''Người văn'' Trung Trung Đỉnh
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 10:20, 29/08/2021
1. Tôi biết nhà văn Trung Trung Đỉnh cách đây hơn 20 năm. Khi ấy, tạp chí Văn nghệ Quân đội đang tổ chức cuộc thi truyện ngắn “Hướng tới giao thừa thiên niên kỷ”.
Cái duyên đưa đẩy cho tôi được biết ông nó cũng kỳ lạ. Tôi từ trường đại học, đạp xe đến trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội để gửi truyện dự thi. Đến nơi, gặp nhà văn Chu Lai, ông Chu Lai nhận bản thảo và ngồi đọc ngay tại phòng khách, rồi ông viết mấy chữ lên phong bì: Gửi Trung Trung Đỉnh, đây là truyện ngắn của một cô sơn nữ, tôi đã đọc, truyện viết được. Đại ý vậy. Rồi ông Chu Lai ký loằng ngoằng ở dưới. Tôi hỏi ông Chu Lai, vậy ông Trung Trung Đỉnh đang làm chức vụ gì? Ông Chu Lai cười to: “Đấy là ông biên tập viên trực văn xuôi, người đầu tiên quyết định truyện của cháu có được in hay không đấy”.
Tôi về, trong bụng rất tò mò, không biết ông Trung Trung Đỉnh trông ở ngoài thế nào. Thời điểm đó, tôi đã đọc “Ngõ lỗ thủng” và “Tiễn biệt những ngày buồn” của ông. Tôi mê cả 2 cuốn này. Mê đến mức tôi còn dò dẫm với một tấm bản đồ to đùng trong tay đạp xe từ Cầu Giấy lên khu Vân Hồ, với hy vọng tìm ra được cái “ngõ lỗ thủng” nguyên mẫu của ông. Các nhân vật của ông sinh động ghê gớm, đôi chỗ hài hài, đôi chỗ tủi tủi. Cái bức tường bí bách quá lại còn đi cổng chính thì phải mất tiền, thế là người ta có sáng kiến đục ra một lỗ vừa người chui lọt, cứ thế mà đi tắt vào công viên cho nó nhanh. Người ta đục ra được vài hôm thì chính quyền lại bít lại, đương nhiên rồi. Rồi dân lại đục. Cứ bít rồi đục mãi. Bao nhiêu chuyện xảy ra xung quanh đó. Một Hà Nội hiện ra qua cái lỗ thủng ấy.
Rồi tôi đọc “Tiễn biệt những ngày buồn”, những ngày nằm co ro trên giường tầng trong phòng ký túc xá sinh viên của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Bên ngoài mưa rét, gió thổi vù vù. Con kênh đen thui lặng phắc không cả tiếng muỗi vo ve. Rét quá, muỗi cũng chết rét hết. “Tiễn biệt những ngày buồn” của Trung Trung Đỉnh là câu chuyện đầy những oái oăm về những người lính bước ra từ chiến tranh và “rơi tõm” vào thời bao cấp. Mỏi mệt, ấm ức, ngỡ ngàng, thất vọng, đôi khi đau xót. Vừa đau xót vừa hài hước...
2. Cuối cùng thì tôi cũng được gặp Trung Trung Đỉnh - ông nhà văn có thật ở ngoài đời. Ông Đỉnh người thấp nhỏ, giọng rề rà, lúc cười trông ông rất hóm. Nhưng lần đầu gặp ông, tôi có ấn tượng là ông hơi lạnh lùng. Ông làm việc trong cái phòng ở đầu hồi tầng hai, tối tối, toàn mùi thuốc lá, rượu, cửa sổ chả mấy khi mở hẳn ra. Gặp tôi lần đầu tiên, ông bảo: “Ngồi đi cháu. Uống nước chè không? Khá. Mày viết miền núi khá cháu ạ. Tao thích miền núi”.
Sau này tôi hay qua lại hơn, ông lúc nào cũng mày tao. Thoải mái, ấm áp. Ông hay nói chuyện nghề, thì với tôi chắc ông cũng chả biết nói cái gì khác. Ông bảo viết về miền núi, cái cốt nhất là phải hiểu miền núi. Yêu chưa đủ, phải hiểu. Mày phải hiểu cho thật kỹ vào cháu ạ. Nhất là miền núi hôm nay, miền núi của thế kỷ XXI. Chứ các ông Tô Hoài, Ma Văn Kháng viết miền núi là của thế kỷ trước rồi. Lứa chúng mày phải viết khác đi.
Sau này, khi tôi đã về tạp chí Văn nghệ Quân đội được mấy năm, vẫn miệt mài viết miền núi, thì ông bảo: “Mày hơn cả tao rồi. Tao cũng thích miền núi phía Bắc lắm, nhưng tao không đi được nhiều. Già rồi!”. Tôi bảo: “Thì chú có Tây Nguyên. Cháu ngưỡng mộ Tây Nguyên của chú lắm”. Ông thở ra phì một cái: “Ôi dào, ngưỡng cái con khỉ!”. Ông thường thế, thường cười nhạo cái cuộc đời văn chương của chính mình khi mà bao người như tôi, kính trọng và ngưỡng mộ ông biết bao nhiêu.
Tôi không ở cùng cơ quan với ông lâu, vì sau đó ông sang Hội Nhà văn Việt Nam làm Giám đốc Nhà xuất bản. Khi ông đi rồi, tôi với ông thành ra lại nói chuyện nhiều hơn. Rồi từ lúc nào tôi chuyển qua gọi ông bằng bố. Bố Đỉnh. Ông là nhà văn duy nhất tôi gọi bằng bố. Ông bảo đấy là “bố nhận”. Khi ông gặp bố tôi, ông nói: “Con bé này nó gọi tôi là bố. Tôi ngưỡng mộ ông vì ông đã có đứa con gái như nó. Được nó gọi là bố tôi cũng khoái lắm. Tự hào về nó, ông ạ!”. Bố tôi cười to, khoái chí. Tôi ra mắt sách, ông đến dự. Mang đến mấy tờ A4 in sẵn ra cái bài ông viết về tôi rồi đưa cho một nhà văn khác lên đọc hộ. Nhờ người đại diện nhưng ông vẫn lò dò đi lên, vẫn tranh cầm micro và nói vài câu. Tôi biết ông vẫn luôn dõi theo tôi, đứa “con nhận” mà ông đã uốn nắn từ ngày đầu tiên viết truyện ngắn đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội.
3. Ông Đỉnh là người ham vui, ham chơi. Sểnh ra cái có người rủ là ông "tếch" thẳng lên đường. Tôi hình dung được cái tâm thế chộn rộn của ông, một lính trận đích thực, người yêu say đắm đại ngàn phóng khoáng, hoang vu, đẹp đẽ đến lộng lẫy của Tây Nguyên, mà cứ phải chôn chân trong một căn nhà mặc dù cũng rất xinh xắn, trong một con ngõ nhỏ của Hà Nội. Có đận ông ốm. Ốm lâu lắm. Tôi và con bé con đến, ông nằm co như con tôm trên giường. Tứ bề vẫn là sách chồng lên sách. Bên ngoài ô cửa sổ xinh xắn vẫn là những tán cây biếc xanh vô cùng dễ thương. Đó đích thị là một phòng văn cho người yêu nghề. Thế nhưng người văn ấy thì đang nằm co, nghiến răng chống lại những cơn đau kỳ quái kéo đến theo chu kỳ. Lúc đau thì chịu, hết cơn đau ông lại bò dậy, lại "nhem nhẻm" nói đủ thứ chuyện.
Ông không dạy tôi nhiều điều cụ thể, ông chỉ vu vơ nói vài câu trong những câu chuyện bất tận về đủ thứ con cái, tiền bạc, cuộc sống nhưng những điều ấy luôn găm vào đầu tôi. Để từ đấy, tôi biết mình cần phải sống thế nào với văn chương, sắp đặt cho văn chương một vị trí thế nào cho phù hợp với cuộc đời không dừng chật vật, mỏi mệt với áo cơm.
Năm ông bảy mươi tuổi, mừng sinh nhật ông, Nhà xuất bản Trẻ in đủ bộ 7 cuốn sách của ông. Ông bảo: “Nhuận bút nhà Trẻ trả cho tao đủ để tao đi Anh một chuyến chơi với anh Cu rồi. Vui lắm". Anh Cu là cách ông gọi cậu con trai đang học ở Anh. Nhưng rồi ốm, rồi dịch bệnh, đến tận giờ, tôi vẫn đùa: “Nhuận bút bố gửi ngân hàng có khi lãi gấp đôi rồi...”. Ông cười khì khì. Dịch dã, bố con toàn nói chuyện qua điện thoại. Tôi hình dung ra ông già dạo này để râu dài, tóc bạc lắm rồi, lủ khủ lù khù ngồi trong căn phòng tầng hai xinh xắn lọ mọ với cái điện thoại hàng tỷ thứ ứng dụng, khoái chí khi phát hiện ra điều thú vị nào đó.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh tên thật là Phạm Trung Đỉnh. Ông sinh năm 1949 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 1968, ông đi bộ đội, chiến đấu tại chiến trường An Khê và các địa bàn thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Chính vì thế, Tây Nguyên trở thành đề tài quen thuộc nhất đối với văn chương của Trung Trung Đỉnh. Ông được biết đến với nhiều tác phẩm tiêu biểu như: “Tiễn biệt những ngày buồn”, “Ngược chiều cái chết”, “Lạc rừng”, “Lính trận”, “Ngõ lỗ thủng”... Ông đã được trao Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.