Nhớ mãi phong trào ''Ba sẵn sàng'' của tuổi trẻ Thủ đô
Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 15:44, 26/08/2021
Thanh niên miền Bắc sôi nổi hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng - Ảnh tư liệu.
Ngày 9/8/1964, chỉ sau 4 ngày đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, BCH Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Đêm mở đầu diễn ra tại Hội trường Bộ Công nghiệp nặng (nằm trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đêm ấy thực sự là một đêm tràn đầy khí thế của tuổi trẻ Thủ đô. Hội trường chỉ chứa được 500 người, nhưng thanh niên Hà Nội hôm đó có mặt trên 10 ngàn người, đứng dày đặc ở đường phố Hai Bà Trưng, hưởng ứng lời kêu gọi của Thành đoàn Hà Nội:
- Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm.
- Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang.
- Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ quốc cần.
Hơn 10 ngàn người đáp lại: “Sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng!” cùng tiếng vỗ tay và tiếng kèn, tiếng trống vang động cả góc trời Hà Nội. Đi đầu lực lượng thanh niên đầy khí thế này là các học sinh, sinh viên đến từ các trường học, rồi thanh niên công nhân, nông dân, đường phố... tay cầm đuốc, tay cầm gậy gộc diễu hành dọc đường Hai Bà Trưng, vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, tụ tập tại quảng trường Nhà hát Lớn, hát vang những bài ca cách mạng. Thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng” lúc này là hình ảnh của thế hệ Cách mạng tháng Tám năm xưa đã biểu thị ý chí và sức mạnh của mình cũng tại quảng trường Nhà hát Lớn lịch sử này.
Là một sinh viên vừa bước vào khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi hòa trong dòng người ấy, đến hôm nay vẫn nhớ như in một đêm Hà Nội vô cùng sôi động. Trong trường chúng tôi, các chi đoàn cũng họp khẩn cấp với tinh thần tình nguyện “Ba sẵn sàng”. Lớp tôi ghi tên 100%. Các lớp khác cũng vậy. Một số anh chị lớp trên đã được tuyển chọn lên đường vào Nam chiến đấu. Tôi được lãnh đạo lớp phân công viết quyết tâm thư của cả lớp, thể hiện tinh thần xung kích, sẵn sàng lên đường vào bất cứ giờ phút nào để cùng đồng bào miền Nam thân yêu chiến đấu. Khí thế “Ba sẵn sàng” như chắp cánh mỗi đoàn viên thanh niên lớn lên hơn, không chỉ vào thời điểm ấy mà trong suốt những năm học tập đầy gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong mỗi cuộc sinh hoạt Đoàn đều có phần kiểm điểm và bình chọn đoàn viên ưu tú theo tiêu chuẩn “Ba sẵn sàng”. Danh hiệu Đoàn viên “Ba sẵn sàng” là một danh hiệu cao quí.
Sau đêm 9/8, vẫn là những đêm sục sôi của tuổi trẻ Thủ đô. Tôi không bao giờ quên hình ảnh “Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh” (Đoàn Thị Điểm) ở quảng trường Ngân hàng Trung ương. Báo Đảng, báo Đoàn mô tả quảng trường Nhà hát Lớn rực trong ánh lửa, ầm vang tiếng cồng chiêng vào đúng 12 giờ đêm để thanh niên Thủ đô đọc lời thề “Ba sẵn sàng” chống Mỹ, tiễn đưa đoàn quân vào Nam chiến đấu. Làm sao quên được hình ảnh những đoàn viên ưu tú nắm chặt tay trên cao trong ánh lửa của những ngọn đuốc “Ba sẵn sàng” đang cháy rừng rực!
Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở miền Nam với cuộc “chiến tranh cục bộ”, đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân ngày càng ác liệt. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một bước ngoặt mới: Cả nước trực tiếp chiến đấu chống đế quốc xâm lược.
Bác Hồ kính yêu rất hài lòng về phong trào “Ba sẵn sàng” - một phong trào cách mạng đang phát triển sâu rộng này. Ngày 2/9/1965, nhân kỷ niệm 20 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bác đã gửi một bức thư dài, rất cảm động cho tuổi trẻ cả nước. Trong thư, Bác chỉ rõ: “Các cháu thanh niên miền Nam sinh ra và lớn lên trong hai cuộc đấu tranh yêu nước, ngày nay dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đã được rèn luyện thành một thế hệ thanh niên vô cùng gan dạ, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết chiến, quyết thắng, noi gương oanh liệt của các anh Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang và nhiều liệt sĩ khác...”. Và cuối thư, Bác khẳng định: “Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng”.
Ngày ấy, gia nhập lực lượng vũ trang đã trở thành nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ này, đã có trên 5 triệu lượt đoàn viên và thanh niên gia nhập các lực lượng vũ trang, chiến đấu trên khắp các chiến trường và lập nên những chiến công hiển hách.
Giữa học kỳ I, chúng tôi từ đường Láng chuyển về học tại khu Thanh Xuân - Mễ Trì. Các lớp khác của khoa Văn, khoa Sử cũng đều chuyển về đây. Lớp văn khóa 8 (trước chúng tôi một năm) hối hả tập quân sự: Trận giả, hành quân, đào hào, đào hầm, báo động... Có những hôm, mới 3 giờ sáng, đã thấy các anh chị tập hợp đội ngũ, có lá ngụy trang, gậy gộc, vũ khí... chạy về phía thị xã Hà Đông xuôi theo con đường ven sông Nhuệ... Lúc này, các lớp đua nhau viết đơn tình nguyện xin vào Nam chiến đấu. Một số anh thuộc các lớp trên đã được toại nguyện. Trong số đó, có những anh có người yêu là nữ sinh viên lớp tôi. Họ quen biết nhau chưa được bao lâu, nhưng trong cái cảnh người đi kẻ ở thật bịn rịn, các chị khóc như mưa, còn bọn con trai chúng tôi trong giờ phút ấy thì cũng mắt đỏ hoe, cảm thấy có một cái gì đó thật hào hùng, thật thiêng liêng đang diễn ra trước mắt mình. Chính lúc đó, bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ (đăng báo Văn Nghệ) được truyền bá rất nhanh, cứ như chính mỗi người là một chàng trai trong bài thơ ấy...
Lớp tôi, ngoài những đơn tình nguyện cá nhân, như đã nói, còn có một Quyết tâm thư gửi nhà trường bày tỏ sẵn sàng đi bất cứ nơi nào trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Hồi này, không chỉ ở các trường, mà có thể nói, cả nước hừng hực khí thế “cả nước vì miền Nam thân yêu”. Các tập sách: Sống như Anh, Từ tuyến đầu Tổ quốc, Bài ca chim Chơ-rao... như càng dấy lên trong tâm trí mỗi chúng tôi những khát vọng lớn, mỗi trái tim như đập rộn rã hơn, hòa cùng nhịp đập của cả nước...