Chấn chỉnh lùm xùm tiền từ thiện: Nghệ sĩ nói gì về việc minh bạch?
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 09:50, 06/09/2021
Suốt một thời gian dài, mạng xã hội xôn xao về việc nhiều nghệ sĩ nổi tiếng vướng vào những lùm xùm xung quanh chuyện công khai, minh bạch tiền từ thiện. Dẫn đến, hai phía tranh cãi nảy lửa, thậm chí “lăng mạ” lẫn nhau. Tại dự thảo bộ Quy tắc ứng xử nghệ sĩ đang xây dựng yêu cầu nghệ sĩ minh bạch tiền từ thiện. Trước những quy định này người trong cuộc nói gì?
Dư luận xấu về nghệ sĩ
Bộ VHTT&DL vừa ban hành dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) đối với nghệ sĩ. Trong đó có nội dung về việc nghệ sĩ cần minh bạch nội dung trong hoạt động từ tiện. Bộ QTƯX này được đặt ra trong bối cảnh trên mạng xã hội đang tranh luận rất nhiều về những khoản tiền lớn mà một số nghệ sĩ đã kêu gọi được như ca sĩ Thuỷ Tiên, nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng để làm từ thiện.
Nhiều người dân đã ủng hộ tiền từ tiện cho các nghệ sĩ, họ đòi hỏi sự minh bạch, điều này hoàn toàn chính đáng, và nghệ sĩ có nghĩa vụ phải làm rõ. Sự minh bạch đó không chỉ là sao kê đầu vào những khoản quyên góp được, mà cả các chi tiêu, chi phí, cứu trợ, ủng hộ… nói chung là đầu ra.
Vợ chồng ca sĩ Thuỷ TIên - Công Vinh tham gia hoạt động từ thiện. Ảnh: Internet. |
|
Có lẽ thật khó trả lời chính xác cho từng trường hợp. Nhưng một điều không thể phủ nhận, đó là hầu hết các nghệ sĩ tham gia các hoạt động thiện nguyện trong thời gian qua chủ yếu chỉ là theo kiểu tự phát, tùy hứng, thiếu kế hoạch và đặc biệt là thiếu sự chuyên nghiệp. Từ đó, họ sa lầy vào hỏi-đáp, tranh cãi, lời qua tiếng lại cho đến khi trở thành cái tên mà có làm gì đi nữa vẫn không xóa nhòa thái độ nghi hoặc từ khán giả. Mấu chốt của tiến trình vẫn nằm ở việc người nổi tiếng kêu gọi quyên góp đã mắc sai lầm hoặc sơ suất nào đó do thiếu chuyên nghiệp sau khi nhận tiền.
Trao đổi với phóng viên KT&ĐT về vấn đề này, NSND Trung Anh chia sẻ: “Việc lùm xùm về tiền từ thiện đã kéo dài mấy tháng nay. Việc này tập trung vào một mối là chuyện của bà Phương Hằng thông tin về cách ứng xử và không giải trình từ thiện của nghệ sĩ. Nhưng, đây chỉ là vấn đề cãi nhau ở trên mạng, không có bằng chứng. Việc này đang gây dư luận xấu và ảnh hưởng đến các nghệ sĩ nói chung và một số nghệ sĩ nói riêng”.
“Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần vào cuộc và có căn cứ luật phát để xem xét. Bởi, khi muốn tố cáo ai, người tố cáo phải có bằng chứng và nếu không có bằng chứng là vu khống. Tôi không bênh nghệ sĩ, nếu nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện tôi đề nghị xử mức nặng nhất. Vì như thế là lợi dụng uy tín để lừa đảo” – NSND Trung Anh cho hay.
Nghệ sĩ cần rút kinh nghiệm
Nghệ sĩ Việt làm từ thiện cần rút kinh nghiệm cho bản thân từ trường hợp của người đi trước. Nghệ sĩ cũng là người bình thường, không nên ôm đồm mọi công đoạn của một hoạt động từ thiện. Một số nghệ sĩ như Thái Thùy Linh, Tùng Dương... làm từ thiện không gây tranh cãi mà vẫn hiệu quả do họ chỉ làm đúng phần việc của mình. Rõ ràng, từ thiện là hoạt động có lý có tình. Người làm thiện nguyện có cái tình lớn lao đến đâu đi nữa vẫn cần cái lý để giữ cho cái tình bền vững trước dư luận thị phi.
Theo NSND Trung Anh: “Tránh những điều tiếng không khó vì những người phát ngôn hay làm những điều như thế cần xem xét lại xem họ có thật sự là nghệ sĩ hay không. Tôi nghĩ rằng chữ nghệ sĩ còn quan trong hơn danh nhiệu NSND, NSƯT. Nếu đúng là nghệ sĩ, họ sẽ không làm và ứng xử những điều như thế. Hành xử còn tuỳ thuộc vào phông văn hoá, học thức và mục tiêu phấn đấu của mỗi người. Tôi đã đọc nhiều chuyện, xem nhiều thứ ở trên mạng không biết tin vào điều gì. Thậm chí những người tố cáo còn vơ đũa cả nắm không chỉ đích danh người này hoặc người khác. Nghệ sĩ thậm chí bị xô đẩy, chèn ép trong chuyện đấy không biết điều đó có thực sự là vu khống hay không hay bản thân người đứng ra tố cáo có bằng chứng hay không và không thấy pháp luật can thiệp”.
Chính vì vậy, những chế tài pháp lý, Quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ là các thiết chế để bảo vệ lòng tin, đồng thời tạo cơ chế để bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và giúp họ tránh được các rủi ro làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, niềm tin của khán giả đối với “người của công chúng” cũng như bất cứ ai đứng ra kêu gọi làm thiện nguyện.
Ca sĩ Thanh Lam và Tùng Dương trong đợt kêu gọi từ thiện ủng hộ bà con gặp khó khăn tại Hà Tĩnh năm 2020 |
|
Ca sĩ Tùng Dương, một nghệ sĩ nhiều năm nay, rất nhiệt tình với công việc thiện nguyện, cho rằng cần có bộ quy tắc ứng xử này. “Nó sẽ giúp các nghệ sĩ làm thiện nguyện minh bạch hơn, tránh những lùm xùm không đáng có. Nghệ sĩ là những người nhạy cảm, họ hành động theo trái tim, theo cảm xúc nên có thể không chuyên nghiệp như nhiều tổ chức. Tuy nhiên với bản quy tắc này, họ sẽ cẩn trọng hơn, minh bạch hơn với công việc thiện nguyện của mình” – nam ca sĩ nổi tiếng chia sẻ. Anh cũng nói thêm nếu là quy định có tính chất bắt buộc, ví dụ yêu cầu nghệ sĩ phải công khai toàn bộ sao kê, chứng từ khi từ thiện, nếu không sẽ bị phạt, thì có thể nhiều nghệ sĩ sẽ dè dặt hơn khi làm công việc này vì họ có cảm giác tổn thương khi bị nghi ngờ không minh bạch. Tuy nhiên, nếu là một khuyến nghị để các nghệ sĩ thực hiện thì đó là điều rất nên.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng dù xuất hiện trên mạng hay ngoài đời, các nghệ sĩ luôn thu hút một lượng công chúng đông đảo. Mọi hành động của người nổi tiếng luôn có tính định hướng và dẫn dắt. Phần lớn người của công chúng, người nổi tiếng thấy rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng, tuy nhiên cũng người dùng sự nổi tiếng ấy cho những toan tính riêng của họ. “Chính vì thế, rất cần một bộ quy tắc ứng xử, để chấm dứt ngay việc vì những mâu thuẫn cá nhân hay bức bối điều gì đó, người ta sẵn sàng lên mạng mắng chửi người khác, kéo theo các fan lao vào cuộc chiến của mình” – nhạc sĩ Nguyễn Quang Long bày tỏ. |
KTĐT