách giúp sân khấu vượt qua khủng hoảng vắng khán giả bấy lâu nay. Vì khi có kịch bản hay, đưa ra được những vấn đề được xã hội quan tâm thì chắc chắn các rạp hát sẽ lại là điểm đến thường xuyên của công chúng.

Hoàng Quỳnh