Ông Nguyễn Thường Thanh: Người nguyện cả đời làm từ thiện

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:34, 12/08/2021

“Tuổi thơ sống trong nghèo khó, thấu hiểu nỗi thiếu ăn, thiếu mặc nên tự trong tâm tôi luôn có sự đồng cảm và sẻ chia với người nghèo. Lớn lên, đi học, đi làm, rồi bươn chải trên thương trường, cứ kiếm được một đồng tôi lại muốn dành ra một phần để giúp người nghèo. Giúp được một người, tôi vui, giúp được trăm người tôi thanh thản và hạnh phúc đến lạ kỳ…”, ông Nguyễn Thường Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý Phòng khám Chữ thập đỏ Đông Anh (Hà Nội) đã mở lòng chia sẻ với chúng tôi về hành trình thiện nguyện vô cùng cao đẹp của mình.

Người đàn ông nguyện cả đời làm từ thiện
Ông Nguyễn Thường Thanh (giữa) trao 200 triệu đồng ủng hộ chương trình “Tết vì người nghèo” do báo Công an Nhân dân phát động.
Phòng khám miễn phí cho người nghèo

Ông Thanh không nhớ mình bắt đầu con đường thiện nguyện từ ngày nào, tháng nào, chỉ biết rằng, khi trong nhà bắt đầu có đủ gạo để ăn là ông nghĩ đến những mảnh đời khốn khó, vất vả mưu sinh nhưng cơm không đủ no, áo không đủ ấm. “Tôi tự nhủ, mình kiếm được một đồng thì nhất định phải dành ra một phần để giúp người nghèo. Nhưng giúp bằng cách nào? Tặng họ một chút tiền thì đơn giản, nhưng như vậy đâu có giúp họ thoát được nghèo. Thế là mỗi lần tìm đến một vùng miền nào đó, tôi luôn liên hệ với Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc hay cán bộ địa phương để khảo sát kỹ xem những hộ nghèo đó cần gì? Một con bò để tạo sinh kế, một khoản tiền để con em được đến trường hay một mái nhà để an cư lạc nghiệp”, ông Thanh nói.

Cứ miệt mài như vậy, vợ con bảo hiếm khi ông chịu ở nhà. Nay tỉnh này, mai tỉnh khác. Nếu khi nào mệt thì người thân hay anh em bạn bè sẽ thay ông lên đường. “Tôi không tính đã dành ra bao nhiêu tỷ đồng để giúp người nghèo, bởi mình giúp bằng cái tâm, tính làm gì. Cũng may công việc kinh doanh của tôi khá thuận lợi. Từ ngày còn cắp rổ buôn rau, ớt ngoài chợ hay khi làm chủ xưởng gỗ, rồi bước chân vào kinh doanh bất động sản…  lĩnh vực nào tôi cũng thành công”, ông Thanh cười khi hiểu được sự tò mò của chúng tôi.

Cả một khu đất rộng của gia đình ngay sát mặt đường lớn thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, ông Thanh chỉ dành ra một phần nhỏ để xây nhà, làm vườn. Diện tích còn lại ông xây dựng Phòng khám Chữ thập đỏ Đông Anh, với mong muốn có một địa chỉ để khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ông bảo, đã gặp nhiều hoàn cảnh chỉ vì không có tiền nên không dám đến bệnh viện khám chữa bệnh. Vì thế phòng khám này ông mở ra miễn phí 100% cho người nghèo. Còn với người dân trên địa bàn đến khám chữa bệnh cũng được miễn giảm 40% chi phí.

Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên của phòng khám, ông Thanh giới thiệu, ở đây có 22 phòng khám chức năng với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như: Máy xét nghiệm sinh hóa, máy siêu âm, điện tim, máy điện châm, nội soi tiêu hóa, X-quang… Ngoài ra, tại phòng khám còn có khoảng 200 mặt hàng thuốc và vật tư y tế khác nhau, đủ sức phục vụ các nhu cầu sơ cấp cứu và khám chữa ban đầu của người dân địa phương. 

“Là đơn vị nhân đạo, phi lợi nhuận, trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, phòng khám của chúng tôi luôn sẵn sàng tổ chức khám chữa bệnh tại chỗ và lưu động. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường vận động nguồn lực để đẩy mạnh khám chữa bệnh theo chế độ miễn, giảm chi phí đối với những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương”, ông Thanh chia sẻ.

Người đàn ông nguyện cả đời làm từ thiện
Ông Nguyễn Thường Thanh đưa đội ngũ y, bác sĩ của phòng khám chữ thập đỏ Đông Anh về vùng lũ Quảng Bình để khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho bà con.

Hỏi  một số người dân về phòng khám, bà con ai nấy đều chia sẻ sự cảm phục và dành những lời khen cho tấm lòng rộng mở của ông Thanh. “Từ ngày phòng khám mở ra, người trong thôn, xã đều yên tâm như nhà mình có y, bác sĩ vậy. Cứ đau ốm gì thì đây là điểm đầu tiên chúng tôi tìm đến. Nếu ai bệnh nặng, cần phải điều trị hay phẫu thuật đều được các bác sĩ tư vấn đến các bệnh viện tuyến trên. Mừng nhất là những người nghèo được thăm khám, chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, đỡ rất nhiều về áp lực kinh tế”, ông Lưu Thế Quảng (75 tuổi), thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh cho biết.

“Các thầy chăm sóc, dạy dỗ các cháu thật tốt, mọi việc còn lại để tôi lo”

“Alo, có việc gì vậy? Được, tôi hiểu rồi, nói với các thầy ở lại để bảo đảm an toàn cho bọn trẻ. Dặn nhà bếp chuẩn bị thực phẩm, không để các cháu thiếu thốn gì, nhất là trong đợt dịch bệnh này. Có gì cần cứ gọi cho tôi”. 

Người đàn ông nguyện cả đời làm từ thiện
Trẻ tự kỷ đang được thầy giáo dạy kĩ năng tại mái ấm do ông Nguyễn Thường Thanh nuôi dưỡng.
Buổi trò chuyện với chúng tôi tại phóng khám của ông Thanh liên tục bị ngắt quãng vì các cuộc điện thoại gọi đến. Và nội dung cuộc trao đổi trên là từ một nhân viên ở khu nhà chăm sóc nuôi dưỡng và dạy dỗ trẻ tự kỷ (trực thuộc phòng khám). Ông Thanh bảo, trước dịch, ở đây nuôi dạy hơn 50 cháu, đều là trẻ tự kỷ đón nhận từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước về. Có cháu, ngày đầu bước vào đây cũng là ngày gia đình bất lực không thể chăm sóc được. Thằng bé khôi ngô, sáng sủa nhưng đôi mắt lúc nào cũng như người mất hồn và không bao giờ nở một nụ cười. Vậy mà chỉ sau một thời gian, giờ nó luôn miệng cười và cúi đầu chào khách rất lễ phép.

Người đàn ông nguyện cả đời làm từ thiện
Ông Nguyễn Thường Thanh trao tặng nhà tình nghĩa tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Hay như cậu bé ở Nghệ An, lên 3 tuổi bố mẹ không thấy nói được mới vội vàng đưa con đi khám và phát hiện ra cháu bị tự kỷ. Gia đình nghèo, không có tiền nên nó cứ tha thẩn ở nhà với các biểu hiện bệnh ngày càng nặng. Khi biết được ông Thanh nhận nuôi các trẻ tự kỷ, hai mẹ con bồng bế nhau ra đây. Lê Minh Tâm - tên của cậu bé năm nay 10 tuổi, đã có thâm niên 3 năm ở đây. 3 năm ấy người mẹ cũng tình nguyện ở lại phụ giúp cùng mọi người chăm sóc các cháu trong khu nhà này. 

Trưa hôm ấy, nhà bếp cho các em ăn bún nem. Thấy các cô chuẩn bị bưng đồ ăn, bọn trẻ chạy vội ra kê bàn ghế. Thầy Tâm - người thầy tình nguyện ở lại chăm sóc bọn trẻ chia sẻ với chúng tôi: “Các con ở đây được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, nhất là chuyện học hành. Bác Thanh quan tâm tới bọn trẻ lắm. Ông luôn bảo việc của các thầy và mọi người ở đây là chăm sóc các cháu cho tốt còn lại mọi thứ  tôi sẽ lo hết. Khó khăn đến mấy cũng không bao giờ tôi bỏ rơi các cháu”. 

“Ngoài mái ấm dành cho các cháu tự kỷ được xây dựng trên mảnh đất gia đình thì có một ngôi trường mà tôi đã dành rất nhiều tâm huyết và công sức để xây tặng tỉnh Phú Thọ, dự tính hết năm nay thì xong. Ngày còn nhỏ, nhà ở xa trường, mỗi ngày phải cuốc bộ cả chục cây số nên tôi luôn tâm niệm, làm thế nào giúp cho bọn trẻ có thể học càng cao càng tốt, nhất là những đứa trẻ nhà nghèo. Bởi chỉ có con đường này mới giúp các cháu không tái nghèo giống bố mẹ mình. Hàng ngàn chiếc xe đạp tôi đã tặng cho trẻ em vùng sâu, vùng xa cũng chỉ mong các cháu không dang dở con đường học tập. Và mái trường này, khi khánh thành chắc chắn sẽ nâng đỡ ước mơ cho rất nhiều trẻ em nghèo”, ông Thanh nhấp ngụm trà, gương mặt tràn đầy hạnh phúc.  

Hạnh phúc khi được trao đi

Làm từ thiện bằng cái tâm của mình nhưng ở cương vị là Ủy viên BCH Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Thanh luôn thực hiện đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Hội. Ông cũng gương mẫu tham gia và hưởng ứng tích cực có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào, các chiến dịch lớn do Trung ương Hội phát động, như: “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, chương trình “Ngân hàng bò - chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, hay chiến dịch “Khám, chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho một triệu lượt người’’...

Nhiều đơn vị, địa phương đã quen với hình ảnh người đàn ông luôn miệng nói tay làm. Cứ nghe tin địa phương nào, đơn vị hay cá nhân nào cần giúp đỡ, trong khả năng của mình ông luôn sẵn sàng. Sau mỗi cuộc điện thoại, thu xếp công việc là ông lại lên đường. Năm 2020, khi người dân miền Trung phải gồng mình trong mưa lũ, ông cùng các y bác sĩ của Phòng khám Chữ thập đỏ Đông Anh vào tận tâm lũ, vừa tổ chức khám chữa bệnh miễn phí vừa trao những phần quà hỗ trợ cho bà con. Cả tuần liền lặn lội vào những vùng khó khăn nhất, cả những nơi bị cô lập, tiện đâu nghỉ đấy, có gì ăn nấy, cứ giúp được một người no cơm ấm áo là ông lại thấy lòng mình ấm áp hơn. 

Rồi những chuyến đi trao quà, kết hợp khám chữa bệnh cho các gia đình chính sách, người bị nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật và người dễ bị tổn thương… bận đến mấy ông cũng cố gắng thu xếp đến tận nơi, trao tận tay những phần quà. Nhìn mọi người được thăm khám, phát thuốc và rưng rưng nhận quà, khóe mắt ông cứ cay xè. 

Thật khó có thể kể hết những chuyến đi, những phần quà ông Nguyễn Thường Thanh đã dành tặng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và các gia đình chính sách. Đó là những căn nhà tình nghĩa, là phòng học, máy tính, xe đạp, tivi, bò giống… Mỗi lần trao phần quà cho người nghèo ông lại thấy trái tim mình rung lên những nhịp đập yêu thương, hạnh phúc. “Bố tôi là liệt sĩ, ông đã không tiếc máu xương hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Tôi luôn tự nhủ, mình phải sống, cống hiến sao cho xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh”, ông Thanh xúc động nói. 

Ông Trịnh Đức Hồng - nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan TP. Hà Nội cũng là người đồng hành trong những chuyến đi thiện nguyện cùng ông Thanh nhiều năm qua chia sẻ: “Anh Thanh làm giàu bằng cái tài và làm từ thiện bằng cái tâm. Tôi đồng hành cùng anh vì trân trọng tấm lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp ấy. Xã hội không hiếm người giàu, càng không hiếm người thành đạt, nhưng người luôn muốn trao đi để nhận lại nụ cười hạnh phúc từ người nghèo như anh Thanh thì không phải ai cũng làm được. Gần 50 tỷ đồng là số tiền anh Thanh đã dành ra để làm từ thiện suốt mấy chục năm nay - một con số quá lớn cả về vật chất và tính nhân văn, rất đáng để mọi người trân trọng”.

Năm nay đã bước sang tuổi 60 nhưng ông Thanh bảo: “Tôi chưa dừng ở đây đâu, ước nguyện là phải đi đủ 63 tỉnh thành, giúp được nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn. Trao đi để nhận lại niềm hạnh phúc, tôi thấy mình được nhiều hơn ấy chứ”. 

Chúc ông luôn có thật nhiều sức khỏe, thật nhiều năng lương để tiếp tục bước những bước dài trên con đường thiện nguyện của mình.

Thu Hà