Giáo hội Phật giáo tiễn đoàn sư tăng đầu tiên tình nguyện vào Nam chống dịch

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:23, 18/08/2021

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu vừa chính thức tiễn 10 vị sư tăng đầu tiên tình nguyện lên đường vào Nam để hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch thuộc Bệnh viện dã chiến tại tỉnh Long An.

10 sư tăng đi lần này đều là sư tăng trẻ ở tỉnh Nam Định, được chọn ra từ hàng trăm sư tăng đã viết đơn tình nguyện xin vào Nam hỗ trợ chống dịch ở các bệnh viện thời gian qua.

Đại đức Thích Nguyên Chính - Phó chánh văn phòng 1 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết sau khi có thông bạch vận động tăng ni, phật tử tình nguyện đăng ký tham gia ở tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hàng trăm sư tăng đã viết đơn tình nguyện vào vùng dịch cùng các bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến hỗ trợ cứu chữa bệnh nhân Covid-19.Riêng Nam Định có 63 sư tăng gửi đơn tình nguyện.

Tuy nhiên phía bệnh viện chỉ xin 10 người nên 10 sư tăng đã được lựa chọn để lên đường từ phía Bắc đợt đầu tiên vào sáng 17/8. Trước đó, hơn 100 vị từ các tôn giáo khác nhau ở phía Nam đã vào các bệnh viện để hỗ trợ các y bác sĩ chống dịch.
Bày tỏ ý nghĩa của hành động tình nguyện này của các sư tăng, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: Bằng tất cả sự yêu thương, chia sẻ, bằng niềm tin và tâm hồn tỉnh thức, tất cả chúng ta cùng thành tâm cầu nguyện cho đại dịch sớm được tiêu trừ, để đồng bào trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, trong đó có tăng ni, tín đồ Phật giáo chúng ta được trở lại cuộc sống bình thường, góp phần cùng toàn dân cả nước tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam bình an, xương minh và thịnh vượng.Ngoài ra việc tình nguyện tổ chức các đoàn sư tăng vào miền Nam tham gia tuyến đầu chống dịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng vừa tặng 10 máy thở cho TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An; đề nghị các chùa nhận miễn phí hũ tro cốt, cầu siêu cho những người tử vong vì Covid-19; khuyến khích các chùa phát cơm để người dân yên tâm "ai ở đâu ở đó".

Kinhtedothi