Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội: Thúc đẩy thế hệ mới sản xuất và tiêu dùng văn hóa

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 06:47, 09/09/2021

Nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam đang có những tiềm năng góp phần quan trọng vào việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội. Điển hình là với nguồn lực dân số trẻ, đa dạng và tài năng sẽ thúc đẩy một thế hệ mới của những người sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Các chuyên gia, nghệ sĩ đã đánh giá rất cao tiềm năng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội nhưng vẫn không khỏi băn khoăn khi còn rất nhiều việc phải làm để có thể khai thác và phát huy thế mạnh này.

Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội: Thúc đẩy thế hệ mới sản xuất và tiêu dùng văn hóa
 Hà Nội cần thúc đẩy thế hệ mới sản xuất và tiêu dùng văn hóa (trong ảnh: Khán giả đến Hoàng thành Thăng Long thưởng thức Monsoon music festival 2019). Ảnh: BTC Monsoon music festival.

Nắm bắt lợi thế

Các chuyên gia, nghệ sĩ đều bày tỏ sự lạc quan khi thấy rõ lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung sẽ nắm bắt được nhiều lợi thế trong thời đại toàn cầu hóa với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó có thể kể đến cơ hội quảng bá toàn cầu, khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số. Cùng với đó, các chuyên gia, nghệ sĩ còn cho rằng, khi thực hiện công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phát triển lành mạnh với một tác phẩm, chương trình nghệ thuật hay thì ngoài việc mang lại doanh thu, lợi nhuận còn góp phần mang lại những cảm xúc tích cực, lan tỏa tinh thần nhân văn, lý tưởng sống cao đẹp và nhất là sẽ tạo ra những không gian văn hóa lành mạnh, những con người văn minh. Giá trị tích cực này đặc biệt quan trọng đối với giới trẻ khi nó góp phần tạo nên những thói quen mới mà giới trẻ thường gọi là “trend” - một cách để có thể xây dựng thói quen mới hiệu quả hơn rất nhiều so với những thứ giáo điều trong sách vở và cả việc phải vận động, ép buộc thiếu hiệu quả. Thêm nữa, nó còn tạo ra công việc, truyền cảm hứng và đem lại sự tự tin, thúc đẩy một thế hệ mới của những người sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Đồng thời còn đẩy mạnh phát triển năng lực sáng tạo nhằm đào tạo một thế hệ mới các tổ chức, doanh nghiệp văn hóa đạt tầm quốc tế về chất lượng, hướng đến công chúng và phù hợp hơn với xã hội đương đại, hiểu biết về kỹ thuật số, có ý thức về thiết kế, cởi mở và có tinh thần doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, với các thành phố lớn như Hà Nội có tốc độ phát triển và mở rộng các khu đô thị mạnh mẽ nên sẽ mở ra những cơ hội phát triển vùng sáng tạo để định vị văn hóa.“Trong tầm nhìn chiến lược, chúng ta đang có một số thành phố có thể trở thành các trung tâm về nghệ thuật biểu diễn trong công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo của khu vực cũng như châu lục. Điều này sẽ giúp các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn hưởng lợi từ các mạng lưới chuyên môn trong công nghiệp văn hóa, thí dụ như tạo dựng du lịch văn hóa, sáng tạo nghệ thuật thực cảnh, các chương trình nghệ thuật gắn liền với lễ hội…”, NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đánh giá.

Bên cạnh đó, theo NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, công nghiệp văn hóa là sự áp đặt giá trị của những nước phát triển thống trị thị trường để tiêu thụ sản phẩm, loại sản phẩm đặc biệt, là thành quả lao động vô giá phải vì mục đích phát triển kinh tế văn hóa vì con người và xã hội. Ứng dụng công nghiệp vào văn hóa nghệ thuật để sản xuất ra nhiều sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể trong sáng tạo trí tuệ, tạo ra nguồn thu nhập từ các dịch vụ tri thức của con người đặc biệt. Tác động ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là biến các sản phẩm hàng hóa văn hóa, nghệ thuật biểu diễn bán ra thị trường vì mục đích phục vụ công chúng nhằm tăng trưởng đời sống tinh thần văn hóa chính trị của toàn dân, tăng thu lợi nhuận kinh tế xã hội để xây dựng đất nước giàu mạnh.

Cũng theo NSND Thúy Mùi, sự phát triển công nghiệp hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì: “Tạo ra cách nhìn nhận đánh giá, cách thưởng thức mới của công chúng đối với nghệ thuật biểu diễn. Các loại hình nghệ thuật cũng phải chuyển mình nâng cao cách tiếp cận với công chúng và đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi với nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Các nhà hát chuyên nghiệp, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhạy bén vận dụng quy trình sản xuất sản phẩm văn hóa đại chúng để đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đến gần hơn với khán giả, đồng thời thu về nhiều giá trị lợi ích cả về tinh thần lẫn vật chất, cũng đưa đến sự đa dạng hóa những thành phần tham gia sản xuất hàng hóa”. 

Thách thức và rào cản

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế cần nắm bắt ấy, theo các chuyên gia, nghệ sĩ còn không ít thách thức, rào cản đang đặt ra đối với việc thực hiện công nghiệp hóa lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật như vi phạm bản quyền, sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại lai, năng lực cạnh tranh thấp... Trong đó, vấn nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền đang hết sức nhức nhối trong đời sống xã hội mà biểu hiện rõ nhất là nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao bị sao chép hàng loạt phát tán tràn lan trên không gian mạng, thậm chí nhiều khi nhà đầu tư chưa kịp phát hành tác phẩm nhưng trên thị trường đã xuất hiện bản lậu. Thực tế này đã khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự định đầu tư khởi nghiệp và cả những doanh nghiệp đang nỗ lực hoạt động trong lĩnh vực này mang tâm lý e ngại, lo lắng để rồi không ít người đành chùn bước. Đây là rào cản cần sớm gỡ bỏ bằng sự tích cực của các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ để có được hành lang pháp lý bảo vệ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tâm huyết với lĩnh vực này.

Nhạc sĩ Quốc Trung - người khởi xướng và là giám đốc, đạo diễn của lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon music festival) được tổ chức thành công ở Hà Nội trong những năm qua cho rằng, một dự án nghệ thuật đỉnh cao muốn thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước cần được đầu tư về mọi mặt và cần có tuổi đời hoạt động từ 5-10 năm. Việc tuổi đời các dự án nghệ thuật thường rất ngắn khiến giá thành sản xuất rất cao, dẫn đến việc đầu tư về mọi mặt không đủ, qua loa và yếu ớt. Thế nhưng, cho đến giờ, Hà Nội chưa có một dự án nghệ thuật nào mang tầm quốc tế đủ sức thu hút mọi thành phần công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về tính cạnh tranh với thói quen thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả quốc tế.

Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội: Thúc đẩy thế hệ mới sản xuất và tiêu dùng văn hóa
Đầu tư cho nghệ thuật chưa tương xứng với vai trò và nhiệm vụ của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Ảnh: HA.
Từ thực tiễn hoạt động, quản lý đơn vị mình, nhiều nghệ sĩ  trăn trở về sự thiếu đồng bộ từ cơ sở vật chất đến nhân lực - hai yếu tố quyết định trong công cuộc công nghiệp hóa biểu diễn nghệ thuật hiện nay. Về cơ sở vật chất, so với cả nước, Thành phố Hà Nội đã khá quan tâm đến việc cải tạo rạp hát, mua sắm trang thiết bị, phương tiện biểu diễn cho các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, theo NSND Thúy Mùi, đối với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng những đầu tư cho nghệ thuật chưa tương xứng với vai trò và nhiệm vụ của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Thủ đô, chưa đáp ứng theo kịp được sự phát triển công nghiệp và công nghệ như vũ bão hiện nay. “Các nhà hát chưa mang tính hiện đại, công năng sử dụng không hợp lý, phương tiện kỹ thuật không đồng bộ. Nội dung nghệ thuật truyền tải đến người xem nhất thiết phải có sự hỗ trợ của phương tiện biểu diễn như: âm thanh, ánh sáng, cảnh trí, đạo cụ, trang phục. Nếu các thiết bị đầu tư manh mún, không đồng bộ thì không có sự tương thích, tạo hiệu ứng biểu diễn thì nói đến ứng dụng công nghệ, nói đến phát triển công nghiệp sẽ là hết sức khó khăn”, NSND Thúy Mùi nói.

Đối với bài toán nhân lực thì vẫn còn đó nỗi lo lắng “tre” đã già mà “măng” chưa kịp mọc hoặc cũng đã có “măng” song mãi không phát triển được. NSƯT Trần Ly Ly cho rằng, có nhiều nguyên do dẫn đến thực trạng ấy, trong đó có nguyên do nghệ sĩ trẻ hôm nay ít có điều kiện để rèn luyện, phát triển và khẳng định. “Điều dễ nhìn thấy nhất là nhiều nghệ sĩ trẻ có đời sống còn khó khăn, chưa sống được bằng nghề. Nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" chưa lúc nào nguôi với họ, nhất là với những người gắn bó với các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, kịch nói, cải lương… hay nghệ thuật hàn lâm như opera, giao hưởng, ballet. Mức lương theo hạng, bậc của nghệ sĩ trẻ đã thấp, nhiều người còn thuộc diện lao động hợp đồng. Cùng với đó là các khoản bồi dưỡng ngày càng ít đi do đơn vị nghệ thuật bị giảm nguồn thu, chưa kể các đơn vị phải thu gọn cả về quy mô lẫn nhân sự để đủ kinh phí hoạt động. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ trẻ và việc giữ chân họ là một bài toán khó đặt ra cho người quản lý đơn vị nghệ thuật hiện nay”, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn rất cần được công nghiệp hóa một cách mạnh mẽ và luôn là lĩnh vực hứa hẹn những tiềm năng khả quan không chỉ về doanh thu mà còn về việc tạo ra những giá trị tinh thần to lớn cho đời sống xã hội. Đối với Hà Nội, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thật xứng đáng được đầu tư một cách mạnh mẽ để công nghiệp hóa hiệu quả, khoa học và xứng tầm với vị thế Thủ đô.

Hoàng Anh