Lan tỏa niềm tin từ trường ca viết về Covid
Tản văn - Ngày đăng : 10:25, 10/09/2021
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, gây ra nhiều tổn thất, đã có không ít bản nhạc, bài thơ, câu chuyện ngợi ca, cổ vũ và động viên mọi người cùng vượt qua và chiến thắng dịch bệnh. Tập trường ca của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo cũng đã xuất hiện thật kịp thời và đúng lúc. Đây không phải là một biên niên sử về đại dịch Covid - 19 mà là một bản trường ca, bản sonata thấm đẫm chất trữ tình.
Đến với với bản trường ca này, người đọc sẽ được cùng tác giả theo dòng thời gian dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc và những điềm bất thường của giao thừa năm Kỉ Hợi, chuyển qua năm Canh Tí, cho đến tận những ngày này của năm Tân Sửu (con số ngày tháng ghi ở cuối khúc 44 là ngày 4/6/2021). Thời gian đủ dài. Không gian đủ rộng, từ những địa điểm của Việt Nam, đến những nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, nơi Covid-19 hoành hành. Khác các bản trường ca cổ điển thường có những sự kiện lịch sử lớn, các nhân vật anh hùng, bản trường ca này gồm 45 khúc thơ có nhan đề và một khúc vĩ thanh. Tất cả xoay quanh sự kiện đại dịch Covid-19 và cảm nhận của nàng, một người phụ nữ thích vẽ, thích viết, thích đọc và suy ngẫm trong những ngày đại dịch. Nàng là nhân vật trung tâm khi trực tiếp khi gián tiếp, mà phần lớn là trực tiếp, có mặt trong tất cả 45 khúc thơ. Có thể nói 45 khúc thơ đó, không phải khúc nào cũng thành công như nhau, cũng gây ấn tượng hoàn hảo. Nhưng nhìn chung, nằm trong một tổng thể, chúng liên quan, bồi đắp, bổ sung nhau, thậm chí làm giảm bớt những nhược điểm của nhau.
Có thơ văn xuôi, thơ tự do, thơ lục bát và lục bát biến thể, thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ sáu chữ… thật uyển chuyển và mềm mại. Một số bài thơ trong trường ca này nếu đứng độc lập là những bài thơ khá hay, ví như: Kiếp lá, Những cánh hoa mở đêm, Mình hẹn nhau về núi, Gọi bình minh, Lối cỏ...
Những câu thơ da diết mà ấn tượng:
Đêm qua
Cả đồng hoa rì rầm ngợp thở
Chiếc kèn hoa âm thầm xa xót
Nở trắng nỗi đau chết chóc tháng Tư, nở trắng nỗi niềm người
Cánh đồng hoa u buồn vang ngân bản nhạc gió
Không cần ai nghe, không nhạc trưởng và chẳng cần nhạc công
Tháng Tư loa kèn trắng
Bừng sáng cả cánh đồng
(Khúc 15 - Hoa tháng Tư cất giọng)
Mong ước và hiện thực một đời ai trong Kiếp lá:
Rồi một ngày chợt muốn mình thành cỏ
Hồn nhiên xanh! Tua tủa nắng bên đời
Bỗng một ngày đời dâng cho kiếp lá
Xào xạc đau, khắc khoải, thảng thốt rơi
(Khúc 19 - Nghệ sĩ và khoảng lặng)
Những câu thơ dịu dàng, ngọt ngào như lời hát ru đánh thức con trẻ:
Bi à! Bi ơi/ Gió luồn khe cửa/
Nắng đã lên rồi/ Mặt trời ngáp ngủ
Thức dậy đi thôi/ Bi à! Bi ơi
Có ông mặt trời/ Nhòm cửa đến chơi
(Khúc 26 - Với cấc bé trong mùa Covid)
Những câu thơ về vẻ đẹp của Hà Nội mùa hạnh phúc:
Từng hàng xích lô lượn quanh phố cổ
Chở mùa ăn hỏi trai đẹp gái xinh
Thiếu nữ Hà thành dịu dàng xuống phố
Tha thướt gót chiều, áo nắng lung linh
(Khúc 33 - Mùa sinh nở)
Không thể dẫn hết ra những câu thơ đẹp lấp lánh làm tăng chất thơ, chất trữ trình cho bản trường ca. Đó là điều khác biệt so với bản trường ca Tiếng vọng nơi cửa sông của chính tác giả, xuất bản năm 2019.
Có thể nói Phạm Thị Phương Thảo cũng đã tự đánh giá về thơ mình và khả năng của mình trong khúc thứ 16:
“Nàng thích viết những câu thơ văn xuôi hơn là văn vần! Có lẽ câu thơ văn xuôi mới chuyển tải được hết cả mớ suy nghĩ dồn dập đang trải dài như nước chảy của nàng.
Nàng thích kể câu chuyện của mình theo một cách riêng. Những câu chuyện dung dị, đủ cả vui buồn cùng đau đớn. Chúng có vẻ phù hợp với lối tư duy, cách kể chuyện dài của nàng.
Nàng chợt phát hiện ra rằng bằng cách ấy, nàng phù hợp với lối viết trường ca”.
Thấm đẫm trong bản trường ca này là nỗi lo lắng, bất an trước dịch bệnh lan tràn. Là sự căm giận đối với những kẻ ích kỉ vô tình hay cố ý để dịch Covid tràn lan gây đau thương, chết chóc cho toàn nhân loại. Là sự lên án đối với những kẻ tàn phá thiên nhiên gây nên trận đại hồng thủy - lũ lụt miền Trung. Là niềm tin tưởng vào các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch và cả những người dân bình thường. Là lời kêu gọi Thay đổi thói quen (Khúc 10), Sống chậm lại (Khúc 12), và dùng vaccine đặc hiệu là sự lạc quan Vacxin mang tên lạc quan (Khúc 24).
Rất nhiều điều trải nghiệm và suy ngẫm có thể tìm thấy trong bản trường ca: Thi sĩ - những ẩn dụ (Khúc 18), Nghệ sĩ và khoảng lặng (Khúc 19); Nghĩ về người trẻ tuổi và sự dấn thân (Khúc 37)… Đó là những suy nghĩ của cá nhân, rất riêng tư, mà tác giả có ý không đại diện cho ai, ngoài chính bản thân mình.
Tác giả cũng phê phán và lên án những hành động trái với thái độ nghiêm túc, đầy tinh thần quyết tâm của dân tộc “Chống dịch như chống giặc” của những kẻ thờ ơ hay lạc lõng. Nhưng hình như “Thật hổ thẹn trong khi xã hội chúng ta chưa thực hiện tốt 5K” (tr. 204) là quá nương nhẹ.
Có cảm giác như Khúc 45 là khúc được đặt tên cho trường ca Sự sống và lòng biết ơn viết chưa được như ý muốn khái quát chủ đề của trường ca. May thay các phần khác cũng đã tràn đầy tinh thần ca ngợi sự sống và lòng biết ơn. “Kèn hoa! Dàn kèn hoa trắng muốt/ Thổi buốt mùa xuân 2020/ Vang ngân da diết khúc hát đau buồn của sự sống và lòng biết ơn” (Khúc 15 - Hoa tháng tư cất giọng).
Phần vĩ thanh khái quát đã thể hiện niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc. Vâng, Ngày đẹp nhất là ngày thế giới quét sạch Corona vi rut (Khúc 44 - Ngày đẹp). Và hôm nay đây dịch Covid vẫn đang phức tạp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, nhưng Sứ mệnh chiến thắng (Khúc 42) nhất định sẽ thành hiện thực. Dù còn cam go và gian khổ nhưng Niềm tin chiến thắng đại dịch Covid đang hiển hiện trên muôn vàn nụ cười trên dải đất Việt Nam (Vĩ thanh).
Cám ơn tác giả đã góp phần lan tỏa niềm tin đó qua bản trường ca này khi chúng ta vẫn đang trong những ngày chống dịch!