Kinh doanh dịch vụ karaoke: Quy hoạch chưa có, quy định cần rõ ràng
Tin tức - Ngày đăng : 22:53, 02/08/2022
Chưa có quy hoạch về hoạt động karaoke
Hiện nay nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã có quy hoạch về hoạt động của karaoke, vũ trường như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá, An Giang, Bình Thuận… Phần lớn các Quyết định thực hiện quy hoạch này nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập trật tự kỷ cương, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với loại hình hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hóa nói chung và hoạt động karaoke, vũ trường nói riêng, định hướng hoạt động lành mạnh, thiết thực, phù hợp với thực tiễn, tình hình của tỉnh.
Đồng thời, định hướng các hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng đi vào nề nếp, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, giáo dục lối sống lành mạnh và phong cách ứng xử có văn hoá, văn minh cho mọi người, kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình, thuần phong mỹ tục, nâng cao trình độ thẩm mỹ, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân. Ngăn chặn sự xâm nhập và bài trừ những sản phẩm văn hoá có nội dung độc hại, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và của đất nước góp phần giữ sự ổn định, trật tự kỷ cương của xã hội.
Tại Hà Nội, trước khi làm quy hoạch karaoke, vũ trường cho các quận, huyện, từng có ý tưởng đề xuất đưa karaoke vào quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thế nhưng, khi đưa đề xuất này ra bàn trong kỳ họp thứ 5 HĐND TP Khóa XIV, nhiều đại biểu đã phản đối ý kiến này với lý do cần phân biệt được karaoke là kinh tế hay văn hóa, để tự phát triển theo nhu cầu, không cần chi ngân sách đầu tư.
Ngày 2/11, trả lời câu hỏi phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề quy hoạch đối với karaoke, vũ trường trên địa bàn Hà Nội đã có hay chưa? Trưởng phòng Quản lý văn hoá Sở VH&TT Hà Nội Lê Thị Hồng Hạnh cho biết: “Hiện tại Hà Nội vẫn chưa có”.
Trao đổi về vấn đề đầu tư quy hoạch đối với dịch vụ karaoke, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội chia sẻ: “Việc có ý kiến việc không cần chi ngân sách đầu tư cho quy hoạch karaoke là đúng. Người dân đều có tâm lý, thói quen là sử dụng các dịch vụ văn hoá, giải trí ở gần nơi sinh sống, làm việc. Do vậy, vấn đề quy hoạch dịch vụ karaoke vào một địa điểm là bất cập”.
Siết chặt điều kiện
Mặc dù đồng quan điểm về việc không chi ngân sách trong quy hoạch karaoke, nhưng TS Nguyễn Viết Chức vẫn cho rằng, trong tương lai, Hà Nội cần có quy hoạch đối với dịch vụ karaoke, vũ trường để làm rõ cơ sở kinh doanh karaoke cần cách khu dân cư bao nhiêu, đặc biệt là yêu cầu về kỹ thuật, xây dựng, an toàn cháy nổ, trật tự xã hội. Tổ chức, cán nhân nào muốn làm karaoke phải tuân thủ quy hoạch, quy định đó. Người chủ đứng ra hoạt động trong lĩnh vực này, phải có được học tập để nắm chắc quyền lợi, nghĩa vụ của mình làm gì; dần tiến tới kinh doanh có điều kiện.
Cụ thể, TS Nguyễn Viết Chức chỉ ra rằng: “Trong quy hoạch đô thị hiện đại, các quận huyện cần quy định rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke là không được sử dụng nhà ở bình thường, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và đặc biệt là yếu tố an toàn. Bởi chuyện cháy do hàn, chập điện đã xảy ra nhiều lần, có vụ việc thiệt hại lên tới hơn 10 người ở khu vực quận Cầu Giấy”.
Các chuyên gia nhấn mạnh, thời gian tới, TP Hà Nội cần có một quy định chặt chẽ, đưa vào các quy định. Trong đó, TP cần tập trung vào các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng, âm thanh, trật tự đô thị. Tất cả nội dung đó cần được minh bạch, công khai, cơ sở kinh doanh không đảm bảo sẽ không được cấp phép.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định kể trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí chịu trách nhiệm hình sự khi để những điều không mong muốn xảy ra như vừa qua ở Quan Hoa (Cầu Giấy).
Chia sẻ thêm về việc ban hành các quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, nguyên lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội cũng chỉ ra rằng: “Để ban hành quy hoạch, quy định cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan nên dẫn đến việc triển khai chậm. Từ đó dẫn đến việc nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng gây khó khăn. Tuy nhiên thực tế chỉ ra, nếu có sự vào cuộc của nhiều cơ quan thì cần xác định rõ cơ quan nào chủ trì, văn hoá, công an hay chính quyền địa phương. Vì vậy, chúng ta cần sự thống nhất trong quản lý để tránh những tai nạn đau xót như vừa qua. Vấn đề này cần đặt ra một cách nghiêm cẩn”.