Hà Nội: Công trường ''3 tại chỗ'', gấp rút thi công các dự án lớn
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 09:42, 17/08/2021
Hàng trăm kỹ sư, công nhân tại dự án giao thông trọng điểm: Xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương, đường Vành đai 2 trên cao tổ chức thi công theo mô hình "3 tại chỗ" để đảm bảo tiến độ đồng thời siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Làm việc 3 ca
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên cả nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số dự án giao thông trọng điểm như: Xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương, đường Vành đai 2 trên cao vẫn được phép thi công nhằm đảm bảo tiến độ. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu của các dự án phải đảm bảo an toàn lao động, tăng cường tối đa các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện yêu cầu đó, Chủ đầu tư của ba dự án nêu trên - Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội đã đôn đốc nhà thầu lập hàng rào khép kín xung quanh công trường để tổ chức giám sát, kiểm soát các hoạt động ra/vào công trường, đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch bệnh đúng quy định và phải thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”, gồm: Sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi và không đi ra ngoài công trường khi không có nhiệm vụ.
Các công trình xây dựng theo tuyến phải có biện pháp tổ chức thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ" hoặc nguyên tắc “1 cung đường 2 điểm đến” và phải được UBND cấp huyện nơi có công trình xây dựng chấp thuận trước khi thực hiện.
Với hoạt động cung cấp vật tư xây dựng, lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội yêu cầu, nhà thầu phải xây dựng phương án, kế hoạch nhu cầu cung ứng vật tư; báo cáo UBND quận, huyện, thị xã về nhu cầu, đơn vị cung cấp, lịch trình, số lượt và thời gian phương tiện vận chuyển để được xem xét, chấp thuận. Trên cơ sở phương án, kế hoạch của chủ đầu tư, nhà thầu, UBND quận, huyện, thị xã báo cáo Sở GTVT để được cấp giấy xác nhận cho các phương tiện phục vụ thi công xây dựng được phép di chuyển.
Phòng dịch là then chốt
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chỉ huy trưởng công trình đường Vành đai 2 đoạn ngã tư Vọng - Cầu Vĩnh Tuy Trần Văn Giàu cho biết: “Trên toàn bộ công trường duy trì gần 500 công nhân. Chúng tôi mở 5 cổng ra/vào, tại mỗi cổng có 1 nhà cách ly dự phòng. Trường hợp công nhân nghi mắc Covid-19 sẽ được cách ly ngay”. Theo ông Trần Văn Giàu, trên công trường áp dụng “3 tại chỗ”. Tại công trường, có lực lượng y tế, bác sĩ trực thường xuyên. Những người thực hiện nhiệm vụ cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm được ra khỏi công trường với phương trâm “1 cung đường, 2 điểm đến”.
“Do tính chất cấp bách của dự án, nên TP đã cho phép, công trình được tiếp tục thi công trong những ngày giãn cách. Để đảm bảo an toàn hơn nữa, chúng tôi đang đề xuất tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ công nhân trên công trường” - ông Giàu thông tin thêm.
Đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội thông tin, tại công trường thi công hầm chui Lê Văn Lương, hiện có gần 100 công nhân làm việc bên trong. Tất cả công nhân không ra khỏi công trường. Riêng tổ hậu cần mỗi ngày chỉ được ra/vào 2 lần để cung ứng nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm.
Cũng tại công trường thi công cầu Vĩnh Tuy hơn 500 công nhân đang làm việc và sinh hoạt, ăn ngủ tại chỗ. Công nhân được yêu cầu rửa tay sát khuẩn trước khi vào ca làm, trên công trường đảm bảo giãn cách và đeo khẩu trang.
Theo ghi nhận của Kinh tế & Đô thị, tại công trường thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, công nhân được bố trí ăn ở tại chỗ. Công trường kiểm soát nhân sự ra vào nghiêm ngặt, hạn chế tối đa các nhân sự không thật sự cần thiết. Các công nhân ngoài công tác bảo hộ đều được trang bị khẩu trang, bố trí dung dịch khử khuẩn tại văn phòng công trường, định kỳ khử khuẩn công trường…
Anh Phạm Văn Quyền, công nhân đang làm việc tại công trường thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 cho biết: “Chúng tôi luôn lấy phương châm phòng dịch là yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ, nên anh em trên công trường luôn tuân thủ nghiêm các quy tắc về phòng, chống dịch. Mặc dù cũng có nhiều khó khăn trong việc ăn ở nhưng chúng tôi luôn động viên, cùng nhau vượt qua khó khăn này”. Theo anh Quyền, công nhân đến ca là ra công trường làm việc, hết ca về nghỉ, không ra khỏi công trường. Việc vận chuyển vật tư, thiết bị vào công trường cũng được kiểm soát chặt chẽ công tác phòng dịch.
Cũng đang làm việc tại dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, anh Phí Quang Hưng cho biết: “Việc ăn ở tại công trường được đảm bảo. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện quyết liệt”. Anh Hưng cho rằng, từ những biện pháp phòng dịch quyết liệt đó, anh em công nhân yên tâm làm việc, đồng thời đôn đốc nhau chấp hành tốt các quy định về an toàn lao động cũng như khuyến cáo 5 K của Bộ Y tế.