Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo - Những năm tháng với Hà Nội
Tin tức - Ngày đăng : 11:29, 03/09/2021
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Lê Quang Đạo đến Hội hoa xuân Hà Nội (năm 1982) - (Ảnh gia đình cung cấp)
Từ năm 1940 đến 1943 địch khủng bố ác liệt ở Hà Nội. Cơ quan lãnh đạo Đảng bộ thành phố bị triệt phá 8 lần, cán bộ đầu não người bị bắt người phải chạy khỏi địa bàn. Tháng 4/1943, anh Đạo được chỉ định về làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Hà Nội để chắp nối và gây dựng lại phong trào. Lúc đó anh đang là Bí thư Phúc Yên, Xứ ủy viên. Về Hà Nội, anh Đạo còn nhiệm vụ phổ biến trong tầng lớp văn nghệ sĩ bản Đề cương văn hóa của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Khi về làm Bí thư Hà Nội, anh Đạo tiếp tục tham gia ban biên tập của hai tờ báo vừa ra: Cờ Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng và Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách, viết bài và biên tập chính, anh Đạo giúp việc. Hai người tạo thành ban biên tập đầu tiên của hai tờ báo.
Về Hà Nội, anh Đạo ở nhiều nơi. Anh nhớ rõ nhất ngôi nhà ở phố Phó Đức Chính. Tại đây, mỗi tháng một buổi anh Đạo giảng Điều lệ Việt Minh và Đề cương văn hóa, tham dự có các nhà văn Tô Hoài, Như Phong, Nguyễn Đình Thi... Sau thời gian ngắn, tổ chức Đảng và cơ sở quần chúng dần được khôi phục. Tổ văn hóa cứu quốc đầu tiên của Hà Nội ra đời. Từ Hà Nội, bản Đề cương văn hóa tiếp tục đi về Hải Phòng... Anh Đạo là người góp phần quyết định ra đời tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam. Khi tổ chức Đảng ở Hải Phòng bị vỡ, liệt sĩ Vũ Quý thoát khủng bố chạy lên Hà Nội được anh Đạo giao việc. Nhiều người trong đường dây của Đảng bộ Hà Nội hồi đó được anh Đạo kết nạp vào Mặt trận Việt Minh sau này đã trở thành cán bộ chủ chốt, tiêu biểu như Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Lê Quang Đạo làm việc tại huyện Đan Phượng ngày 1/1/1982 - (Ảnh gia đình cung cấp)
Mùa hè năm 1943, Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu (Hà Nội) mở lớp bồi dưỡng lý luận. Đồng chí Vũ Oanh (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị) viết: “Anh Đạo là giảng viên. Anh say sưa giảng hết ngày này qua ngày khác. Bài giảng rất phong phú, từ vấn đề cơ bản “Duy vật biện chứng...” đến “Vấn đề chuẩn bị Tổng khởi nghĩa...”... “Công tác bí mật”...”
Khi cơ sở của Đảng bộ Hà Nội bị lộ, các anh Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài bị bắt, bị tra hỏi ráo riết. Lúc đó, các anh mới biết người thanh niên trẻ nhỏ nhắn chính là Bí thư Đảng bộ của Hà Nội, với biệt danh “Đốc lý Đỏ” do mật thám Pháp đặt. Cũng nhờ anh trông như học sinh, bọn mật thám rình phục không thể ngờ tới nên chúng bắt hụt. Anh Đạo đã trốn thoát khỏi ngôi nhà phố Phó Đức Chính.
Trong hai năm, anh Lê Quang Đạo cùng Đảng bộ Hà Nội đã tạo dựng được cơ sở rộng khắp cho phong trào cách mạng Hà Nội phát triển mạnh mẽ, đi tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đầu năm 1945, anh Đạo rời Hà Nội, nhận nhiệm vụ mới được Trung ương giao để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.
* * *
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, anh Đạo được cử về làm Bí thư Hải Phòng kiêm Chủ tịch Việt Minh để tái lập tổ chức Thành ủy, củng cố chính quyền, các tổ chức Đảng, các đoàn thể. Tháng 1/1946, Hải Phòng đã tổ chức thành công bầu cử Quốc hội khóa 1 và sẵn sàng “đón tiếp” quân Pháp theo Hiệp định sơ bộ 6/3/1945 đã ký với ta.
Tháng 5/1946, tình hình Hà Nội căng thẳng và nóng lên từng ngày, quân Tưởng còn rải rác ở các vị trí cũ và quân Pháp đã vào Hà Nội. Anh Lê Quang Đạo được điều từ Hải Phòng về làm Bí thư Đảng bộ Hà Nội. Anh đặc biệt chú ý củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất, các tổ chức đoàn thể, tích cực thành lập và xây dựng các đơn vị Vệ quốc đoàn, công an xung phong, tự vệ chiến đấu. Đồng chí Nguyễn Tài (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an) kể lại: “Hồi đó Thành ủy Hà Nội có trụ sở ở nhà 109 Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Khi có hội nghị toàn thành phố... Anh Đạo thường trình bày tình hình thế giới và trong nước... Anh nắm bắt được ý mọi người để kết luận và kết thúc thảo luận. Nghe đâu ra đó, ai cũng hài lòng”. Đồng chí Hồ Trúc (sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục) kể lại: “Anh có cách nói hấp dẫn nên người nghe thường rất đông... Sau các buổi nói chuyện, anh thường hay ở lại để anh em hỏi han thêm. Chính các buổi tiếp xúc đó đã giải quyết được rất nhiều vấn đề... Anh Đạo chịu đọc sách, nhất là sách lý luận, nhưng khi nói chuyện... lời lẽ rất giản dị, dễ nghe, dễ hiểu”.
Tháng 11/1946, tình hình giữa ta và Pháp ở Hà Nội cực kỳ căng thẳng. Trung ương và Chính phủ quyết định tổ chức 12 chiến khu quân sự để chuẩn bị kháng chiến. Bí thư Lê Quang Đạo được cử làm Phó Bí thư Khu ủy Khu đặc biệt XI (tức Hà Nội) do đồng chí Nguyễn Văn Trân là Chủ tịch kiêm Bí thư Khu ủy. Khi bàn việc đặt tên cho tờ báo của Hà Nội sẽ ra đời, ý kiến của anh Đạo: “Có lẽ dùng ngay chữ Thủ đô là tốt”, được mọi người đồng ý ngay.
Đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Địch âm mưu chiếm Hà Nội trong 24 giờ, hòng diệt lực lượng vũ trang và các cơ quan đầu não của ta. Trong 60 ngày đêm với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” anh Đạo cùng Thành ủy lãnh đạo quân dân Thủ đô ngày đêm liên tục chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện vượt mức yêu cầu về tiêu diệt và kìm chân địch. Đêm 17/2/1947, anh Đạo cùng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ chui qua gầm cầu Long Biên rút khỏi Hà Nội an toàn, không mất một khẩu súng, không bỏ sót một thương binh, bảo toàn lực lượng chủ lực kháng chiến lâu dài. Theo lời kể của đồng chí Trần Quốc Hoàn (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an) cùng đi với anh Đạo tối hôm đó: “Khi chui qua gầm cầu, anh Đạo phải bò bằng cùi tay, hai tay giữ cái đồng hồ báo thức [được anh em Liên khu phố 1 tặng]. Không dè, chuông đồng hồ bỗng reo vang. May mà bọn lính Pháp gác trên mặt cầu không nghe thấy!”.
Đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư huyện ủy Lưỡng Hà (hàng sau bên phải) và bạn bè - (Ảnh gia đình cung cấp)
Ngay sau đó anh Đạo đuợc giao nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, lãnh đạo Đảng bộ, du kích tự vệ ở lại “bám đất, bám dân” chiến đấu ngay trong lòng Hà Nội bị chiếm đóng. Bộ binh và xe tăng Pháp liên tiếp đánh phá vùng xung quanh Hà Nội. Cơ quan Thành ủy phải di chuyển liên tục. Theo lời đồng chí Chu Duy Kính, người bảo vệ anh Đạo (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu Thủ đô): “Anh Đạo không có thư ký riêng cũng chẳng có trợ lý. Tất cả đều ở trong đầu anh và cuốn sổ tay nhỏ, chiếc túi dết... Anh đóng một bộ quần áo nâu của nông dân, một chiếc màn nhỏ... Anh Đạo quần dài xắn móng lợn, súng giắt trong vạt áo, vai đeo túi dết, đầu đội mũ lá gồi, chân đi dép cao su con hổ.” Sang năm 1948 thành lập liên tỉnh ủy Hà Nội và Hà Đông, anh Đạo được cử làm Bí thư “Lưỡng Hà”.
Đầu năm 1949, kháng chiến còn rất căng thẳng, việc động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân cho giai đoạn phản công tiếp sau cần được thúc đẩy mạnh. Trung ương Đảng giao cho anh Đạo nhiệm vụ Phó Ban Tuyên truyền Trung ương (Tổng Bí thư Trường Chinh là Trưởng ban) và phụ trách báo Sự Thật của Đảng. Anh rời Hà Nội sau gần 3 năm gắn bó với Thủ đô.
* * *
Năm 1950, anh là một trong số 50 cán bộ chủ chốt Trung ương Đảng tăng cường cho quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh giao anh Lê Quang Đạo làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị (TCCT) và năm 1955 làm Phó Chủ nhiệm TCCT. Trong gần 30 năm, anh Đạo phụ trách công tác văn hóa tư tưởng và đối ngoại của quân đội, đồng thời trực tiếp tham gia lãnh đạo các chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến: Biên giới (1950) và Điện Biên Phủ (1953 - 1954) là Phó Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận; Đường 9 - Khe Sanh (1968), Bộ Tư lệnh 500 (1969) Đường 9 - Nam Lào (1971) và Giải phóng Quảng Trị (1972) là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận.
Năm 1978, anh Đạo rời quân ngũ. Là Bí thư Trung ương Đảng, anh được phân công về làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội (1978 - 1982). Thời kỳ này đất nước ta phải đối phó với chiến tranh biên giới ở cả hai đầu Nam, Bắc. Kinh tế rất khó khăn, Hà Nội có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, từ “cơm ăn, áo mặc” đến chiến lược phát triển lâu dài.
Đồng chí Phạm Lợi (sau này là Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội) kể lại: “...công tác quy hoạch cán bộ, một việc mà thời kỳ đổi mới sau này mới thành khái niệm phổ biến thì những năm 78 - 79 đã được anh Đạo chỉ đạo rất sớm ở Hà Nội... Anh dành rất nhiều thời gian làm việc với các trường đại học, các viện nghiên cứu của Hà Nội... chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài của Hà Nội. Đây là tầm nhìn có ý nghĩa chiến lược của anh đối với Thủ đô... Anh Đạo đã kết hợp được hai mặt rất quan trọng của người lãnh đạo: đối với quần chúng thì cởi mở, hòa nhập gần gũi, đối với những vấn đề và quan điểm có tính nguyên tắc thì rất nghiêm, không xuề xòa, qua loa hay lẫn lộn. Đây là phong cách rất quý... Anh đã góp phần rất quan trọng cùng với Thành ủy, Đảng bộ Hà Nội vượt qua các khó khăn, tạo sự ổn định và chuẩn bị cho thời kỳ phát triển mạnh mẽ sau này. Những người trực tiếp làm việc với anh, dù là cán bộ hay người dân, đều có cảm tưởng rất tốt đẹp về anh”. Năm 1982, anh Đạo rời Hà Nội về cơ quan Trung ương. Là Bí thư Trung ương Đảng, anh trực tiếp làm Trưởng Ban Khoa giáo.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Lê Quang Đạo với các con và đồng chí Chu Duy Kính - (Ảnh gia đình cung cấp)
Những năm tháng với Thủ đô luôn có một vị trí đặc biệt trong cuộc sống và sự nghiệp của anh Lê Quang Đạo. Cũng chính ở Hà Nội, năm 1946, tôi được kết nạp Đảng và quen anh Đạo khi tôi là cán bộ mật mã của thành phố.
* * *
Mùa xuân năm 1949, trên đường từ Hà Nội lên chiến khu nhận công tác, nhạc sĩ Văn Cao gặp và ăn cơm cùng anh Đạo. Anh nắm chặt tay nhạc sĩ và nói: “...nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!... nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của người dân Thủ đô đấy”. Đêm hôm đó, ánh trăng xanh lung linh trên đường làng, những nét nhạc đầu tiên đến với nhạc sĩ: “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về...”. Sau đó hai tuần nhạc sĩ đã viết xong ca khúc Tiến về Hà Nội, đưa in trên báo Thủ đô. Nhạc sĩ tâm sự: “...tôi nhớ nhất là nụ cười rất hồn hậu của anh Lê Quang Đạo khi ngồi nghe tôi và các bạn tôi hát bài Tiến về Hà Nội”.
...............................................