Một phác thảo về Nguyễn Quang Hưng
Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 09:44, 20/08/2021
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Tôi là người được đọc thơ Nguyễn Quang Hưng từ khá sớm. Thuở còn là sinh viên khoa văn, Hưng hay viết thơ trên thếp giấy được đóng quyển bằng chỉ khâu tay. Nhóm chúng tôi có bốn người, cứ hễ viết được gì là tìm nhau để đọc và rồi lại hăm hở viết.
Khoảng thời gian sau tập thơ in chung (Để tình yêu đánh lưới, Nxb Thanh niên - 2001), mỗi người dường như lâm vào một “khủng hoảng” riêng của sự viết. Sau này tôi ngẫm ra có lẽ con người ta phải phá vỡ cái cũ, phải khác biệt, quyết liệt hơn?... trong vô vàn những câu hỏi, những mạo hiểm đó có vài người phải tạm gác bút nhưng Hưng thì không. Bằng chứng là suốt mười hai năm qua, anh viết với năng lượng sáng tạo lớn, như chỉ để chứng minh một điều: thơ chính là cách duy nhất để nhận thức về cuộc sống này.
Chừng ấy năm là bấy nhiêu quả quyết của Nguyễn Quang Hưng, từ Vườn ánh sáng, Mùa Vu Lan, Lòng ta chùa chiền, Nước non mặt biển, Cột mốc trong người, Chia ngũ cốc, Gió ngũ sắc đến Mùa biến động, Mùa biến ảo… một hành trình của khát vọng: khát vọng định danh những biểu tượng thi ca. Cũng chính là khát vọng kiếm tìm một diện mạo thơ cho mình.
Thực ra, nhiều người thích Mùa Vu lan của Hưng ở sự già dặn của một vụng dại nhưng lại là những non nớt của một đớn đau. Bởi thế cảm giác “hụt”, “với”, “non”, “lỡ”… giăng mắc đầy trong thơ Hưng: “Sông Ngân trôi mãi không về kịp”; “Sáo diều be bé rơi về đất”; “vạt nâu sồng nổi trôi”; “đàn lẻ” (Cứ ngồi xoay lưng nghe đàn lẻ); “Theo con bướm vàng/ Vẽ trò dang dở”, “Về lại xóm đan tóc hai màu quăng chài/ Vớt lên màu xác pháo...”…
Cơ hồ sau những lo âu ấy, thơ Hưng bắt đầu có sự chuyển động mạnh mẽ trong thế giới biểu tượng từ tập Chia ngũ cốc (NXB Hội Nhà văn, 2015).
Ở trong ngấn nước ao lạnh
Ở trong khói đồng
Trong mùi mạ
Trong những đám bụi gỗ
Trong nút lạt buộc nhành cây
Trong dấu chân chiều xuống tự dưng
đi khắp nẻo làng
Có búp tay đưa chào giã bạn.
(Câu hát sinh ra)
Những biểu tượng tròn đầy, những nội lực mạnh mẽ cho thấy anh đã bắt đầu xác lập được một quan niệm hoàn chỉnh hơn. Thay vì oán trách, tiếc nuối, than thở là nhận ra sự bất biến, tự tại. Đó cũng là khi người viết vươn tới những chân trời mới. Thơ từ nguồn mạch của đất nước, dân tộc, mà có Cột mốc trong người và tập trường ca Nước non mặt biển là sự lan tỏa của nguồn cảm hứng đó.
Tổ quốc trong mạch nguồn cảm hứng của Hưng là sự tự hào về những gì bình dị, quả cảm, anh dũng và thân thuộc, nhất là khi anh viết về sự hy sinh bất khuất:
Con không về vá lại mái nhà
Con ở lại vòm xanh hóa mưa gọi cây mọc
Con trong cát đội bờ trên vai đá
Bơi cùng biển xanh đang gầm lên tiếng ca
(Mắt sóng Trường Sa)
Và, có khi lại là một cảm thức, một quan niệm mới về Tổ quốc:
Đường không trung chúng tôi đang bay
Từ trái tim núi đồi
Về phía những chân trời hình đảo
Một mắt xích thế trận trên trời
Từ nay nối người đang sống
Nối những người sẽ còn đi đến
(Ý nghĩ lưng trời)
Ở trường ca Nước non mặt biển, Nguyễn Quang Hưng đã vững vàng hơn trong cách triết lý, thuần thục trong cách sử dụng các biểu tượng giữa thực và ảo, linh hoạt vận dụng các “mã” thẩm mỹ:
Ta chào ngư dân chân trần
Sinh bên bờ sóng, sống trên mặt sóng
Nước biển ngâm mặn chát mồ hôi
Tàu gỗ mở khắp bến Quảng Ninh, Hà Tĩnh,
Nghệ An
Dài mãi xuống Đà Nẵng, Quảng Nam,
Phú Yên, Bình Định
Thẳng phía Cô Tô, Trường Sa, Hoàng Sa
giăng lưới
Và những đoàn tàu sắt đóng mới
Chở người mang gan sắt trong ngực
Kiên cường đi đánh bắt phía biên thùy
Có lẽ, thử thách lớn nhất của một nhà thơ không chỉ là việc viết hay, không chỉ ở sự thấu cảm hay ngoại diên của đề tài tác giả đề cập tới mà còn ở cả cách tiếp cận với sự biến chuyển mới, ở cách nắm bắt những quy luật, phát hiện ra những giá trị. Với Nguyễn Quang Hưng, hai tập Mùa biến động và Mùa biến ảo như một cặp đối sánh vừa song trùng, thống nhất vừa khác biệt, biến hóa. Nếu Mùa biến động có những phần như: “Giả tưởng nhiệt” (Đầu mùa, Hè điên, Nước xuống, Giả tưởng nhiệt, Tín hiệu xám, Cứu hỏa người, Giữa hè); “Những cộng hưởng chóng mặt” (Trạng thái sống tham quan; Ảo tưởng thực; Hỏi đường về núi; Nằm nghĩ trong tơ kén; Chút mơ nhỏ); “Ánh nhìn nhận diện” (Cây miền gió, Chuyện sông, Trong đất Thủy Nguyên, Mắt biển còn đau, Những kẻ nuốt đất, Canh biển, Ánh nhìn nhận diện)… thì ở Mùa biến ảo lại cũng có những “mảng khối” không kém phần mạnh mẽ như: “Chuyển hóa gián điệp” (Ám thị mới, Vi khuẩn lớn, Giả tưởng chung cư, Bài ca sáng trên đường, Đồng bào sông núi, Tiết lộ bí mật rừng, Gián điệp Thủy Tinh, Tự sợ, Tin bão, Bản mệnh cây người); “Gương nước những mặt người” (Phác họa bờ biển, Con đợi Noel, Mẹ con bên bờ biển, Mẹ con, Hà Đông tôi, Cửa sương lăn, Gọi trong mùa đang chuyển, Gương nước những mặt người, Dưỡng sinh ý nghĩ); “Dấu sáng truyền đời” (Gặp thánh, Ánh nhìn tháp cổ, Tàn lửa sương giá, Trong hoa văn đá, Nói cùng con về một hồi chuông, Xem cây thông, Maestoso trong nhà thờ, Ngợi ca một gợn mây, Tuyệt cốc)… một đội ngũ đề tài hùng hậu mà từ mỗi chủ đề, mỗi nhan đề khi đọc lên đã gợi cảm như một bài thơ.
Thật ra, theo tôi phải đến Mùa biến ảo mới thật sự nhận diện một chủ âm của Nguyễn Quang Hưng. Bởi lẽ từ Vườn ánh sáng, cho dù anh có đặt mình vị thế của những “chúng ta”, của ý thức cộng đồng nhưng vẫn chỉ là cảm quan cá nhân:
Chúng ta nghe thấy mùi thơm khét của lá mục
đang trò chuyện với lửa
Ở gian bếp cũ chỉ đủ đặt một chiếc ghế con
Người cha nhẫn nại đã ngồi nhóm những hy vọng
(Một hình dung mùa xuân - Vườn ánh sáng)
Một số tác phẩm đã trình làng công chúng của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Năm hành động gãy gọn, dứt khoát như tác phong một người lính thực ra lại là sự biến chuyển trong con người mình. Cổ nhân từng nói, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy tĩnh để chế động còn với Nguyễn Quang Hưng 5 sự thay đổi ấy cũng là 5 cách thức tri nhận sự sống:
“Thở thật mảnh” là khi lặn xuống đáy sâu của ý thức để phản tỉnh chính mình:
Tôi ngẫm cơn cớ lẳng lặng tủi hờn cơn cớ
nước mắt
Một nung nấu đồng bào nhìn xa biển trời
ngập gió
Một hối hả da đen khô quánh
Những chân tay thô đóng vẩy bận liềm hái
vá lưới chằng chống đào bới và chôn cất
Mỗi năm những chục năm đồng bào sũng nước
và nhặt nhạnh và dựng lại
Đâu ai rảnh rang tán gẫu cùng tôi!
(Đồng bào sông núi)
Những “lẳng lặng tủi hờn”, “nung nấu”, “hối hả”… như những hơi thở. Bởi thế, phải “Nói thật vụn” đúng với những gì đã được chắt lọc tinh tế:
Tôi lẫn vào cây cây chìm vào đá
Là khi đêm hóa tiếng côn trùng
Như cát rơi xuống hòa trong đất
Tôi tập tan vào không trung
(Dưỡng sinh ý nghĩ)
Hay:
Rồi mưa sẽ dẫn tới
Trên đồng giấy trộn nước mắt hoai bở
Như bão chữ
(Mưa xanh)
Khi nhà thơ cất lên tiếng nói từ cái tôi nhân sinh, bản ngã cũng là cách anh bước đi, những bước đi ngắn - gãy gọn, dứt khoát và sắc:
Tôi thị thần
Tôi ngư lão tiều phu
Tôi nhịp xênh cầu thực tha phương
Tôi kéo mình tuốt thân dài chò chỉ
Tôi sứ quân đắp lũy thành
Tôi một lưỡi cuốc sáng loáng chuỗi ngày
khai khẩn
Một bông hoa đỉnh xanh chói đỏ
Một sải cánh bay trông sông nước bàng hoàng
Tôi phố mới đào móng vào đất cũ
Lòng còn bơ vơ tái tạo hình hài
(Nghe gió nước Ninh Bình)
Từ bước đi này, mọi hành động mà anh gọi bằng cái tên “Làm thật dịu” là cách ta tự đặt mình trong một đối sánh với quá khứ, với tâm hồn dân tộc:
Có gì cho tôi xứng cùng nguyên sinh?
Có gì cho tôi xứng cố đô?
(Nghe gió nước Ninh Bình)
Khi gắn tâm hồn mình với từng hơi thở, từng nhịp đập suy tư của cộng đồng, ta sẽ ngộ ra:
Tôi chưa hiểu đồng bào tôi
Đồng bào ngâm nước
Đồng bào cơm nguội
Ào ạt bay lá trộn đất đồi
(Đồng bào sông núi)
Từ tất cả những điều ấy thôi thúc trong anh những ý “Nghĩ thật thanh”. Một sức nghĩ giàu nội lực nhưng bình dị, giản đơn, và một chữ “thanh” ấy cơ hồ cũng rất vang:
Nhạc mảnh thế thôi!
Sao nó ép anh mỏng gầy đến vậy?
Mái ngói rêu này
Tấm y môn những đầu đao chạm rồng
Và những người mang hiện thân người xưa
Biết đến một ngày
Trong đình cổ máy móc sáng lên những
lập trình
Tháo then cài mở lại cửa kho vàng âm điệu
Bởi một thân người là gạch nối
(Nhà nghiên cứu cổ nhạc)
Hành trình thơ của Nguyễn Quang Hưng chính là hành trình anh tự kiếm tìm cách viết cho mình. Tập thơ sau ra đời để tiếp nối tập thơ trước nhưng hình như ngay ở bài thơ sau đã làm bài thơ trước “bị” cũ đi. Đằng sau lạ hóa, gai góc chữ nghĩa, tha thiết, quyết liệt của sắc điệu hờn trách, đay đả, thống thiết là một mạch thơ Nguyễn Quang Hưng luôn mềm mại. Khi tôi đang viết bài viết nhỏ này, thì Hưng đang bận rộn để chuẩn bị trình làng một tập lục bát có cái tên ngạo nghễ: Nguyễn Quang Hưng 68. Hẳn sẽ có người quả quyết rằng: thơ cứ cách tân đi, lạ hóa đi rồi cũng lại quay về lục bát mà thôi. Tôi lại không nghĩ thế, lục bát hay tự do năm chữ hay bảy chữ… âu cũng chỉ là hình dáng bề ngoài, sâu thẳm trong tâm hồn Hưng là sự sâu sắc mà nhân ái, quyết liệt mà hiền hòa đúng với cái tâm thế của một người thơ luôn say đắm với làng quê nhưng nhập thế với phố xá rất chủ động. Anh đến với hiện đại bằng con đường tự tôn về truyền thống. Cứ thế đã nhé Hưng…