Bài 1: Lực lượng PCCC góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc từ 1945 đến 1986

Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 12:50, 09/09/2021

Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh số 53/LCT của Chủ tịch nước công bố ”Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC”. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi về chất trong công tác PCCC của Nhà nước, đồng thời mở ra trang mới trong lịch sử của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Hoạt động của lực lượng PCCC từ năm 1945 đến năm 1954

Đầu năm 1945, một số anh em binh sỹ Sở Cứu hỏa Sài Gòn - Chợ Lớn đã bắt liên lạc với cán bộ cách mạng và đã tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết tố cáo sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp ở đồn điền cao su Phú Riềng, xưởng đóng tàu Ba Son và đồng thời thành lập tổ chức thanh niên tiền phong và Việt Minh của Sở để tổ chức giành chính quyền cơ sở.


Ngày 24/8/1945, Sở chữa lửa Sài Gòn - Chợ Lớn là một trong 6 đơn vị treo cờ đỏ sao vàng đầu tiên của thành phố, cờ đỏ sao vàng đã phấp phới bay trên đỉnh tháp tập của Sở chữa lửa Sài Gòn - Chợ Lớn, tiếp đó ngày 28/8/1945 anh em Sở chữa lửa Sài Gòn - Chợ Lớn đi trên xe chữa cháy tham gia diễu hành cùng hàng vạn người của thành phố. Sau ngày đó, Sở đã giao 2 chiến sỹ chữa cháy bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng và một trong hai chiến sỹ trên (đồng chí Hạnh Bum) đã hy sinh dưới tháp tập vì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta đã bắn chết đồng chí Hạnh. 8h00 ngày 24/9/1945 chiến sỹ Sở cứu hỏa được lệnh rút ra căn cứ, tối 24/9 tổ chức đánh vào Sở chữa lửa giải phóng cướp xe chữa cháy rút về Gò Đen, Bến Lức, Long An tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng 3 xe chữa cháy bị kẹt lại ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Thất bại ở Điện Biên Phủ 7/5/1954, thực dân Pháp có ý đồ di chuyển phương tiện, xe chữa cháy của Hà Nội rút vào Nam nhưng Tổ công đoàn  do đồng chí Nguyễn Văn Dần, lái xe, đảng viên 1949 hoạt động bí mật chỉ huy đã đấu tranh giữ toàn bộ phương tiện chữa cháy của Sở cho đến ngày giải phóng Thủ đô và ngày 11/10/1954 đoàn cán bộ thuộc Sở Liêm Phóng vào tiếp quản đội cứu hỏa Hà Nội, tháng 12/1954 Đại đội cứu hỏa Hà Nội thuộc Phòng Trị an dân cảnh được thành lập với 7 xe chữa cháy và gần 60 cán bộ chiến sỹ.

Lực lượng PCCC hoạt động từ năm 1955  đến năm 1975


Ngày 01/01/1955 Đại đội cứu hỏa Hà Nội nhận nhiệm vụ cử một tiểu đội tham gia bảo vệ lễ đài Ba Đình trong buổi mít tinh của nhân dân Thủ đô chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trở về Thủ đô. Cũng trong ngày này, lực lượng PCCC vinh dự được Bác Hồ thân mật bắt tay từng người một và Người đã có lời chúc Tết, lời chúc Tết năm đó luôn là mục tiêu phấn đấu của lực lượng CSPCCC cho đến bây giờ, lời chúc đó là “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp nhưng phải tích cực học tập”.


Ngày 27/6/1955 Bộ Công an có Chỉ thị 479/TA-TF hướng dẫn việc phòng hỏa, cứu hỏa và quy định đó là nhiệm vụ của mọi người nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ các công trình kiến thiết, các cơ sở kinh tế quốc gia, ngăn ngừa hành vi phản cách mạng và phá hoại của kẻ địch. 

Ngày 30/12/1955 Chính phủ có Thông tư 3366/CP về việc giao Bộ Công an quản lý công tác phòng, cứu hỏa và tiếp nhận xe và máy bơm chữa cháy do Liên Xô viện trợ.


Ngày 27/3/1956 Bộ Công an có Chỉ thị số 347/TA về việc xây dựng lực lượng PCCC chuyên nghiệp ở miền Bắc. Ngày 01/06/1956 Bộ Công an có quyết định số 1175/V2 quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, cơ cấu và chế độ làm việc của đội cứu hỏa, trong đó còn quy định rõ đội cứu hỏa thành phố, thị xã là một bộ phận của Cảnh sát nhân dân.


Thực hiện Thông tư của Chính phủ và Chỉ thị của Bộ Công an, cuối năm 1956, 11 đơn vị phòng hỏa, cứu hỏa của các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hồng Quảng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên lần lượt được thành lập; lực lượng cứu hỏa bắt đầu chỉnh quân, tập luyện và tập huấn nghiệp vụ PCCC, PCCC xăng dầu do chuyên gia Liên Xô dạy.


Đến năm 1958 Bộ Công an có Quyết định thành lập Phòng phòng cháy, chữa cháy (P8) thuộc Vụ trị an dân cảnh (V10) của Bộ Công an.


Tháng 7 năm 1959, Bộ Công an đã đưa đoàn học sinh đầu tiên đi học tại Trường Trung học PCCC Lêningrat - Liên Xô gồm 6 đồng chí. Đến tháng 9/1963 lớp cán bộ đầu tiên của ta tốt nghiệp ra trường về nước nhận công tác. 


Công tác cử người đi đào tạo ở các nước có nền khoa học kỹ thuật PCCC tiên tiến như Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức được Bộ Công an đặc biệt quan tâm. Tính từ 1962 đến năm 1991 đã có 116 đồng chí được đào tạo tại Trường Đại học PCCC Matxcơva – Liên Xô, 61 đồng chí được đào tạo tại Trường Trung cấp Lêningrat, 30 đồng chí được đào tạo tại Trường Đại học kỹ sư thực hành PCCC ở Cộng hòa dân chủ Đức. Đặc biệt có 16 đồng chí đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ khoa học PCCC ở Liên Xô.


Trước yêu cầu phát triển kinh tế ở miền Bắc (kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965). Bộ Công an giao cho Vụ Trị an dân cảnh xây dựng một văn bản pháp quy về PCCC để đề nghị Nhà nước ban hành (lúc đó tham gia xây dựng văn bản này có đồng chí Nguyễn Tăng Điện, sau này đồng chí là Cục trưởng Cục PCCC, Thiếu tướng, Phó TCT Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an). 


Đến ngày 12/8/1961 bản dự thảo Pháp lệnh được Hội đồng Chính phủ trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đến ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh số 53/ LCT của Chủ tịch nước công bố “Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC”. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi về chất trong công  tác PCCC của Nhà nước, đồng thời mở ra một trang mới trong lịch sử của lực lượng Cảnh sát PCCC. Một tình huống đáng lưu ý là tên gọi của dự thảo văn bản pháp quy này qua từng bước có sự thay đổi cho đúng hơn: Đầu tiên Bộ Công an dự thảo là “Luật phòng hỏa, cứu hỏa Việt Nam”, đến Văn phòng Nội chính Phủ Thủ tướng đề nghị là “Pháp lệnh quy định việc giám sát của Nhà nước đối với công tác phòng hỏa, cứu hỏa”, Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa hai chữ “giám sát” thành hai chữ “quản lý”. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên nội dung của tên gọi, chỉ thay đổi cụm từ “phòng hỏa, cứu hỏa” bằng cụm từ “phòng cháy và chữa cháy” cho dễ hiểu hơn. Người nói vui: Xảy ra cháy thì phải “chữa” chứ sao lại “cứu”, như vậy đủ thấy sự quan tâm của Bác Hồ và cơ quan lập pháp đối với công tác PCCC.


Tiếp đó ngày 28/12/1961, Chính phủ ra Nghị định số 220/CP để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định việc quản lý của nhà nước đối với công tác PCCC. Ngày 29/12/1961, Chính phủ ra Nghị định 221/CP để hướng dẫn công tác PCCC rừng.


Ngay sau Pháp lệnh quy định việc quản lý của nhà nước đối với công tác PCCC được ban hành, lực lượng PCCC đã nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy từ trung ương đến các địa phương trên toàn miền Bắc. 

Ở Trung ương, Cục PCCC chính thức được thành lập, Cục có 3 Phòng và 1 trạm thí nghiệm, quân số của Cục có 29 người. 


Ở các địa phương miền Bắc, các đơn vị phòng cháy, chữa cháy: Hà Bắc, Ninh Bình, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Tĩnh,… lần lượt được thành lập.

(Còn nữa)…

Nhóm PV