Quy định đảm bảo, thời gian kiểm tra đợt cao điểm an toàn PCCC

Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 17:47, 10/08/2021

Thực hiện Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 27/5/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; căn cứ Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 28/5/2021 của UBND quận Thanh Xuân về thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Công an quận Thanh Xuân vừa có công văn khuyến cáo, tuyên truyền và phổ biến, một số Quy định về nội dung trên.
Cụ thể:

I. Trách nhiệm chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân

1. Trách nhiệm của chủ hộ gia đình:

- Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

- Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;

- Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

2. Trách nhiệm của mỗi cá nhân:

- Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;

- Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;

- Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;

- Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

- Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân của Luật phòng cháy và chữa cháy.

II. An toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ

1. Mỗi nhà ở riêng lẻ cần trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy ở mỗi tầng, phù hợp với quy mô, điều kiện gia đình. Bình chữa cháy phải được bố trí ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời xử lý sự cố cháy, nổ xảy ra. Khoảng cách di chuyển lớn nhất đến bình chữa cháy không quá 20 m.

2. Không bố trí, sử dụng bình xịt diệt côn trùng tại vị trí sử dụng ngọn lửa trần để đun nấu; khi phát hiện có mùi đặc trưng của khí gas (khí dầu mỏ hóa lỏng – LPG) phải giữ nguyên hiện trạng của hệ thống điện (không bật, tắt các công tắc thiết bị tiêu thụ điện vào thời điểm đó), không dùng ngọn lửa trần (bật lửa, diêm, đèn dầu, hương, nến…), sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên (mở cửa sổ, tránh làm phát sinh tia lửa) để thoát khí gas, phải khóa ngay van bình và báo cho đại lý cung cấp gần nhất. Không sử dụng các bình gas mini đã qua sử dụng, không sử dụng gas không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

3. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy. Hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã, đèn, nến, thắp hương, thờ cúng hay đun nấu phải có người trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

4. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Đường dây dẫn điện và các thiết bị điện hư hỏng phải được sửa chữa khắc phục ngay hoặc ngắt nguồn điện đến đường điện hoặc thiết bị không an toàn. Trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra, tắt nguồn điện tới các thiết bị tiêu thụ điện không sử dụng.

5. Đồ dùng sinh hoạt, thiết bị gia dụng, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, bảo đảm việc sơ tán người và tài sản nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy. Bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực…) ở nơi dễ thấy, dễ lấy để kịp thời mở cửa khi có sự cố cháy, nổ.

6. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải đảm bảo kín.

7. Khi sửa chữa, cải tạo nhà ở phải sử dụng thợ hàn đã được cấp chứng chỉ về hàn cắt và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy; quá trình thi công phải đảm bảo giải pháp ngăn cháy, có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và phải có người giám sát, sẵn sàng chữa cháy trong suốt quá trình hàn cắt và sau khi hàn cắt 30 phút.

III. Điều kiện an toàn PCCC đối với hộ gia đình, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất

1. Phải đảm bảo các yêu cầu về PCCC theo QCVN 06:2021/BXD về các điều kiện liên quan giao thông, khoảng cách PCCC, giải pháp thoát nạn; đặc biệt phải có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

2. Hộ gia đình sinh sống, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được hoặc Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh khác mà được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC như đối với cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ (Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu...; có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ...; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt...; Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC...; có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy...)

3. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho người trong gia đình, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng.... Không lắp lồng sắt, lưới sắt đặt biển quảng cáo, ở lan can nhà có tầng; trường hợp bố trí lồng, lưới sắt phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy và thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây và các dụng cụ phá dỡ thông thường để thoát nạn khi sự cố cháy xảy ra.

4. Phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ-le, aptomat …) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để xảy ra các sự cố chập, cháy do hư hỏng và tuổi thọ của thiết bị. Kiểm tra các thiết bị bảo vệ (cầu chì, công tắc, cầu giao, aptomat, rơ-le tự đóng ngắt điện...) chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn. Tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết, khi ra khỏi nhà, phòng làm việc, hoặc rút phích cắm ra khỏi ổ điện để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, bố trí riêng biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực nhà ở gia đình.

5. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt ban thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy; khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương, thờ cúng; sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn, cắt gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt phải có người trông coi.

6. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà, trường hợp cần thiết phải để dự trữ thì phải dự trữ số lượng ít nhất có thể và để ở khu riêng biệt tránh nhầm lẫn, đổ vỡ. Ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ có xăng, dầu, chất lỏng, đồ dùng hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu phải kín. Khuyến cáo không nên để ô tô trong nhà ở phòng người xe tự cháy, hoặc khí, khói độc khi nổ máy.

7. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy, nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống bếp gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp, đóng van xả gas. Vị trí đặt bếp gas, bình gas phải đảm bảo thông thoáng, không gần thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Trường hợp sử dụng bếp dầu để đun nấu cần phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ, trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu (nhớt) để đun bếp dầu, khi đun phải có người trông coi.

8. Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn tại cầu thang, hành lang, ban công; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu 0,5m

9. Lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay…để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói. Chuẩn bị sẵn các dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn như: búa, kìm cộng lực, xà beng,…

10. Khi xảy ra cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán, báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài; khi phải thoát ra khỏi khu vực có khói, lửa phải dùng mặt nạ phòng độc, khăn mềm thấm nước để che mặt, cơ thể, tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh. Tổ chức chữa cháy cứu người, cứu tài sản, đồng thời gọi điện thoại báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thành phố Hà Nội theo số máy 114, Đội CS PCCC&CNCH - Công an quận Thanh Xuân qua số điện thoại 024.35510667 hoặc Công an phường gần nhất.

PV