Bài 2. Khắc phục khó khăn, không ngại hy sinh gian khổ
Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 12:51, 09/09/2021
Lực lượng PCCC đã có những phong trào nòng cốt như phong trào ba phòng “phòng gian, phong gián, phòng hỏa”; kiểm tra an toàn PCCC các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, nông trường, công trường…, nghiên cứu đề xuất ban hành tiêu chuẩn PCCC để thiết kế xây dựng nhà, công trình công nghiệp và dân dụng, chuẩn bị lực lượng và phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy; tham mưu đề xuất và chỉ đạo, hướng dẫn việc sơ tán, phân tán tài sản, vật tư chiến lược, vũ khí, đạn dược. Đặc biệt, lực lượng PCCC đã phối hợp với lực lượng dân phòng khắc phục khó khăn, không ngại hy sinh gian khổ, sáng tạo và dũng cảm chiến đấu dập lửa, cứu tài sản, hàng hóa trong làn bom đạn của giặc Mỹ, dập tắt kịp thời hàng ngàn vụ cháy. Điển hình là các vụ chữa cháy trận địa tên lửa và pháo phòng không tại Đồng Giao, Ninh Bình, đơn vị PCCC đã được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (01/01/1967). Vụ chữa cháy 4 xà lan lớn chở xăng dầu trên Vịnh Hạ Long, đơn vị PCCC Hòn Gai được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1/1/1967). Vụ chữa cháy thị xã Đồng Hới, Quảng Bình, đơn vị PCCC Quảng Bình được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2/9/1973). Vụ chữa cháy tàu Alecxandra của Liên Xô chở hàng viện trợ cho ta ở cảng Hải Phòng và vụ chữa cháy kho xăng dầu Thượng Lý, Hải Phòng, đơn vị PCCC Hải Phòng được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2/9/1973). Vụ chữa cháy khu lắp ráp tên lửa ở đồi Nhơm, Triệu Sơn, Thanh Hóa, đơn vị PCCC Thanh Hóa được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2/9/1973). Vụ chữa cháy tổng kho xăng dầu Đức Giang và hàng trăm vụ cháy lớn phức tạp khác xảy ra trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, đội PCCC Lộc Hà được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2/9/1973). Đặc biệt là vụ chữa cháy kho xăng dầu Đức Giang, do biết vận dụng sáng tạo kỹ thuật và chiến thuật phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của chiến tranh, lực lượng Cảnh sát PCCC đã dập tắt nhanh chóng đám cháy cứu được hàng ngàn tấn xăng dầu, với thành tích này lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô đã được Bác Hồ gửi thư khen, trong đó có 4 điều dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, lực lượng Cảnh sát PCCC đã nghiên cứu, chế tạo trên 5.000 bom cháy và vũ khí gây cháy phục vụ việc đánh phá kho tàng, hậu cứ của địch. Trong cuộc tổng tiến công giải phòng miền Nam năm 1975, lực lượng Cảnh sát PCCC đã theo sát quân chủ lực tiếp quản những đô thị mới được giải phóng và triển khai kịp thời lực lượng, phương tiện và các biện pháp PCCC, góp phần giữ gìn và ổn định an ninh trật tự cho nhân dân.
Ngày 20/7/1971 Bộ Công an quyết định thành lập Phân hiệu PCCC gọi tắt là Phân hiệu 11 thuộc Trường Cảnh sát nhân dân với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho cán bộ sỹ quan, hạ sỹ quan của lực lượng CSPCCC.
Tháng 7/1973 sau khi giải phóng Quảng Trị, lực lượng PCCC đã chi viện 33 cán bộ chiến sỹ để thành lập đơn vị PCCC Quảng Trị, đơn vị này có nhiệm vụ bảo vệ các chuyến hàng vận chuyển vào miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, bảo vệ đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và đại diện các đoàn ngoại giao của các nước tại Quảng Trị.
Tháng 3/1975 Thừa Thiên Huế được giải phóng, lực lượng PCCC đã cử cán bộ vào tiếp quản thành phố Huế và thành lập phòng Cảnh sát PCCC Bình Trị Thiên.
Ngày 29/3/1975 Bộ quyết định điều động 182 cán bộ chiến sỹ và 30 xe chữa cháy của Cục và 11 đơn vị các tỉnh phía Bắc chi viện cho chiến trường B2 và tham gia đoàn tiếp quản, quản lý thành phố Sài Gòn và chi viện cho Ban an ninh nội chính miền Nam Việt Nam.
Ngày 30/4/1975 đoàn cán bộ PCCC của Công an Hà Nội đã phối hợp với lực lượng PCCC chi viện cho chiến trường B2 tiếp quản Sở chữa lửa Sài Gòn - Chợ Lớn và Phòng Cảnh sát PCCC thành phố Sài Gòn được thành lập. Tiếp đó lần lượt các đơn vị PCCC miền Trung Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Lâm Đồng được thành lập.
(Còn nữa)…