Làng quê xanh nhờ ''nói không với rác thải nhựa''
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 07:29, 26/07/2022
Từ những hoạt động thiết thực...
Đến xã Cao Viên (huyện Thanh Oai), người ta không chỉ mát mắt với những vườn cây ăn quả xanh ngắt trải dài với cam, bưởi, ổi…, mà còn bất ngờ hơn về không gian sống và ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Đăng Kính, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Cao Viên, dù đã ở tuổi 83 nhưng hằng ngày vẫn cặm cụi phân loại rác thải nhựa. “Hầu hết mọi nhà trong thôn, xóm đều có hai thùng đựng rác, phân loại rác hữu cơ, vô cơ. Đặc biệt, các loại rác thải nhựa như túi ni lông, chai nhựa… đều được thu gom, tập kết để xử lý đúng quy định”, ông Kính chia sẻ.
Không chỉ những cụ cao niên trong thôn xóm mà ngay cả các học sinh cũng tích cực phân loại rác thải nhựa. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Trung, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) Phạm Thị Kim Hoa chia sẻ, từ nhiều năm nay, việc tuyên truyền để học sinh tham gia phân loại rác thải nhựa đã trở thành hoạt động thường xuyên và là phong trào thi đua trong hoạt động Đoàn, Đội của nhà trường. Nhiều hoạt động phong phú như tổ chức thi, trưng bày sản phẩm tái chế; đổi giấy loại, rác thải nhựa lấy chai thủy tinh; thi vẽ tranh bảo vệ môi trường; thi thời trang từ sản phẩm tái chế và nhiều hoạt động ý nghĩa khác... đã được nhà trường triển khai sâu rộng.
Hoạt động này cũng được các khối trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện thực hiện rất hiệu quả, giúp các em nhỏ biết cách phân loại, tái chế rác thải nhựa, tạo thói quen sống xanh ngay trong trường học...
Một trong những lực lượng xung kích trên “mặt trận” chống rác thải nhựa của Thanh Oai là Hội Liên hiệp phụ nữ huyện. Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Hồng, từ nhiều năm nay, đơn vị thường xuyên vận động hội viên cũng như người dân trên địa bàn tích cực tham gia thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà nhằm giữ vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với rác thải hữu cơ (rau, củ, quả, thức ăn thừa…), ngoài cách xử lý là chôn lấp, các hộ dân còn tận dụng làm phân bón cho cây trồng; rác tái chế (chai nhựa, giấy, kim loại...) được để riêng, bán cho người thu mua ve chai; rác thải vô cơ (đất đá, túi ni lông...) được tập kết, chờ xe thu gom rác của công ty môi trường đưa đi xử lý. Việc thực hiện các mô hình đều trên tinh thần tự nguyện, ý thức tự giác của các hộ dân chứ không có sự hỗ trợ kinh phí từ các ban, ngành...
"Trước đây, nhiều gia đình cũng thu gom rác thải nhưng không phân loại mà gom chung. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, đến nay các gia đình đã phân loại riêng biệt. Nhờ vậy, không những ý thức của mọi người được nâng lên mà tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải cũng được cải thiện đáng kể", chị Huỳnh Thị Nhàn ở xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) chia sẻ.
... đến xây dựng vùng xanh của Thủ đô
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, mỗi ngày trên địa bàn huyện phát sinh gần 100 tấn rác thải, trong đó có rất nhiều rác thải nhựa. Ý thức được rác thải nhựa là hiểm họa môi trường, nên huyện xác định việc thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần là việc làm cấp bách.
Ông Nguyễn Kim Thụ, người dân xã Kim An (huyện Thanh Oai) chia sẻ, Kim An là xã trồng cây ăn quả trọng điểm của huyện. Những năm qua, nông dân Kim An chuyển đổi dần từ trồng cam Canh sang trồng ổi Đài Loan. Do đặc thù phải bao trái ổi bằng xốp nhựa, túi ni lông ngay khi quả còn nhỏ, nên lượng rác thải nhựa trong trồng trọt rất lớn. Để bảo vệ môi trường, nông dân chủ động tái sử dụng sản phẩm xốp nhựa và túi ni lông, khi không thể sử dụng được nữa sẽ tập kết lại để các đơn vị môi trường đến thu gom, xử lý đúng quy định...
Có thể thấy, các hoạt động bảo vệ môi trường và phong trào “Nói không với rác thải nhựa” đang được người dân, các hội, đoàn thể huyện Thanh Oai triển khai sâu rộng, tạo hiệu ứng tích cực. Các phong trào này đã hình thành thói quen, hoạt động thiết thực trong bảo vệ môi trường của người dân.
Từ hiệu quả của hoạt động này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển khẳng định, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe con người... Cùng với đó, tập trung xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ rác thải nhựa, đồng thời đẩy mạnh việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong cộng đồng, góp phần quan trọng xây dựng Thanh Oai thành “vùng xanh” của Thủ đô.