Phát huy tài năng và nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:47, 28/07/2022
Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội được UBND TP. Hà Nội tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua các năm 2018, 2020 và 2021- Ảnh tư liệu
Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 – 2021, chặng đường 5 năm qua, được sự quan tâm toàn diện và chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội; sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan ban ngành; sự kết nối hiệu quả giữa Hội Liên hiệp với các hội chuyên ngành, các cơ quan cấp II của Hội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và gặt hái được nhiều thành tựu ấn tượng, nhất là việc tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy và cổ vũ phong trào sáng tác, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Ghi nhận những công sức và sự nỗ lực của Ban chấp hành Hội Liên hiệp, UBND TP. Hà Nội đã tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua các năm 2018, 2020, 2021; tặng Bằng khen về các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội; Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng Cờ đơn vị hoàn thành xuất sắc phong trào thi đua từ năm 2018 đến năm 2021 cùng nhiều danh hiệu, giải thưởng văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ…
Bước sang chặng đường mới, trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2021 – 2026, bên cạnh mục tiêu trọng tâm là cải tiến mạnh mẽ phương thức hoạt động Hội, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa về tinh thần và vật chất cho sáng tác, Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khóa XIII còn xác định tập trung sức lực và tiềm năng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng cao, áp dụng có hiệu quả hơn nữa biện pháp ký hợp đồng đầu tư chiều sâu đối với công trình, tác phẩm, phấn đấu tạo nên tác phẩm có trị lâu bền, đáp ứng nhu cầu xã hội; nâng lên một bước uy tín các giải thưởng của Hội. Đồng thời, tích cực phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ, bổ sung cho đội ngũ kế cận; phổ cập rộng rãi tác phẩm đến công chúng nhằm đạt được quan hệ gắn bó sâu xa hơn từ người sáng tạo văn học nghệ thuật với đông đảo công chúng thưởng thức và hưởng thụ văn học nghệ thuật. Mặt khác, sẽ nâng cao chất lượng cơ quan ngôn luận (tạp chí Người Hà Nội) của Hội; nâng cao tác động xã hội của Hội trong các công tác tư vấn, phản biện xây dựng Thủ đô.
Trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm tổ chức các hoạt động liên kết đa ngành với các Hội bạn (trong ảnh: Triển lãm giao lưu 5 vùng đất kinh đô năm 2019 được Hội Liên hiệp phối hợp cùng các hội bạn tổ chức) - Ảnh tư liệu.
Để đạt được những mục tiêu đó, Ban chấp hành Hội Liên hiệp đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực và cụ thể. Trước hết, để cải tiến mạnh mẽ phương thức hoạt động, Hội Liên hiệp tiến hành chuẩn bị hoạch định xây dựng Đề án hoạt động mang tính chiến lược, có tầm nhìn từ 10 đến 15 năm; tích cực thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng văn hóa Thủ đô và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Hội cũng nỗ lực hướng tới mục tiêu: tạo một hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hội viên để tiến tới tự đảm bảo các nhu cầu tổ chức hoạt động nội bộ (khánh tiết, hội thảo, triển lãm, biểu diễn, chiếu phim, sân khấu thể nghiệm…); xây dựng một Nhà sáng tác tự quản, tạo điều kiện cho hội viên đến sáng tác định kỳ, do Hội tự lo được kinh phí (với lộ trình 10 đến 15 năm); tăng cường các biện pháp xã hội hóa hữu hiệu, nỗ lực tự chủ từng phần về kinh phí hoạt động theo một lộ trình hợp lý và khả thi.
Hình thức sinh hoạt Hội sẽ cải tiến để giảm thiểu các cuộc họp mang tính hành chính, tăng cường hình thức sinh hoạt nghề nghiệp phục vụ chuyên môn; tăng cường tiếp xúc, giao lưu trong nước và quốc tế, tạo điều kiện tiếp thu tinh hoa văn hóa các dân tộc anh em, những ưu thế từ các nền văn hóa của khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, Hội cần thu hút đông đảo hội viên hơn nữa vào các hoạt động phục vụ việc nâng cao dân trí và phổ cập trình độ thưởng thức nghệ thuật, tăng cường mức hưởng thụ các giá trị văn học nghệ thuật trong đông đảo các tầng lớp công chúng. Hội cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận của hội viên, cùng với việc tích cực hưởng ứng thực hiện tốt nếp văn hóa ứng xử của người Hà Nội, tạo ra phong trào sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến nếp sống văn minh thanh lịch của Thủ đô, đạo đức và phong cách sống của người dân, rèn luyện toàn diện các phẩm chất Trí – Đức – Thể - Mỹ cho lớp trẻ....
Với mục tiêu “Tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sáng tác, phát huy mạnh mẽ tâm huyết và tiềm năng hội viên tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng Thủ đô, việc tổ chức sáng tác của Hội Liên hiệp cần được cải tiến hơn, từ khâu tổ chức trại viết đến việc đi thực tế. Đồng thời, tăng hiệu quả mỗi cuộc đi thực tế sáng tác; quan tâm tổ chức trại sáng tác liên kết đa ngành với các Hội bạn, tiếp tục hình thức trao đổi hội viên dự trại với một số Hội kết nghĩa (nhất là 5 vùng đất kinh đô xưa và nay, cũng như vùng tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) để tăng cường trao đổi kinh nghiệm và tạo ấn tượng mớí cho hội viên dự trại. Mặt khác, Hội cần cải tiến cách thức đầu tư, tránh bình quân chủ nghĩa, mạnh dạn đầu tư có trọng tâm trọng điểm và theo chiều sâu; áp dụng nhiều hơn phương thức đầu tư có hoàn lại, tức là ký hợp đồng đặt hàng dài hạn đối với những đề tài có nhiều hứa hẹn. Hội cũng sẽ tạo thêm điều kiện cho các phương thức giao lưu bổ ích giữa văn nghệ sĩ với công chúng; tham gia tổ chức các hội sách, hội diễn với các cơ quan bạn, các cuộc trưng bày, quảng bá tác phẩm và giao lưu giữa tác giả với độc giả, nghệ sĩ với khán giả.
Hơn nữa, trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hội Liên hiệp phấn đấu nâng cao công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật để việctrao đổi, giới thiệu trong phê bình, giới thiệu tác phẩmthực sự trở thành chất men kích thích thúc đẩy sáng tác, góp phần định hướng cho sáng tác và hướng dẫn dư luận. Mỗi năm, Hội cố gắng tổ chức một đến hai cuộc trao đổi, rút kinh nghiệm sáng tác và giao lưu với công chúng thật hữu ích và có hiệu quả. Đồng thời, Hội sẽ tích cực phát hiện biểu dương những tác phẩm cách tân đúng hướng, có phát hiện mới mẻ, đặt ra những vấn đề nghiêm túc với xã hội; mặt khác cũng phê phán quyết liệt các biểu hiện thiếu tôn trọng các giá trị truyền thống của dân tộc, hoặc lai căng, dung tục, gây ảnh hưởng xấu tới lối sống và đạo đức xã hội.
Việc thúc đẩy phong trào sáng tạo của lớp trẻ để xây dựng Hà Nội thành một thành phố sáng tạo có bản sắc văn hóa tầm vóc quốc gia trong phong trào “xây dựng Thành phố sáng tạo” đang được phát động rầm rộ trong cả nước cũng là một nhiệm vụ được Ban chấp hành Hội Liên hiệp đề ra. Trong đó, Hội sẽ khuyến khích văn nghệ sĩ tham gia dịch thuật, biên soạn và giới thiệu những cuốn sách hay về các tấm gương sáng tạo trên thế giới; tổ chức hội thảo về xây dựng công nghiệp văn hóa. Tủ sách “Người tốt việc tốt” cần được nâng tầm thành “Tủ sách vinh danh những người sáng tạo” thành công. Hội sẽ tiến tới đưa đề tài “Thành phố sáng tạo” thành một đề tài được văn nghệ sĩ quan tâm tìm hiểu và thậm chí có thể mở một cuộc vận động sáng tác có quy mô lâu dài, rộng rãi về đề tài trên, tạo ra tác động và hiệu ứng xã hội tích cực.
Trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội sẽ tích cực cổ vũ văn nghệ sĩgóp sức phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô (trong ảnh: Khai mạc triển lãm ảnh Nghệ thuật múa Thăng Long – Hà Nội do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội phối hợp với các hội chuyên ngành tổ chức).
Đối với việc góp sức phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô, Hội Liên hiệp đặt ra nhiệm vụ: Nghiên cứu và nỗ lực phấn đấu để một loạt các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Hội tiếp cận dần tới khái niệm trở thành một nền “công nghiệp văn hóa”,nằm trong hệ thống các ngành“công nghiệp sáng tạo”. Các khái niệm về “công nghiệp văn hóa” và “công nghiệp sáng tạo” mới được hình thành ở Việt Nam, tiềm năng của nó là vô cùng to lớn và nằm ngay trong lòng các hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ. Nhiệm vụ của Hội là phải biến nó thành các động lực sáng tạo, để nâng tầm lên thành nền tảng vững chắc cho một nền “công nghiệp văn hóa” trong tổng thể hệ thống “công nghiệp sáng tạo” đang được khai thác và phát huy rất hiệu quả trên thế giới.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp sẽ cải tiến hơn nữa các giải thưởng văn học nghệ thuật của Hội Liên hiệp và các hội chuyên ngành. Các giải thưởng của Hội phải kiên quyết tránh tính xuê xoa bình quân chủ nghĩa, để các giải dễ bị hướng theo phương hướng “mặt trận”, có phần nể nang nhau, cũng tránh bị cuốn theo xu thế hấp dẫn, ăn khách của thị hiếu thị trường. Cùng với đó, cần khôi phục và duy trì thường xuyên chất lượng chuyên môn cao của giải thưởng và đặt mục tiêu các giải của Hội phải nâng lên tầm của giải thưởng quốc gia.
Hội Liên hiệp cũng chú trọng và tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng văn nghệ sĩ kế cận thông qua việc chỉ đạo các hội chuyên ngành mở các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về sáng tác, khôi phục các lớp hướng dẫn viết văn, nhiếp ảnh, múa, quay phim..., tạo được không khí gắn bó của lớp trẻ với Hội, uốn nắn thị hiếu đúng đắn với văn hóa đọc (nghe, nhìn) cho lớp trẻ. Hội đặt chỉ tiêu mở được ít nhất từ 3 đến 4 khóa bồi dưỡng sáng tác cho mỗi chuyên ngành văn học và nghệ thuật trong nhiệm kỳ tới.