Đồng hành trách nhiệm và hiệu quả

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 14:48, 28/07/2022

 Có thể thấy, mỗi thành công của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội luôn gắn liền với sự đồng hành đầy trách nhiệm của 9 Hội chuyên ngành: Âm nhạc, Điện ảnh, Kiến trúc, Mỹ thuật, Nghệ sĩ Múa, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học, Văn nghệ dân gian. Vậy, trong thời gian tới, các hội chuyên ngành sẽ tiếp tục góp sức như thế nào để cùng Hội Liên hiệp (nhiệm kỳ 2021 - 2026) tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, năng động, thúc đẩy sáng tạo của văn nghệ sĩ? Cùng Tạp chí Người Hà Nội trò chuyện với lãnh đạo 9 Hội chuyên ngành xoay quanh vấn đề này.
Đồng hành trách nhiệm và hiệu quả
PGS.TS Trần Thị An (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội)

Với nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy kho di sản văn hóa dân gian của Thủ đô, kể từ khi thành lập đến nay, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ, phổ biến và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống được hình thành và trao truyền qua các thế hệ người Hà Nội. 
Tiếp nối truyền thống đó, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô thông qua việc huy động sự đóng góp của trí tuệ, tâm huyết của các hội viên trong Hội. 
Cụ thể, Hội sẽ thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế, sưu tầm, nghiên cứu, phát hiện những giá trị văn nghệ dân gian còn đang tiềm ẩn trong đời sống người dân Hà Nội; duy trì và nâng cao các sinh hoạt khoa học, tăng cường các cuộc tọa đàm, hội thảo; đưa các CLB trực thuộc Hội tham gia tích cực hơn vào đời sống văn hóa của Thủ đô, đặc biệt là trong các chương trình biểu diễn trên phố đi bộ Hà Nội; phát triển thêm đội ngũ hội viên kế cận, nhất là các hội viên trẻ.
Cùng với các hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp, BCH và toàn thể hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội sẽ nỗ lực hết sức để lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, góp phần tạo nên những thành tựu văn học nghệ thuật trong nhiệm kỳ mới của Hội Liên hiệp. 
Đồng hành trách nhiệm và hiệu quả
NSND Nguyễn Ngọc Anh (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội)

Với tinh thần khách quan, dân chủ, trách nhiệm và luôn đoàn kết thống nhất, đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ trước, BCH Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội sẽ tích cực tổ chức các hoạt động bám sát  định hướng đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình hành động của thành phố và theo sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, trong đó đặc biệt tập trung xây dựng chủ thể sáng tạo là người Hà Nội thanh lịch - văn minh và tham gia thực hiện chiến lược phát triển văn hóa nghệ thuật và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. 
Từ lợi thế có một BCH tập hợp được nhiều gương mặt mới, trẻ và đều là những người hoạt động chuyên môn có uy tín trong các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội, Hội luôn đặt trọng tâm thúc đẩy hoạt động nghề nghiệp phong phú, hiệu quả như: nghiên cứu, sưu tầm, điền dã, phục dựng, phổ biến múa cổ Thăng Long; tổ chức các cuộc thi, hội thảo, tọa đàm, tập huấn… để các hội viên phát huy hết khả năng sáng tạo, say mê cống hiến. 
Trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp hoạt động chuyên môn với các hội chuyên ngành trong Hội Liên hiệp; tăng cường các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với Hội múa các tỉnh, thành phố trong cả nước… BCH Hội sẽ phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị cũng như chuyên môn để tích cực góp phần vào thành công chung của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
***
Với phương châm “Đoàn kết - Trí tuệ  - Vì kiến trúc Thủ đô thông minh, hiện đại, hào hoa”, Hội Kiến trúc sư Hà Nội sẽ nỗ lực hết sức để có nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần vào thành tựu chung của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. 
Đồng hành trách nhiệm và hiệu quả
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hải (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội)
Cụ thể, Hội sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động Hội bằng việc ổn định tổ chức; tăng cường kết nối các chi hội, các cơ quan quản lý Nhà nước, các kiến trúc sư, các nhà đầu tư và doanh nghiệp tư vấn; kết nạp thêm các chi hội chuyên ngành; thành lập  thêm một số CLB kiến trúc trực thuộc; chú trọng phát triển hội viên, mở rộng đến nhóm các kiến trúc sư đang hành nghề đa dạng trong xã hội; đẩy mạnh công tác truyền thông. Đối với công tác chuyên môn, Hội sẽ tập trung và nâng cao hoạt động phản biện, kịp thời có ý kiến vào các vấn đề nóng mà xã hội đang quan tâm. Ngoài ra, Hội sẽ tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, chọn lọc các đề tài có giá trị thực tiễn cao để tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm; có kế hoạch phổ biến, trao đổi các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các kiến thức mới về kiến trúc quy hoạch và đô thị; chủ động, khích lệ công tác chuyển đổi số trong tư vấn kiến trúc đô thị.
Để làm tròn sứ mệnh của giới kiến trúc Thủ đô, mỗi hội viên trong Hội phải nỗ lực, nhanh chóng thích ứng, đổi mới cách tiếp cận trong sáng tác kiến trúc... sao cho ngày càng có nhiều hơn những tác phẩm kiến trúc mang hơi thở của thời đại, mang dấu ấn thanh lịch của Thủ đô.

Đồng hành trách nhiệm và hiệu quả
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội)

Là một trong 4 hội chuyên ngành tiến hành Đại hội XIII đúng tiến độ, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức triển khai nhiều phần việc theo Nghị quyết Đại hội và ăn khớp với kế hoạch công tác của Hội Liên hiệp. Trong nhiệm kỳ này, Hội tiếp tục tạo mọi điều kiện để phát huy lực lượng sáng tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII, phát huy giá trị văn hóa người Hà Nội, phấn đấu có nhiều tác phẩm mới thể hiện tầm vóc và khát vọng xây dựng cuộc sống mới của nhân dân Thủ đô. 
Đồng thời, Hội thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu sáng tác mới theo hướng đổi mới; tập trung thảo luận về yêu cầu nhiệm vụ sáng tác phản ánh thực trạng, phản biện, bám sát định hướng xây dựng văn hóa Thủ đô; tổ chức các chuyến đi thực tế và trại sáng tác tập trung cho các hội viên. 
Thực tiễn hoạt động lâu nay cho thấy các hội chuyên ngành bị giảm tính chủ động trong hoạt động vì vướng mắc các khâu lập kế hoạch công tác, kinh phí tương ứng, giải ngân và quyết toán. Mong rằng, BCH Hội Liên hiệp khóa XIII cần thống nhất một cơ chế chuyên nghiệp, hiệu quả hơn trong công tác tài chính. Về chuyên môn, cần nhiều buổi trao đổi giữa hội viên chủ lực của các hội để gắn kết, hỗ trợ hoàn thành tác phẩm nhằm nâng cao vị thế của Hội Liên hiệp. Mặt khác, Hội Nhà văn cũng nhất định phải thể hiện rõ sự chuyển giao thế hệ sáng tạo nhưng trên cơ sở kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc để hạn chế tối đa những biểu hiện xa lạ về lối sáng tác hay lối sống tha hóa. 

***
Nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc góp sức cùng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026, BCH Hội Điện ảnh Hà Nội đã đề ra phương hướng hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy phong trào sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Đồng hành trách nhiệm và hiệu quả
Nhà Biên Kịch Bành Mai Phương (Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội)

Hội sẽ tiếp tục duy trì các chuyến đi thực tế để các nghệ sĩ có cảm xúc sáng tác; tổ chức các buổi tọa đàm theo chuyên đề, các buổi trao đổi kinh nghiệm nhằm bồi dưỡng lực lượng sáng tác. Đồng thời, mở rộng phương thức tổ chức trại sáng tác để hội viên có điều kiện dự trại ở những địa điểm xa hơn với khả năng cùng đóng góp kinh phí; xin mở 2 trại sáng tác về đề tài Thăng Long - Hà Nội; Hà Nội với cả nước, với biên cương, hải đảo, với bạn bè quốc tế để có thể lựa chọn những kịch bản chất lượng. Trước mắt, BCH Hội tập trung củng cố Hãng phim Sao Khuê, chủ động tìm các giải pháp để triển khai sản xuất phim phục vụ có hiệu quả yêu cầu tuyên truyền của thành phố. Cụ thể là thực hiện các kịch bản phim tài liệu “Hồ Chủ tịch với Thủ đô Hà Nội”, “Công viên Thống Nhất”, “Hồ Chủ tịch với Phật giáo Việt Nam”; tổ chức Dự án tư liệu Văn nghệ sĩ Thủ đô với thành phố; tìm hướng xử lý cho bộ kịch bản phim truyền hình nhiều tập “Lê Thái Tổ từ Lam Sơn đến hồ Hoàn Kiếm”...
Hội Điện ảnh Hà Nội rất mong sẽ có nhiều hơn những đơn đặt hàng từ thành phố cho những bộ phim có giá trị cao về nội dung tư tưởng; mong luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ từ thành phố cũng như Hội Liên hiệp để những mục tiêu và dự định trên nhanh chóng trở thành hiện thực. Để phát huy vai trò, thế mạnh và trách nhiệm cùng với 9 Hội chuyên ngành, Hội Mỹ thuật Hà Nội tiếp tục đặt ra kế hoạch hoạt động thiết thực.
Đồng hành trách nhiệm và hiệu quả
Nhà Điêu khắc Nguỹen Xuân Thủy (Chhủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội)

Theo đó, hằng năm Hội sẽ tổ chức các chuyến đi thực tế, sáng tác nhằm khơi nguồn cảm hứng để các họa sĩ có được nhiều tác phẩm chất lượng, phản ánh nhiều bình diện của cuộc sống, đặc biệt là về đề tài Hà Nội. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tổ chức các chương trình gặp gỡ và giao lưu trao đổi nghệ thuật với các hội bạn, dự kiến mỗi năm tổ chức với một hội địa phương.
Cùng với việc phát động các nghệ sĩ tích cực sáng tác để tham gia Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô (tổ chức thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10), Hội cũng sẽ mở rộng triển lãm theo các chuyên ngành sáng tác như: điêu khắc, hội họa, đồ họa; đồng thời tổ chức triển lãm chuyên sâu về các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa... 
Đặc biệt, Hội cũng sẽ đẩy mạnh mảng mỹ thuật ứng dụng. Đây là mảng sáng tác mới mà từ trước đến nay mỹ thuật Hà Nội chưa làm. Cũng bởi thế, Ban chấp hành muốn mạnh dạn thử sức để mở ra một sân chơi mới nhằm làm tươi mới thêm mạch tư duy nghệ thuật cho nghệ sĩ sáng tác.
Tôi hi vọng, với sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu; với sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ Ban chấp hành; với sự chung sức của toàn thể các hội viên..., Hội Mỹ thuật Hà Nội sẽ gặt hái được nhiều thành tựu, góp phần vào sự lớn mạnh của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
***
Với hơn 400 hội viên, trong đó có nhiều hội viên đã thành danh, có nhiều tác phẩm đã được khẳng định qua các cuộc triển lãm ảnh trong nước và quốc tế, để góp phần vào thành tựu chung của Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội sẽ nỗ lực đổi mới, đa dạng các hoạt động.

Đồng hành trách nhiệm và hiệu quả
NSNA Nguyễn Văn Toản (Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội)

Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác sáng tác nhằm có được nhiều hơn những tác phẩm phản ánh toàn diện và sinh động về Thủ đô, đặc biệt là thể hiện các giá trị văn hóa lịch sử, nét đẹp của người Hà Nội thời hội nhập; khuyến khích các tác giả đa dạng hơn nữa phương pháp thể hiện để tác phẩm nhiếp ảnh ngày càng phong phú, hấp dẫn. Để các tác phẩm đến được nhiều hơn với công chúng, đặc biệt là khách du lịch, Hội cũng sẽ mở rộng hoạt động triển lãm bằng cách tăng cường các triển lãm chuyên đề và đa dạng hóa các hình thức triển lãm ảnh. Bên cạnh các trưng bày trong phòng triển lãm là các triển lãm online, triển lãm trên đường phố, các điểm du lịch và tiến tới hình thành “Con đường nhiếp ảnh”. Việc triển lãm ảnh cũng dần được xã hội hóa để số lượng cuộc triển lãm nhiều hơn, không phải trông chờ nhiều vào ngân sách Nhà nước. 

Trong mỗi cuộc triển lãm chúng tôi cũng sẽ chú trọng hơn tới công tác thẩm định ảnh. Các thành viên trong Hội đồng thẩm định ảnh của mỗi triển lãm phải là những nghệ sĩ nhiếp ảnh có trình độ, công tâm. Có như thế mới có thể tuyển chọn được những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, có tính sáng tạo để công chúng thưởng lãm. 
Đồng hành trách nhiệm và hiệu quả
NSND Hoàng Tuấn (Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội)

Để góp phần vào thành tựu chung của Hội Liên hiệp trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, BCH Hội Sân khấu Hà Nội luôn tích cực đổi mới, năng động, tạo nhiều sân chơi thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy, thu hút hội viên tâm huyết sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng, mang đậm hơi thở cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Khi dịch bệnh được kiểm soát, Hội nhanh chóng nhập cuộc, “làm nóng” diễn đàn sân khấu bằng các cuộc hội thảo, tọa đàm; tiến hành dàn dựng vở diễn theo hình thức xã hội hóa (như vở kịch “Tình mẹ”)…
Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục trở thành “bà đỡ” cho các dự án sân khấu xã hội hóa (dự kiến kết hợp với công ty Sen Việt dàn dựng một tác phẩm cải lương) với mong muốn đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối giữa các nghệ sĩ sân khấu để cùng sáng tạo và tạo nên một sự gắn kết, hợp tác đặc biệt. Bên cạnh đó, Hội cũng lên kế hoạch tiếp tục tổ chức các chuyến đi thực tế, các buổi trao đổi chuyên môn, hội thảo, tọa đàm, tập huấn kỹ thuật biểu diễn cho nghệ sĩ trẻ… Đặc biệt, Hội kỳ vọng dự án cải tạo hội trường của Hội Liên hiệp thành một điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống cũng như phối hợp với các hội chuyên ngành khác tổ chức triển lãm tại đây sẽ sớm được thành phố quan tâm tạo điều kiện và đầu tư để địa chỉ 19 Hàng Buồm sớm trở thành điểm đến của du khách khi tới tham quan, trải nghiệm khu phố cổ Hà Nội.
***
Nhiệm kỳ XIII (2021 - 2026) có nhiều sự kiện chính trị quan trọng đó là: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ XVII; 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 -  2025 ); 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2025); 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975 - 2025); 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954 - 2024)… Đây là những thuận lợi cơ bản, định hướng phát triển văn học nghệ thuật đất nước và Hà Nội.
Là một đơn vị luôn có những hoạt động gắn liền với sự phát triển của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội xác định: Tiếp tục nâng cao vị thế hoạt động của Hội, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, góp phần giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa Hà Nội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công chúng Thủ đô. 
Đồng hành trách nhiệm và hiệu quả
NSND Nguyễn Quang Vinh (Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội)

Cùng với đó, Hội tập trung đầu tư cho hoạt động sáng tác một cách thích hợp, hiệu quả để có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; khai thác tiềm năng âm nhạc dân tộc, tiếp cận có chọn lọc âm nhạc đương đại; đổi mới, sáng tạo phương thức hoạt động cho phù hợp và đặc biệt quan tâm tới sáng tác các tác phẩm dành cho thiếu nhi.
Bên cạnh đó, Hội cũng tăng cường các hoạt động liên kết với các hội chuyên ngành thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và các cơ quan hữu quan để xây dựng các chương trình hành động cụ thể về chuyên môn trên các lĩnh vực nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của Hội Liên hiệp.

Hồng Đặng