Đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh
Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:49, 09/08/2021
Thực tế cho thấy, trong 05 năm vừa qua, số liệu vụ cháy, nổ liên quan hộ gia đình sinh sống, kết hợp sản xuất, kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ trên 20% (863 vụ/ tổng số 4.056 vụ). Đặc biệt, thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã liên tiếp xảy ra các vụ việc cháy, nổ tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình, vào hồi 13 giờ 27 phút, ngày 04/02/2021 đã xảy ra cháy tại nhà số 3 ngách 123/24 Khương Thượng, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là căn nhà cho thuê để ở, người thuê nhà đã kết hợp làm nơi chứa hàng hóa và kinh doanh bán hàng online. Khi xảy ra cháy đã khiến 04 người chết hết sức thương tâm.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chữa cháy tại nhà số 3 ngách 123/24 Khương Thượng, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Hiện trường vụ cháy tại số 9 ngõ 2 phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Để đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình nhà sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình theo đúng quy định của pháp luật, Công an quận Thanh Xuân kiến nghị chủ hộ gia đình và các cá nhân thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:
1. Trách nhiệm của chủ hộ gia đình:
- Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
- Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.
2. Trách nhiệm của mỗi cá nhân:
- Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;
- Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;
- Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;
- Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
- Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân của Luật phòng cháy và chữa cháy.
3. Điều kiện an toàn PCCC đối với hộ gia đình, hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh:
- Phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.
- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an
- Phải đảm bảo các yêu cầu về PCCC theo QCVN 06:2020/BXD về các điều kiện liên quan giao thông, khoảng cách PCCC, giải pháp thoát nạn; đặc biệt phải có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
- Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được hoặc Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh khác mà được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC như đối với cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.